MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất cho vay sẽ sớm giảm nhanh?

11-04-2023 - 10:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất cho vay sẽ sớm giảm nhanh?

“Cầu tín dụng không có thì tiền huy động được để trong ngân hàng làm gì?. Cho vay rẻ một chút còn hơn”, Tổng giám đốc một ngân hàng cho hay.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ một cách rõ ràng khi chỉ trong hai tuần cuối tháng 3 cơ quan này đã đưa ra hai đợt giảm lãi suất điều hành.

Trong thông cáo phát đi sau quyết định giảm lãi suất điều hành và trần lãi suất lá suất tiền gửi, NHNN cho biết mục tiêu là để các tổ chức tín dụng giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng.

“Việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, NHNN nhấn mạnh.

Thực tế, sau quyết định của NHNN, đầu tháng 04/2023, các ngân hàng thương mại từ Nhà nước đến tư nhân đều đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động với mức giảm từ 0,3-0,8 điểm %. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng đã giảm tương đối mạnh khoảng 0,5-1,5 điểm % ở tất cả kỳ hạn.

Về phía lãi suất cho vay, theo số liệu của NHNN, đến cuối tháng 2, lãi suất cho vay bình quân phát sinh đã giảm khoảng 0,4%/năm so với cuối năm 2022 và đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng quý 2/2023 của NHNN cũng cho biết, các ngân hàng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bình quân toàn hệ thống giảm 0,08 - 0,1 điểm % trong Quý II/2023 và giảm 0,19 – 0,34% trong cả năm 2023. Kết quả này trái ngược với dự báo tăng nhẹ mặt bằng lãi suất trong quý I/2023 và cả năm 2023 của kỳ điều tra trước.

Khảo sát biểu lãi suất niêm yết trên website các ngân hàng, lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng tư nhân đã được điều chỉnh về quanh mốc 10%/năm từ mức 11 – 12% hồi cuối tháng 1. Thông thường, lãi suất cho vay thả nổi được tính bằng lãi suất cơ sở cộng thêm biên độ khoảng 3-5%/năm.

Bên cạnh định hướng điều hành của Chính phủ và NHNN, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng Giám đốc OCB - cho rằng xu hướng giảm của lãi suất cũng đến từ nhu cầu tín dụng yếu, khi cả doanh nghiệp bất động sản cũng như các ngành sản xuất cơ bản, bán lẻ đều chứng kiến xu hướng sụt giảm về doanh thu, lợi nhuận. Bên cạnh đó, cầu tín dụng tiêu dùng của người dân cũng đi xuống thể hiện qua chỉ số tiêu dùng (CPI) liên tục giảm. Cộng hưởng với đợt tăng lãi suất mạnh cuối năm ngoái khiến cho giá cả tín dụng tăng, qua đó làm giảm nhu cầu tín dụng.

“Cầu tín dụng không có thì tiền huy động được để trong ngân hàng làm gì?. Cho vay rẻ một chút còn hơn”, ông Tùng chia sẻ.

Vị này cũng cho rằng, trong thời gian tới, lãi suất cho vay sẽ giảm nhanh hơn lãi suất huy động do nhu cầu tín dụng yếu:"Dĩ nhiên lãi suất cho vay được cấu thành từ lãi suất huy động và trong thời khi cung cầu tín dụng ổn định hoặc cầu lớn cung thì có thể duy trì một biên lãi suất cho vay hợp lý; nhưng trong giai đoạn cầu tín dụng thấp quá thì phải kích cầu thông qua việc giảm lãi suất cho vay".

Trong báo cáo phân tích mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự báo lãi suất cho vay trong nền kinh tế sẽ giảm trong thời gian tới dựa vào một số cơ sở: 1) lãi suất huy động hạ nhiệt làm tiền đề giảm lãi suất cho vay; 2) thanh khoản hệ thống dồi dào, nhu cầu tín dụng yếu nên quy luật cung cầu thì lãi suất cho vay sẽ giảm; 3) gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được triển khai từ 01/04/2023 với mức lãi suất cho vay ưu đãi từ 8,2-8,7%/năm đối với chủ đầu tư và người mua các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và xây dựng lại chung cư cũ.

Nhóm phân tích kỳ vọng, mức giảm đối với mặt bằng lãi suất cho vay là khoảng 0,5 - 1 điểm %, tuỳ lĩnh vực. Đối với các lĩnh vực ưu tiên lãi suất trần 4,5%/năm không khác biệt nhiều nhưng đối với lĩnh vực bất động sản thì đang mở ra một kênh dẫn vốn với chi phí rẻ hơn. Mức độ hấp thụ tuỳ thuộc vào 1) sự năng động và linh hoạt của doanh nghiệp, 2) mức độ chấp nhận rủi ro/cân đối lợi ích của các ngân hàng cho vay; và 3) danh mục các dự án được Bộ Xây dựng cấp phép.

Thực tế, trong thời gần đây, một loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất đã được các ngân hàng thông báo triển khai. Riêng nhóm Big4 gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank đã triển khai các gói tín dụng với tổng quy mô lên tới 370.000 tỷ đồng và 500 triệu USD với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7%/năm, bên cạnh gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội .

Tại Chính Nghị quyết 50/NQ-CP 2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên