MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Chợ chạy' đèn đỏ ở Hà Nội

10-12-2013 - 17:35 PM |

Đèn đỏ, xe dừng lại, chị Thoa vội ôm bó hoa, đon đả chào mời. Đã mấy năm nay, ngã tư đèn đỏ chính là địa điểm kinh doanh lý tưởng của chị.

Nội dung nổi bật:

Những mặt hàng được bán nhiều ở ngã tư thường là hoa, quả, đồ chơi trẻ em, quần áo hạ giá,... và cả xổ số. Trung bình mỗi ngày những người bán hàng rong này cũng kiếm được tiền trăm nhờ buôn bán vỉa hè.

- Thời gian bán được nhiều thường vào lúc tan tầm, nhưng lúc đó giao thông đông đúc,
luôn phải đối mặt với nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy có thể bị tai nạn giao thông. Ngoài ra ể có được chỗ bán như hiện nay không phải là điều dễ dàng.



Đèn đỏ, xe dừng lại, chị Thoa vội ôm bó hoa, đon đả chào mời. Đã mấy năm nay, ngã tư đèn đỏ chính là địa điểm kinh doanh lý tưởng của chị.

Đèn đỏ - chỗ làm ăn

Chị Thoa đã có kinh nghiệm mấy chục năm kiếm sống nhờ việc bán hoa ở vỉa hè phố. Cũng giống như những tiểu thương buôn hoa khác, ban đầu, chị cũng bán dạo bằng xe đạp, rong ruổi khắp phố phường. Nhưng sau đó, nhờ một người quen giới thiệu, chị không còn vất vả đạp xe nữa. Thay vào đó, chị Thoa chọn ngã tư của một con phố làm chỗ kinh doanh.

Thúng hoa của chị Thoa đã xuất hiện trên ngã tư phố, trở thành địa điểm quen thuộc của nhiều người đi đường. Sáng nào cũng vậy, sau khi dậy từ sớm lấy hoa từ chợ đầu mối về, chị mang ra ngã tư quen thuộc để bán. Vừa chia hoa ra từng bó nhỏ, chị Thoa vừa chia sẻ, để có được chỗ bán như hiện nay không phải là điều dễ dàng. Nhờ có một người bà con bán hàng nước ở đây nên chị được ké. Cứ mỗi lần đèn đỏ, chị lại ôm bó hoa mang ra mời người đi đường mua. Dáng người nhỏ bé giữa phố phường xe cộ đông đúc, nhưng chị Thoa vẫn đon đả mời chào, rồi nhanh tay thoăn thoắt gói hoa, đưa cho khách.

Ở đây ngã tư, đông người cũng dễ bán nhưng lại lấn chiếm vỉa hè, thường xuyên bị nhắc nhở. Hoa thì phải gửi ở bên trong, mỗi lần chỉ mang ra một ít thôi. Được cái, chỉ bán được lúc đèn đỏ chưa tới 1 phút nên khách mua cũng xởi lởi, hầu như không kén chọn nhiều”, chị Thoa nói.

Theo chị Thoa, thời gian bán được nhiều thường vào lúc tan tầm, nhưng lúc đó giao thông đông đúc, chị luôn phải đối mặt với nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy có thể bị tai nạn giao thông. “Đứng bán ở đây, ai cũng tưởng dễ kiếm sống nhưng thực tế cũng cơ cực lắm. Có hôm, mời khách mua được bó hoa, sau khi mặc cả xong thì đèn xanh, họ lại đi vội nên mất toi khách. Hôm nào không may, bị an ninh trật tự thu cả đống hoa thì coi như mất sạch. Biết là gây cản trở giao thông nhưng vì kiếm sống cũng không thể bỏ được”, chị Thoa nói.

Trên ngã tư nhiều con phố của Hà Nội, những người kiếm sống quanh cái đèn đỏ như chị Thoa không phải là hiếm. Dọc nhiều tuyến phố như Lê Văn Lương, Giải Phóng, Bà Triệu, Huỳnh Thúc Kháng... xuất hiện nhiều điểm bán hàng ngay như vậy.

Với những người dân buôn bán vỉa hè, ngã tư đèn đỏ là một chỗ dễ tiếp cận với người mua. “Trong lúc dừng đèn đỏ, thấy hay hay nhiều người hỏi mua”, chị Trâm (một người bán đồ chơi quê Thanh Hóa) cho biết. Chị Trâm buôn bán đồ chơi trẻ em đã được vài năm nay. Một tấm bạt và thùng đồ chơi gồm nhiều loại mặt hàng Trung Quốc là công cụ kiếm sống của chị. Trung bình mỗi ngày chị cũng kiếm được tiền trăm nhờ buôn bán vỉa hè.

Chuyển địa điểm liên tục

Bám ngã tư là một cách kiếm sống mạo hiểm.

“Bán ở ngã tư đèn đỏ nên lúc nào cũng bị nhắc nhở, phải thay đổi địa điểm liên tục, lúc ở phố này mai ở phố khác. Thường thì chỉ bán được vào lúc buổi trưa chứ giờ tan tầm, tắc đường xe họ lao cả lên vỉa hè chẳng bán được bao nhiêu mà nguy hiểm”, chị Trâm cho hay.

Theo chia sẻ của những người buôn bán ở ngã tư, điểm chung của điểm kinh doanh này là khách hàng thường dừng lại rất ngắn, nên mọi giao dịch phải diễn ra nhanh gọn. Chính vì thế, kinh nghiệm của các tiểu thương thường phải rao sát giá, hàng hóa cũng phải đẹp để khách không phải lựa chọn và các thao tác gói hàng cho khách, lấy tiền cũng phải thật nhanh. Những mặt hàng được bán nhiều ở ngã tư thường là hoa, quả, đồ chơi trẻ em, quần áo hạ giá,... và cả xổ số.

Trong số những người buôn bán ở ngã tư, chị Bính là một người được cho là kém may mắn nhất. Cách đây không lâu, ngã tư Láng Hạ - đường Láng vẫn là chỗ làm ăn kiếm tiền của chị. Từ khi cây cầu vượt được thông xe cũng là lúc chị mất chỗ làm ăn. “Buôn bán ngã tư chỉ tranh thủ lúc họ dừng đèn đỏ, còn giờ có cầu vượt rồi, người mua cũng không còn để ý tới mình”, chị Bính rầu rĩ. Trước đây, chị mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng nhờ bám vào ngã tư này để buôn bán.

Nói về chuyện bảo kê ở vỉa hè, chị cho kể, đã không ít lần chị gặp côn đồ tới gây rối, thậm chí có người muốn đuổi chị đi khỏi chỗ khác cũng nhờ tới dân anh chị. Tuy nhiên, chị luôn chọn giải pháp an toàn là chuyển địa điểm, hoặc nhờ mấy bác xe ôm can thiệp. Ngã tư vỉa hè là chỗ kiếm sống của nhiều người dân nhưng theo phản ánh của không ít người tham gia giao thông, việc buôn bán này lại là một tác nhân gây cản trở giao thông vào giờ cao điểm, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, chèo kéo khách đi đường.

thuyntt

Theo VietNamNet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên