MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ lạ cách nhà giàu Mỹ tiêu tiền: Mua nhà ở khu vực đón bão, có BĐS được định giá hơn 93 tỷ đồng

31-10-2023 - 20:15 PM | Lifestyle

Kỳ lạ cách nhà giàu Mỹ tiêu tiền: Mua nhà ở khu vực đón bão, có BĐS được định giá hơn 93 tỷ đồng

Người giàu đang cố gắng định hình lại thị trường bất động sản bằng việc mua lại những khu đất hoang hậu bão Ian.

Lái xe dọc bãi biển trên chiếc Jeep Grand Wagoneer, Alex King, chủ một đại lý bất động sản thao thao bất tuyệt chỉ vào 4 ngôi biệt thự trụ vững bền bỉ sau cơn bão Ian. Xung quanh chúng là khu đất trống rộng lớn - nơi trước đây từng là ‘chốn dung thân’ của rất nhiều các ngôi nhà gỗ hàng chục năm tuổi. Đáng tiếc, chúng đã bị cơn bão cuốn trôi.

“Quá trình đô thị hóa sẽ mất 20 năm hoặc nhanh nhất là 5 năm”, King, 64 tuổi, cho biết.

Trên khắp nước Mỹ, người giàu đang cố gắng định hình lại thị trường bất động sản bằng việc mua lại những khu đất hoang hậu bão Ian. Theo một nghiên cứu hồi năm ngoái, khoảng 3,6 triệu người Mỹ phải hứng chịu lũ lụt hàng năm và con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2050.

Các nhà phát triển giàu có có đủ nguồn lực để xây dựng nên những bất động sản tựa ‘pháo đài’. Chúng chống chọi lại được điều kiện thời tiết khắc nghiệt và hình thức đô thị hóa diễn ra chủ yếu gần các bãi biển hoang sơ. Người dân tại đó đa phần đều rời đi vì không đủ khả năng dựng lại nhà.

“Về lâu dài, đô thị hóa do khí hậu sẽ giúp mọi người thoát khỏi tình trạng nguy hiểm vì thị trường đang phản ứng với những nơi có rủi ro. Tuy nhiên, nhược điểm là người bình thường rất khó tiếp cận”, Jesse Keenan, giáo sư về bất động sản bền vững tại Đại học Tulane, New Orleans nói.

Vài giờ sau khi bão Ian đổ bộ, chỉ nhân viên cứu hộ mới được phép lên đảo Estero. Greg Dosmann, cố vấn đầu tư 60 tuổi đang sở hữu ngôi nhà rộng 5.200 m2 tại khu vực đó, không thể chờ thêm. Ông thuê một chiếc thuyền cùng người thợ Tom Potter nhanh chóng khảo sát thiệt hại.

Nhờ hàng chục cột bê tông đóng sâu nhiều mét, ngôi nhà của ông Dosmann vẫn trụ vững dù hư hại một số bộ phận nhỏ. Cho đến thời điểm hiện tại, nhóm của anh thợ Potter vẫn đang sửa chữa hệ thống ống nước và tường. Tổng thiệt hại lên tới 600.000 USD.

Theo Bloomberg, các chủ nhà phải nâng cấp lại nhà bị hư hỏng theo tiêu chuẩn của Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang. Những ngôi nhà bị hư hỏng quá nặng sẽ buộc phải phá bỏ. Chính sách nhằm mục đích di dời hàng triệu người dân khỏi các khu vực nguy hiểm trên toàn cầu.

Thế nhưng, rất nhiều người giàu sẵn sàng bỏ tiền mua lại những căn nhà hư hại đó. Trong số 649 ngôi nhà được bán trong 10 tháng tính đến tháng 7, 167 ngôi nhà đã bị bão phá hủy. Theo một phân tích dữ liệu từ Attom Data Solutions và Thị trấn Fort Myers Beach, 20 ngôi nhà bị phá hủy được bán với giá từ 1 triệu USD trở lên, trong đó, ngôi nhà lớn nhất có giá 3,8 triệu USD (hơn 93 tỷ đồng). Giá trung bình cho một ngôi nhà bị phá hủy là 564.600 USD, cao hơn 6% so với định giá trước bão.

Maryalice Buschbacher, giáo viên đã nghỉ hưu ở Michigan, sở hữu một ngôi nhà gần vùng Vịnh. Bão tan, cơ ngơi hư hại nặng. Không đủ tiền sửa chữa, cô đành bán nó với giá 535.000 USD - gần gấp đôi số tiền 300.000 USD Maryalice Buschbacher đã trả vào năm 2014 cho một công ty xây dựng ở California. Hiện tại, cô đang ổn định cuộc sống mới ở chân đồi Blue Ridge Mountain, phía bắc Atlanta.

Theo: Bloomberg

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên