MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không phải lương được sếp trả hàng tháng, đây mới là 1 khoản “lương" nhiều người quan tâm khi đi làm

12-04-2024 - 10:40 AM | Sống

Nhiều người trẻ từ chối công việc dù nhận mức lương cao, tại sao lại vậy?

Khi đi làm, có một khoản “lương” quan trọng hơn lương hàng tháng

Hiện nay, nhiều người lao đầu vào cuộc chiến thăng tiến nơi môi trường công sở với hy vọng đạt được mức lương cao hơn. Đánh đổi là trách nhiệm công việc ngày càng lớn, và đó là nguyên nhân hình thành nên căng thẳng về tinh thần và cảm xúc cho nhân viên ở khắp mọi nơi. Điều đó khiến nhiều người phải xem xét lại công việc của mình, tính toán liệu mức lương được trả có xứng đáng với tất cả những “đau khổ" hay không.

Đó là lý do tại sao ngày nay nhiều nhân sự càng quan trọng emotional salary (mức lương cảm xúc), bên cạnh mức lương thực nhận được hàng tháng. Nói nôm na, mức lương cảm xúc là những giá trị phi vật chất mà công ty đưa ra, nhằm làm hài lòng nhân viên và thúc đẩy động lực làm việc của họ. Mức lương cảm xúc có thể là môi trường văn hóa, định hướng con đường thăng tiến hay sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống mà một nhân sự có thể nhận được.

Chẳng hạn, bạn nhận được lời khen ngợi từ sếp hoặc được đồng nghiệp thường xuyên giúp đỡ trong công việc. Hay sếp chủ động gợi ý bạn nên làm gì để công việc diễn ra suôn sẻ và bớt gặp khó khăn từ khách hàng,... Nhìn chung, mức lương cảm xúc không tập trung vào lợi ích kinh tế, mà nâng cao mức độ thoải mái, hài lòng và phúc lợi cho nhân viên ở nơi làm việc. Điều quan trọng cần lưu ý là lương cảm xúc không thay thế được lương truyền thống, mà chỉ bổ sung cho chúng.

Không phải lương được sếp trả hàng tháng, đây mới là 1 khoản “lương

Ảnh minh hoạ

Mức lương cảm xúc phát huy hiệu quả khi ngày nay, có rất đông nhân sự trẻ than phiền họ gặp vấn đề tâm lý, áp lực khi đi làm. Thực tế, sự hài lòng của con người có rất nhiều khía cạnh và ổn định kinh tế chỉ là một trong số đó. Vì vậy, khi đi làm, nếu nhận sự nhận được mức lương kinh tế cùng với hành động có tính đến mức lương cảm xúc, họ sẽ hình thành mức độ hài lòng cao hơn, cũng như tăng động lực cống hiến.

Dưới đây là những biểu hiện của công ty đáp ứng đủ mức lương cảm xúc cho nhân viên

- Công ty nhất quán trong lời hứa quyền lợi dành cho nhân viên

Theo Fast Track, một công ty nhất quán trong lời hứa và hành động sẽ tăng mức độ cam kết của nhân viên gấp 9 lần, tạo bệ phóng để tiếp tục cống hiến cho công việc. Chẳng hạn như công ty tuyên bố đặt con người lên hàng đầu, nhưng không bao giờ xem xét phản hồi của nhân viên. Kết quả là những nhân sự cảm thấy không được trân trọng, sẽ dần rời đi vì không tìm thấy sự tin tưởng từ những người sếp.

- Sếp công nhận giá trị của bạn

Khi mức lương khó cạnh tranh so với các doanh nghiệp khác, nhiều công ty có thể lấp đầy khuyết điểm này bằng cách ghi nhận có thiện chí và đúng thời điểm với những nỗ lực của nhân sự. “Lời phát biểu của em rất có ích cho kế hoạch sắp tới”, “Thái độ làm việc của em rất chuyên nghiệp"... là những lời khen của sếp có thể khiến bạn thấy thoải mái trong công việc dù mức lương được trả không quá cao.

- Môi trường làm việc thoải mái, đồng nghiệp dễ tính

Những người đồng nghiệp biết gu cafe của bạn. Một người chị đã từng chứng kiến và an ủi khi thấy bạn khóc trong nhà vệ sinh,... Đây là những đồng nghiệp giúp gắn kết mọi người với công việc. Những mối quan hệ ý nghĩa này đóng vai trò không hề nhỏ cho sự gắn bó lâu dài và muốn cống hiến cho doanh nghiệp của bạn. Dù mức lương có thể không quá hấp dẫn, song nhiều nhân sự bày tỏ nếu có đồng nghiệp “hợp gu" họ vẫn chọn gắn bó lâu dài cùng tổ chức.

