MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lawrence Summers: Chính sách kinh tế vĩ mô Mỹ đang thiếu trách nhiệm nhất trong 40 năm

22-03-2021 - 07:53 AM | Tài chính quốc tế

Lawrence Summers: Chính sách kinh tế vĩ mô Mỹ đang thiếu trách nhiệm nhất trong 40 năm

Ông Summers từng là chính trị gia hàng đầu trong hai chính quyền gần nhất của Đảng Dân chủ.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers cảnh báo nước Mỹ đang phải chịu đựng chính sách kinh tế vĩ mô thiếu trách nhiệm nhất trong 4 thập kỷ. Ông chỉ trích cả chính trị gia Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa về việc đã tạo ra quá nhiều rủi ro.

Theo Bloomberg, trong lần chỉ trích mới đây nhất nhắm đến gói kích cầu, ông Summers nói chính sách kinh tế vĩ mô hiện tại không phù hợp trong bối cảnh chính sách tài khóa đã được nới lỏng từ trước đó và Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vẫn tiếp tục cam kết nới lỏng chính sách tiền tệ.

"Đây là chính sách tài khóa, vĩ mô thiếu trách nhiệm nhất mà chúng ta từng chứng kiến trong vòng 40 năm qua. Về cơ bản nó có nguyên nhân từ sự không khoan nhượng trong phe cánh tả thuộc Đảng Dân chủ và sự vô trách nhiệm trong toàn bộ Đảng Cộng hòa", ông Summers nhấn mạnh.

Ông Summers từng là chính trị gia hàng đầu trong hai chính quyền gần nhất của Đảng Dân chủ. Tuy nhiên trong nhiệm kỳ lần này của Đảng Dân chủ, ông là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất chính quyền hiện tại và gói hỗ trợ kinh tế quy mô 1,9 nghìn tỷ USD. Ông Summers cảnh báo rằng nước Mỹ đang đương đầu với cuộc đối đầu sâu sắc của chính sách tài khóa và tiền tệ.

Theo quan điểm của ông, hoàn toàn có khả năng lạm phát sẽ tăng nhanh chóng trong những năm tới và rằng nước Mỹ có thể đương đầu với tình trạng lạm phát đình đốn. Tuy nhiên ông cũng cho rằng vẫn có khả năng sẽ không có lạm phát nếu Fed mạnh tay "hãm phanh" chính sách tiền tệ và để kinh tế rơi vào suy thoái. Kịch bản cuối cùng, theo ông, Fed và Bộ Tài chính Mỹ sẽ có được tăng trưởng cao mà không gây ra lạm phát.

"Thế nhưng rủi ro không hề nhỏ là chính sách kinh tế vĩ mô sẽ gây ra những rủi ro tồi tệ", ông Summers nhận định.

Giới chức chính quyền Mỹ đã phản bác quan điểm này, họ nói rằng gói kích cầu của ông Biden nhắm đến mục tiêu hỗ trợ cho những người cần nó và sẽ không làm cho nền kinh tế tăng trưởng quá nóng khi mà nền kinh tế vẫn đang chịu tác động từ thất nghiệp cao. Quan chức thuộc Fed cũng ủng hộ quan điểm này, họ nói đến rủi ro của việc đưa ra quá ít hỗ trợ tài khóa, đồng thời phát đi thông điệp rằng họ không có ý định thắt chặt chính sách tiền tệ quá sớm.

Kinh tế gia đạt giải Nobel, ông Paul Krugman, đã bác bỏ lý thuyết rằng nước Mỹ sẽ chứng kiến tình trạng lạm phát tăng vọt kiểu như thời kỳ thập niên 1970 bởi gói kích cầu này.

"Đã mất đến hơn 1 thập kỷ mọi chuyện mới tồi tệ đến mức như vậy và tôi không nghĩ rằng khả năng ấy sẽ tái diễn", ông Krugman nhận định. Ông nói thêm rằng Fed có thừa công cụ để giải quyết tình trạng giá cả tăng nếu cần thiết.

Theo Trung Mến

Nhịp sống doanh nghiệp

Trở lên trên