MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lên mạng nhờ lấy lại tiền bị lừa đảo, nhiều người cay đắng "sập bẫy" lần 2

17-08-2023 - 18:10 PM | Sống

Lên các hội nhóm “giúp” người bị lừa đảo trên MXH nhờ lấy lại tiền, nhiều người cay đắng sập bẫy lần 2.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022. Các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Đặc biệt trong thời gian gần đây các đối tượng sử dụng nhiều hình thức ngày càng tinh vi, đánh vào tâm lý liên quan đến vấn đề pháp luật để thực hiện lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Trong số đó có những trường hợp bị lừa lên đến hàng tỷ đồng.

Điều đáng lưu ý, một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định đến từ nhận thức của người sử dụng, dẫn đến việc các đối tượng xấu lợi dụng để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo.

"Sập bẫy" lần 2 vì nhờ lấy lại tiền bị lừa đảo

Như mới đây, trên MXH xuất hiện hàng chục hội nhóm liên quan đến việc “Giúp người bị lừa đảo lấy lại tiền khi bị lừa đảo”. Tuy nhiên khi cố gắng tìm sự trợ giúp trong các hội nhóm này, nạn nhân tiếp tục bị lừa lần 2.

Nhiều người cay đắng sập bẫy lần 2 khi lên mạng "nhờ" lấy lại tiền lừa đảo - Ảnh 1.

Những nhóm "Lấy lại tiền lừa đảo" tràn lan trên mạng xã hội.

Đánh vào tâm lý muốn lấy lại số tiền đã mất sau khi bị lừa đảo, các đối tượng đã lập ra nhiều hội nhóm hỗ trợ lấy lại tiền đã bị lừa, sử dụng phần mềm phát tán các tin nhắn do chính chúng tạo ra, bình luận về các vụ thu hồi tiền bị lừa đã được giải quyết để tạo lòng tin cho các nạn nhân, tiếp đó dẫn dụ họ lạc vào mê cung của nhiều màn kịch lừa đảo khác nhau.

Chỉ cần gõ cụm từ “hỗ trợ lấy lại tiền lừa đảo” trên thanh tìm kiếm của Facebook, hàng chục hội nhóm liên quan với vài chục nghìn thành viên sẽ hiện ra. Những hội nhóm này công khai quảng cáo giúp lấy lại tiền đã bị lừa bằng các hình thức phổ biến trên không gian mạng, như: mạo danh công an, làm cộng tác viên qua các sàn thương mại điện tử...

Tại đây, các đối tượng sẽ mạo danh các chức danh như công an, luật sư, kiểm sát viên,... Sau đó, chúng sẽ sử dụng các thủ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân.

Khi nạn nhân tin tưởng vào khả năng lấy lại được tiền, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu thanh toán dưới dạng phí xử lý, phí pháp lý, hoặc bất kỳ lý do hợp lý nào khác.

Nhiều người cay đắng sập bẫy lần 2 khi lên mạng "nhờ" lấy lại tiền lừa đảo - Ảnh 2.

Nhóm hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo qua mạng, thực chất lại là lừa đảo

Như trường hợp của chị A.K. (TPHCM), cách đây 1 thời gian chị có tham gia làm nhiệm vụ mua hàng online trên 1 trang thương mại điện tử và bị lừa mất 75 triệu đồng. Sau đó, chị K. đã đăng bài lên hội nhóm này nhờ đến sự giúp đỡ của mọi người.

Ngay sau đó, một tài khoản có tên T.T.Đ đã bình luận dưới bài viết của chị K. với nội dung: "Hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo trong vòng 24h. Chỉ cần bạn còn đủ bằng chứng là mình có thể lấy lại số tiền đã đóng băng trên hệ thống. Đảm bảo lấy lại tiền 100%".

Thấy bình luận về việc có thể lấy lại tiền đã bị lừa, chị K. nhanh chóng liên hệ với người này và được cam kết "chắc chắn sẽ lấy lại được tiền". Tuy nhiên sau khi cung cấp thông tin về việc bị lừa, chị K. được tài khoản này yêu cầu "phải nạp thêm 10% số tiền đã mất để tạo kẽ hở trong hệ thống".

Mong muốn lấy lại số tiền đã mất, chị K. đã chuyển cho người này 7,5 triệu đồng. Tuy nhiên ngay khi vừa chuyển khoản thành công, chị phát hiện mình đã bị chặn mọi liên lạc.

Nhiều người cay đắng sập bẫy lần 2 khi lên mạng "nhờ" lấy lại tiền lừa đảo - Ảnh 3.

Rất nhiều bình luận để lại dưới các bài đăng liên quan đến nội dung lấy lại tiền lừa đảo.