Không phải lương được sếp trả hàng tháng, đây mới là 1 khoản “lương

Ảnh minh hoạ

Chấp nhận đi làm lương không cao vì…?

Là thế hệ đặc biệt quan tâm đến sức khỏe tinh thần và phúc lợi cho công việc, nhiều người trẻ bày tỏ sẵn sàng tìm kiếm công việc có mức lương cảm xúc cao, chứ không không đặt nặng yếu tố tiền lương thực nhận.

Trần Linh (25 tuổi, nhân viên truyền thông) cho biết công việc cũ mang lại cho cô nàng mức lương 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên đánh đổi là những căng thẳng trong công việc, có nhiều ngày làm đến 15-16 giờ. Sau đó, Trần Linh chuyển sang công ty mới, dù mức lương chỉ còn 20 triệu đồng/tháng, nhưng cô nàng vẫn muốn gắn bó lâu dài với công việc này.

“Sau khi trải qua nhiều thăng trầm ở môi trường cũ, nơi sếp không lắng nghe tiếng nói và liên tục đặt KPI công việc lên sức khỏe của nhân viên, mình muốn tìm kiếm công việc nhàn hạ và có chút an phận hơn. Thật ra nếu mình cố gắng thì cơ hội thăng tiến và tăng lương ở đâu cũng có. Nhưng nhìn gương các sếp cũ, khi lên chức cần ôm đồm quá nhiều áp lực và công việc nên mình luôn từ chối.

Sang công ty này, dù mức lương giảm hẳn nhưng sếp thoải mái. Với mình, mức lương hiện giờ đủ sống nhưng bù lại mình được nghỉ ngơi vào cuối tuần, cứ sau 6h tối là không ai nhắn tin bàn chuyện công việc. Cũng vì thế, mình có cơ hội lắng nghe ý kiến bản thân và xa hơn là tìm cách đầu tư và gia tăng thu nhập khác", cô nàng chia sẻ.

Hay Nguyễn Thảo (31 tuổi, Ninh Bình) cho biết cô từng không ngại đi làm xa để đổi lấy mức lương cao hơn. Đánh đổi là khoảng 3-5 tháng mới có thể về thăm con, áp lực công việc vất vả.

“Tuy nhiên, giờ mình đã tìm được công việc gần nhà dù có mức lương thấp hơn. Công việc mới cũng tạo điều kiện để mình có thể thuận tiện chăm con nhỏ. Đồng nghiệp giúp đỡ nhiệt tình, khác xa với đồng nghiệp ở thành phố nên mình rất hài lòng với công việc hiện tại", Nguyễn Thảo chia sẻ.

Không phải lương được sếp trả hàng tháng, đây mới là 1 khoản “lương

Ảnh minh hoạ

Ngoài ra, nhiều người cho rằng về lâu dài, công việc có mức lương cảm xúc cao giúp tiết kiệm và khiến họ thoải mái hơn trong cuộc sống. Đơn cử như với Trần Linh, cô nàng cho rằng từ khi chuyển sang công ty mới, dù mức lương giảm nhưng cô bỏ được nhiều khoản chi tiêu dành đi chữa lành vì áp lực công việc.

“Tính ra dù lương giảm nhưng mình còn tiết kiệm được nhiều khoản hơn, đó là tiền đi chữa bệnh tâm lý, tiền cafe và du lịch khỏi áp lực công việc. Ngoài ra, do sang công ty mới và biết cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống, mình có thêm thời gian làm công việc tay trái và đầu tư chứng khoán nên tổng thu nhập cũng không quá khác so với thời gian trước đây", Trần Linh cho hay.

Nhìn chung, mức lương cảm xúc và mức lương thực nhận đều là yếu tố quan trọng của nhân sự khi đi tìm công việc. Nếu bạn tìm được công ty có mức lương cảm xúc cao thì hoàn toàn có thể quản lý tài chính và sức khỏe tinh thần tốt hơn. Mê mải chạy theo công việc có mức lương cao nhưng không biết quý trọng tinh thần hoàn toàn có thể khiến bạn rơi vào cái bẫy “kiếm nhiều, tiêu hoang cũng chẳng kém", từ đó không có đồng tiết kiệm nào. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn cân nhắc kỹ lưỡng hơn để tìm kiếm công việc phù hợp với mình.

Theo Nguyệt

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên