MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không gánh nổi nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, nhà hàng rục rịch tăng giá cà phê

30-04-2024 - 15:34 PM | Thị trường

Giá cà phê nguyên liệu liên tục tăng cao, phá vỡ các kỷ lục lịch sử đã khiến nhiều nhà hàng ở Hà Nội phải điều chỉnh giá bán lẻ để cầm cự.

Thông tin với VTC News , ông Trần Trọng Tráng, Tổng Giám đốc Công ty CP thực phẩm Chiko Food cho biết, doanh nghiệp của ông vừa gửi thông báo tăng giá bán cà phê tới các đối tác lâu năm. Đây là lần đầu tiên công ty phải tăng giá các sản phẩm cà phê bán lẻ vì giá nguyên liệu nhập vào quá đắt đỏ.

“Ban đầu, khi cà phê nguyên liệu tăng giá, chúng tôi vẫn giữ nguyên giá cà phê thành phẩm vì cho rằng đó chỉ là tăng nhất thời và giá sẽ hạ xuống sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên đến giờ, giá cà phê vẫn liên tục tăng, không có dấu hiệu dừng, buộc chúng tôi phải cân nhắc, tăng giá thành phẩm, nếu không thì sẽ không trụ được vì bù lỗ quá lớn" , ông Tráng nói.

Không gánh nổi nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, nhà hàng rục rịch tăng giá cà phê- Ảnh 1.

Thông báo tăng giá hàng loạt sản phẩm cà phê của Chiko Food.

Theo đó, 7 loại cà phê và 1 loại bột ca cao vừa được Chiko Food thông báo sẽ tăng thêm 15.000 - 40.000 đồng/kg tùy loại. Hai loại cà phê tăng giá mạnh nhất là cà phê Espresso 100% và cà phê Nguyên mộc cùng tăng 40.000 đồng/kg.

Thời gian áp dụng mức giá mới sẽ tính từ ngày 1/5. “Chúng tôi luôn cố gắng cân đối để có lợi nhất cho bạn hàng, đối tác. Tăng giá bán sản phẩm là giải pháp cuối cùng, khi không còn sự lựa chọn nào khác" , ông Tráng chia sẻ.

Không chỉ giá cà phê thành phẩm được điều chỉnh tăng mà giá mỗi ly cà phê được pha chế tại các hàng quán khi đến tay thực khách cũng đang đắt hơn trước.

Ông Nguyễn Phúc Thành, Giám đốc Công ty cổ phần Gossip Việt Nam, đơn vị điều hành chuỗi cửa hàng cà phê Gossip cho biết, nhiều cửa hàng là đối tác của Gossip đã bắt đầu tăng giá bán thức uống này. “ Một ly cà phê trước đây nếu được bán với giá 20.000 - 25.000 đồng/ly thì nay tăng lên 25.000 - 30.000 đồng ”, ông Thành nói.

Không gánh nổi nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, nhà hàng rục rịch tăng giá cà phê- Ảnh 2.

Giá cà phê pha chế tại nhiều hàng quán đã tăng do nguyên liệu đắt đỏ.

Tuy nhiên, theo ông Thành, việc cửa hàng tăng giá bán lẻ cà phê không chỉ vì nguyên liệu cà phê đắt đỏ mà còn do nhiều yếu tố khác tác động.

Ông phân tích: “ Giá bán của một ly cà phê được cấu thành từ nhiều yếu tố gồm cốt cà phê, chi phí điện nước, mặt bằng, nhân công…Trong đó, cốt cà phê chiếm khoảng hơn 10%. Nay cà phê nguyên liệu tăng giá sẽ tác động đến hơn 10% chi phí làm ra ly cà phê đó, ước lượng khoảng vài trăm đồng.

Bên cạnh đó, giá điện, nước, tiền thuê mặt bằng đều tăng khiến tổng chi phí vận hành kinh doanh của quán đội lên, buộc chủ quán phải tăng giá bán để cân đối ".

Không chỉ trong nhà hàng mà giá cà phê bán dạo ven đường ở Hà Nội cũng rục rịch tăng. Một xe cà phê trên đường Đại La (quận Hai Bà Trưng) đã tăng giá bán cà phê muối từ 15.000 đồng/ly lên 18.000 đồng/ly.

Không gánh nổi nguyên liệu ngày càng đắt đỏ, nhà hàng rục rịch tăng giá cà phê- Ảnh 3.

Cà phê muối bán tại xe cà phê dạo tăng giá từ 15.000 đồng lên 18.000 đồng/ly.

Người bán cho biết: “ Chúng tôi nhập cà phê loại thơm ngon nhất dùng để pha chế cà phê muối, mà loại nguyên liệu này lại tăng giá nên buộc lòng chúng tôi phải tăng thêm giá bán để có lãi ".

Trong khi đó, chủ một xe cà phê khác trên phố Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng) thừa nhận những ly cà phê anh bán đang ít hơn đôi chút so với trước đây.

Nguyên liệu cà phê tăng giá liên tục, muốn làm ăn có lãi tôi phải khéo léo, chi li trong lúc pha chế, tiết kiệm và không để lãng phí. Cũng muốn tăng giá bán để pha chế thoải mái, dôi dư hơn cho cả người bán và người mua nhưng tôi lại lo mất khách vì khách đã quá quen với giá cà phê dạo chỉ 15.000 đồng/ly rồi. Tăng giá lên là họ sẽ chuyển sang mua ở chỗ khác ngay. Tôi đành khắc phục bằng cách bán ít đi một chút, tuy nhiên vẫn đảm bảo chất lượng để giữ chân khách" , anh giãi bày.

Giá cà phê nguyên liệu ở trong nước vẫn đang tăng mạnh. Cụ thể, ngày 29/4, tại tỉnh Lâm Đồng, 3 huyện Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà giao dịch cà phê cùng mức giá 133.500 đồng/kg.

Tại Đắk Lắk, huyện Cư M'gar thu mua cà phê ở mức 134.000 đồng/kg. Còn huyện Ea H'leo và Buôn Hồ đang giao dịch ở mức 133.900 đồng/kg.

Ở tỉnh Đắk Nông, thương lái thu mua cà phê với giá 134.200 đồng. Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê nguyên liệu là 134.000 đồng/kg. Còn giá thu mua cà phê tại Kon Tum là 134.000 đồng/kg.

Đây là mức giá cao nhất lịch sử. Trước mùa vụ, các doanh nghiệp dự báo giá cà phê cao nhất sẽ ở mức 50.000 đồng/kg. Nhưng đến nay giá đã vượt 130.000 đồng/kg.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính là do sản lượng cà phê tồn kho từ niên vụ cũ của Việt Nam thấp nhất trong lịch sử. Những năm trước, năm nào Việt Nam cũng tồn kho khoảng 120.000 - 150.000 tấn. Tuy nhiên, niên vụ 2023, sản lượng tồn kho rất thấp, chỉ bằng 50%.

Trong khi đó, sản lượng của niên vụ 2023 - 2024 cũng ước tính giảm 10% so với niên vụ trước. Tình hình thời tiết khô hạn ở những vùng trồng cà phê đang diễn ra không chỉ riêng với Việt Nam mà ở tất cả các vùng cà phê trên toàn cầu, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

Tình hình này đã tác động xấu đến năng suất và sản lượng cà phê, nhất là cà phê Robusta.

Theo PV/VTC News

VTC News

Trở lên trên