MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỷ lục mới của thành phố nhỏ nhất Việt Nam

Kỷ lục mới của thành phố nhỏ nhất Việt Nam

Thành phố này đang được định hướng phát triển thành đô thị du lịch quốc gia.


Thành phố Sầm Sơn (trực thuộc tỉnh Thanh Hóa) là thành phố có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, với diện tích 44,94 km2. Đây là thành phố ven biển và được nâng cấp lên đô thị loại III vào tháng 4/2017.

Thành phố Sầm Sơn nằm ở phía Đông tỉnh Thanh Hoá, cách Thành phố Thanh Hoá khoảng 16 km; phía Bắc giáp huyện Hoàng Hoá (ranh giới là sông Mã); phía Nam và phía Tây giáp huyện Quảng Xương (cách sông Đơ); phía Đông giáp Vịnh Bắc Bộ.

Trong các ngành kinh tế, du lịch chính là điểm sáng của kinh tế Sầm Sơn. Năm 2023, Sầm Sơn đã đón lượng khách kỷ lục, gần 8 triệu lượt trong năm 2023, bằng 112,8% so với cùng kỳ và 109,7% kế hoạch – được đánh giá là một trong những đơn vị đón lượt khách du lịch đông nhất cả nước; phục vụ hơn 15 triệu ngày khách, bằng 105,7% so với cùng kỳ và 101,8% so với kế hoạch.

Tổng doanh thu từ khách du lịch ước đạt gần 14,3 nghìn tỷ đồng đạt 102,9% so với cùng kỳ và 100,6% so với kế hoạch. 

 Choáng trước cảnh biển Sầm Sơn chật cứng người dù trời dông

Những con số hết sức ấn tượng trong năm 2023, đã khiến Sầm Sơn tiếp tục được lọt vào danh sách những điểm đến nổi bật mới của Việt Nam, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của du khách trong nước và quốc tế.

Với hệ thống cơ sở lưu trú tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu của du khách. Thành phố có 710 cơ sở lưu trú với hơn 25.000 phòng khách, trong đó trên 100 cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với 6.955 phòng; 50 nhà hàng ăn uống có sức chứa từ 300 người trở lên và trên 250 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, thương mại khác, công suất sử dụng phòng nghỉ năm sau cao hơn năm trước...

Cùng với đó, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố của lễ hội, Sầm Sơn đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức sự kiện xây dựng Kế hoạch tổ chức các chương trình, chuỗi sự kiện văn hóa, du lịch, lễ hội, thể thao được tổ chức trên địa bàn, như: Chương trình nghệ thuật thuộc khuôn khổ lễ kỷ niệm 60 năm thành lập đô thị Sầm Sơn và khai mạc Lễ hội du lịch biển năm 2023; lễ hội Tình yêu - Hòn Trống Mái...

Đồng thời, thành phố đã đưa nhiều sản phẩm du lịch, như: Khu quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội Tp Sầm Sơn; tuyến phố đi bộ kết hợp với kinh doanh mua sắm hàng lưu niệm, giải khát, trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP tại tuyến đường Thanh Niên. Đặc biệt, sau Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn với chuỗi các hoạt động hấp dẫn, như: Giải bóng bàn, cầu lông, tennis và gofl, Giải vật Quốc gia, tổ chức ngày Olympic trẻ em và phát động toàn dân học môn bơi phòng chống đuối nước,... đã thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tham gia.

Bên cạnh kết quả đạt được, chất lượng dịch vụ chưa cao, dịch vụ cao cấp chưa phát triển, bước đầu mới tập trung khai thác sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch biển cũng mới đáp ứng phân khúc thị trường khách có mức chi tiêu trung bình đến khá, phân khúc khách cao cấp còn thấp. Sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh chưa phát huy hiệu quả. Việc hình thành và đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới để khắc phục tình trạng du lịch một mùa còn khiêm tốn, các sản phẩm phần lớn có quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng cuối tuần. Công tác xã hội hóa các nguồn lực cho nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả chưa cao…

Tại hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2023, thành phố đã đặt mục tiêu năm 2024 phấn đấu đón 8,5 triệu lượt khách; phục vụ 16,5 triệu ngày khách, doanh thu du lịch ước đạt hơn 15,7 nghìn tỷ đồng.

Để hướng đến hiện thực hóa định hướng phát triển Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch quốc gia theo Chiến lược phát triển du lịch Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời góp phần quan trọng cùng ngành du lịch của tỉnh hoàn thành thắng lợi mục tiêu đón được 13,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt 32.387 tỷ đồng trong năm 2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi đề nghị: Thành phố Sầm Sơn tăng cường hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành; tiếp tục làm tốt công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là quản lý giá cả, quản lý kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách du lịch bằng xe điện...; quyết tâm xây dựng môi trường du lịch văn minh hơn, an toàn hơn. 

Chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, kỷ cương, nề nếp.

Tập trung các nguồn lực xây dựng, phát triển du lịch theo hướng bền vững, hướng tới chuẩn khu vực và quốc tế; chú trọng phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các doanh nghiệp có thương hiệu mạnh; gắn với hỗ trợ hiệu quả nhà đầu tư trong quá trình thực hiện để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, sớm hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án du lịch quy mô lớn, đẳng cấp, mang tầm quốc gia và quốc tế, các trung tâm giải trí chất lượng cao tại TP Sầm Sơn. 

Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm; tập trung truyền thông du lịch Sầm Sơn trên các nền tảng số. Tăng cường phát triển sản phẩm du lịch MICE, du lịch golf...; nghiên cứu, sáng tạo, đưa vào khai thác thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, du lịch mạo hiểm; hình thành dịch vụ kinh tế đêm: Chợ đêm, phố đi bộ; gắn với liên kết phát triển với các địa phương trong và ngoài tỉnh để hình thành các tour, tuyến du lịch hấp dẫn.... nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, thời gian lưu trú dài, với kỳ vọng làm dịch chuyển lượng khách cả về không gian và thời gian.

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu TP Sầm Sơn tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường du lịch, ứng xử văn minh, lịch sự để xây dựng hình ảnh đẹp về du lịch Sầm Sơn. Quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch địa phương trong công tác bổ sung và phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng trong văn hóa giao tiếp, ứng xử nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, uy tín và thương hiệu du lịch Sầm Sơn, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Sầm Sơn đẹp, an toàn, văn minh và thân thiện trong lòng du khách.

Thục Trinh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên