MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Không để rau VietGAP dỏm tuồn vào siêu thị'

05-01-2023 - 14:16 PM | Thị trường

Kiểm tra việc cung ứng hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản đề nghị siêu thị cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm đầu vào, không để tái diễn "rau VietGAP dỏm" tuồn vào siêu thị như ở TP.HCM.

Không để rau VietGAP dỏm tuồn vào siêu thị - Ảnh 1.

Ông Tiệp đề nghị siêu thị kiểm soát chặt thực phẩm đầu vào, không để rau VietGAP dỏm tuồn vào siêu thị - Ảnh: CTV

Ông Nguyễn Như Tiệp - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - nói như vậy khi đi kiểm tra một số cơ sở giết mổ, trồng trọt và hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hà Nội trước dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ngày 4-1.

Kiểm tra tại siêu thị Aeon Hà Đông, đại diện siêu thị cho biết siêu thị đã chủ động nguồn hàng, đa dạng hóa các sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng.

Ông Tiệp đề nghị các siêu thị cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề an toàn thực phẩm từ đầu vào, không để tái diễn " rau VietGAP dỏm " tuồn vào siêu thị như tại TP.HCM thời gian qua.

Kiểm tra tại Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ), các thành viên của hợp tác xã đã chủ động gieo trồng những loại rau phù hợp với thời tiết lạnh như su hào, bắp cải, súp lơ và một số loại rau ăn lá, đảm bảo cung ứng đầy đủ trong dịp Tết Nguyên đán.

Ông Hoàng Văn Thám - giám đốc Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn - cho biết toàn bộ quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và sơ chế rau của hợp tác xã đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật công nghệ Nhật Bản. Rau của hợp tác xã đang cung ứng cho các hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội.

Kiểm tra công tác giết mổ heo, gà, đại diện Công ty CP chăn nuôi C.P Việt Nam (ở huyện Chương Mỹ) cho biết đơn vị tăng công suất giết mổ cách đây trước 1 tháng. Mỗi ngày giết mổ khoảng 40.000 con gà và 500 con heo để cung ứng cho thị trường thủ đô.

Không để rau VietGAP dỏm tuồn vào siêu thị - Ảnh 2.

Đoàn kiểm tra tại Hợp tác xã rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) - Ảnh: CTV

Tại buổi làm việc sau đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội - cho biết nhu cầu tiêu dùng gạo trong tháng Tết là 96.700 tấn, khả năng tự cung ứng khoảng 50%.

Về thịt heo hơi, nhu cầu tiêu dùng khoảng 19.300 tấn/tháng, khả năng tự cung ứng khoảng 90%. Thịt gia cầm là 6.400 tấn/tháng, khả năng tự cung ứng gần 13.000 tấn. Rau củ là 107.500 tấn, khả năng tự cung ứng là 58.300 tấn…

Đối với những mặt hàng nông sản chưa đáp ứng đủ, TP Hà Nội cùng 43 tỉnh, thành phố tham gia chương trình phối hợp duy trì, hỗ trợ phát triển 946 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

100% số chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố, của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Riêng Hà Nội tiếp tục xây dựng và duy trì 159 chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, tăng 18 chuỗi so với cùng kỳ năm 2021.

Do đó, nguồn cung nông sản, thực phẩm cung cấp cho Hà Nội vào dịp trong, sau Tết Nguyên đán dồi dào, phong phú, bảo đảm trong mọi tình huống.

Qua kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Như Tiệp đánh giá khả năng cung ứng thịt gia súc, gia cầm, thủy sản, rau… tương đối dồi dào.

Ngành nông nghiệp Hà Nội cần tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng chuỗi liên kết để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn về phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thủ đô trong dịp Tết.

Theo Chí Tuệ

Tuổi Trẻ

Trở lên trên