Hay như trường hợp của chị H. (Hà Nội), bị lừa liên tiếp 2 lần với với tổng số tiền 300 triệu đồng. Chị này cho biết, trước đó chị bị lừa làm công việc cộng tác viên online trên mạng xã hội, mất 100 triệu.

Lo lắng, chị tìm tới một trang Facebook có tên "Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao” với mong muốn nhận được hỗ trợ để lấy lại tiền. Chị H. không ngờ một lần nữa đã "sập bẫy” kẻ gian. Trong quá tình nói chuyện, "cán bộ Công an" giả đã hướng dẫn chị thu hồi tiền bằng cách truy cập vào đường link của một trang web chơi cờ bạc online và an ninh mạng sẽ "hack” vào 2 khung giờ, đảm bảo đóng tiền đặt lệnh sẽ thu được lãi.

Sau một vài lần thực hiện thành công, các đối tượng thông báo chị phải nạp thêm nhiều tiền hơn. Khi bị hại chuyển số tiền vào tới 200 triệu đồng, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về. Lúc này, chị H. mới biết mình lại một lần nữa bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thủ đoạn của những kẻ lừa đảo là lập ra nhiều tài khoản mạng xã hội ảo, giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, luật sư, nhân viên ngân hàng, hay các chuyên gia công nghệ thông tin. Khi thấy có nạn nhân vừa bị lừa đăng bài, chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng, chúng đã chủ động tiếp cận để tư vấn hoặc đề nghị được giúp đỡ.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để thuyết phục và xây dựng lòng tin của nạn nhân trong việc "mất tiền nhưng có thể lấy lại tiền". Thông qua những lời dụ dỗ về việc "đặt cọc" hay "tạo lỗ hở hệ thống" để lấy lại tiền, các đối tượng yêu cầu nạn nhân đóng 1 khoản tiền dựa trên phần trăm số tiền bị lừa đảo trước đó, ví dụ bị lừa 100 triệu thì cần phải gửi 10 - 20% của số tiền, tức là 10 - 20tr. Thấy số tiền này chỉ là 1 phần nhỏ trong số tiền bị mất, nhiều người đã nhẹ dạ cả tin chuyển tiền. Tuy nhiên sau khi chuyển thì nạn nhân bị khóa chặn liên lạc, số tiền bị mất lần 1 không những không lấy lại được mà số tiền chuyển cho các đối tượng nhờ lấy lại tiền cũng bị lừa.

Phải làm gì khi đã chuyển tiền cho kẻ lừa đảo?

Để phòng tránh các đối tượng lừa đảo, người dân cần tự nâng cao ý thức cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay tài khoản ngân hàng qua điện thoại, email hay tin nhắn, kể cả với người tự xưng là luật sư hay công an.

Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Nhiều người cay đắng sập bẫy lần 2 khi lên mạng "nhờ" lấy lại tiền lừa đảo - Ảnh 4.

Trước tình trạng liên tiếp nhiều người dân bị lừa đảo, công an khuyến cáo người dùng mạng cần thực hiện ngay các thao tác sau đây để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, kể cả khi đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo:

Liên hệ ngay với ngân hàng cấp thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ để báo cáo hành vi lừa đảo và yêu cầu ngân hàng dừng mọi giao dịch.

Báo cáo cho Công ty phát hành thẻ quà tặng nếu được đối tượng gửi thẻ này và chiếm đoạt tài sản..

Chuyển tiền ngân hàng: Báo cáo với công ty chuyển khoản ngân hàng hoặc ngân hàng mà bạn đang sử dụng để thu hồi lệnh chuyển tiền nếu sự việc vừa mới xảy ra, hoặc yêu cầu phong tỏa tài khoản mà số tiền chuyển đến.

Báo cáo với nhà cung cấp ứng dụng chuyển tiền nếu chuyển tiền qua ứng dụng của bên thứ 3.

Báo cáo cho nhà cung cấp nền tảng hoặc công ty bạn đã sử dụng để gửi tiền điện tử vì tiền điện tử là không thể thu hồi được.

Tiền mặt: Nếu bạn gửi qua thư hoặc chuyển phát, hãy liên hệ với Bưu điện hoặc dịch vụ chuyển phát đã sử dụng để xem liệu họ có thể chặn gói hàng hay không.

Chuyển khoản trái phép: Báo ngay cho ngân hàng để đóng băng tài khoản và giao dịch của bạn nếu kẻ lừa đảo chuyển tiền từ tài khoản mà không có sự chấp thuận của bạn.

Nhanh chóng thu thập, lưu lại bằng chứng, làm đơn tố giác gửi tới cơ quan Công an nơi cư trú.

Người dùng mạng cần thường xuyên theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại cổng thông tin của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, có địa chỉ tại: khonggianmang.vn.

Theo Hạ Vũ

Phụ nữ số

Trở lên trên