MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lịch sử 66 năm thay đổi chứng minh thư, căn cước công dân: 6 lần đổi CMT và 3 lần đổi CCCD

29-10-2023 - 09:10 AM | Xã hội

Kể từ năm 1957 khi lần đầu tiên Chứng minh thư được "khai sinh" đến nay, loại giấy tờ này đã qua nhiều lần thay đổi.

Bộ Công an đề xuất hàng loạt điểm mới về căn cước công dân

Tại kỳ họp thứ 6, sáng 25/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Căn cước với hàng loạt các đề xuất thay đổi của Bộ Công an đã nêu ra trước đó.

Cụ thể, Bộ Công an đề xuất đổi tên Luật Căn cước công dân (CCCD) thành luật Căn cước và đổi tên gọi thẻ CCCD thành thẻ căn cước.

Ngoài tên gọi, Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới về nội dung thể hiện trên mặt thẻ căn cước. Trong đó, lược bỏ dấu vân tay, dòng chữ "CĂN CƯỚC CÔNG DÂN" đổi thành "CĂN CƯỚC", "quê quán" đổi thành "nơi đăng ký khai sinh", "nơi thường trú" đổi thành "nơi cư trú".

Lịch sử 66 năm thay đổi chứng minh thư, căn cước công dân: 6 lần đổi CMT và 3 lần thay đổi CCCD - Ảnh 1.

Căn cước công dân mẫu mới nhất có gắn chip và mã QR được tích hợp nhiều thông tin cá nhân (Ảnh: T.A)

Lý giải về đề xuất thay đổi tên gọi Căn cước, Bộ Công an cho rằng lược bỏ cụm từ "công dân" để đồng nhất với đề xuất bổ sung thêm đối tượng cấp căn cước là người gốc Việt Nam và Luật CCCD thành Luật căn cước.

Tên gọi mới của thẻ là CĂN CƯỚC sẽ giúp bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, cho việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu.

Về việc đổi "quê quán" thành "nơi đăng ký khai sinh" là thông tin chính xác với bất kỳ con người nào và tính ổn định cao. Tương tự, việc đổi nơi thường trú thành nơi cư trú nhằm đảm bảo quyền lợi cho những người chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú vẫn được cấp thẻ căn cước.

Bộ Công an cũng khẳng định các thay đổi như đề xuất không làm phình ngân sách, không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Tất cả thẻ CCCD đã cấp sẽ tiếp tục có giá trị sử dụng đến thời hạn ghi trên thẻ, sau đó mới đổi sang thẻ căn cước. Mọi giấy tờ liên quan đến thẻ CCCD hoặc chứng minh nhân dân đã cấp đều có giá trị pháp lý như nhau.

Nếu dự Luật căn cước được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ năm 2024 thì đây sẽ là lần thứ 3 Thẻ CCCD được thay đổi, trong 8 năm qua, kể từ năm 2016.

66 năm từ lần đầu tiên cấp Chứng minh thư, CCCD

Chứng minh thư nhân dân lần đầu tiên được cấp năm 1957 cho các công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên ở thành phố, thị xã, cán bộ, công nhân viên và nhân dân ở những vùng kinh tế, quốc phòng quan trọng. Giấy chứng minh thư nhân dân đầu tiên là 9 số, thời hạn 5 năm.

Năm 1964, Chính phủ ban hành Nghị định mới về cấp giấy chứng minh. Độ tuổi, kiểu dáng, dữ liệu... của giấy chứng minh mới giống như cũ, bổ sung các trường hợp không nằm trong diện cấp như: Những người bị mất trí, những người đang bị giam giữ, đang bị quản chế.

Năm 1976, Chính phủ ban hành Quyết định số 143, thống nhất một mẫu giấy chung, Cấp giấy căn cước cho tất cả công dân Việt Nam từ 15 tuổi trở lên, thay vì 18 tuổi như trước.

Giấy Chứng minh thư thời điểm này được cấp mới thống nhất tên gọi, quốc hiệu thay thế cho các loại giấy tờ tùy thân đã được cấp phát và sử dụng trước đó ở miền Bắc và chế độ cũ ở miền Nam.

Do một số bất cập như dễ làm giả, một người có nhiều số Chứng minh thư hoặc nhiều người có cùng một số Chứng minh thư, năm 1999, Chính phủ ban hành Nghị định 05/1999 quy định mới. Đây là năm đầu tiên, Chứng minh thư được in hoa văn màu xanh nhạt và bổ sung mã vạch hai chiều ở mặt sau để chống làm giả. Ngoài ra, công dân đủ 14 tuổi trở lên được cấp Chứng minh thư thay vì đủ 15 tuổi như Nghị định từ năm 1976.

Loại giấy tờ này đã từng thay đổi nhiều lần kể từ năm 1957 (Ảnh: T.A)

Loại giấy tờ này đã từng thay đổi nhiều lần kể từ năm 1957 (Ảnh: T.A)

Năm 2012, Bộ Công an áp dụng cấp Chứng minh thư theo công nghệ mới, kích thước nhỏ gọn, khó làm giả. Đây là năm đầu tiên Chứng minh thư có 12 chữ số (thay vì 9 số như mẫu cũ), ảnh của công dân lần đầu được in trực tiếp trên thẻ, có mã vạch 2 chiều.

Vào năm 2012, Chứng minh thư cũng được in thông tin tên cha, mẹ đẻ ở mặt sau, gây nhiều tranh cãi. Không lâu sau, Bộ Công an đã chỉ đạo dừng cấp loại chứng minh thư ghi thông tin cha mẹ ở phía sau.

8 năm thay đổi 3 lần về CCCD

Năm 2016, theo Luật Căn cước công dân, Bộ Công an lần đầu cấp Thẻ căn cước công dân thay cho Chứng minh thư. Thẻ căn cước công dân được sử dụng công nghệ in trên vật liệu nhựa cứng, có lớp tem chống làm giả và trên thẻ được in mã số định danh cá nhân (12 số), thay vì số chứng minh thư cũ.

Một điểm mới là mặt sau thẻ cũng có mã vạch điện tử, mã hóa các trường thông tin của công dân. Loại thẻ này được đánh giá phù hợp với xu thế của thế giới và có thể thay thế hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước.

Do khó khăn trong việc đầu tư hệ thống máy móc, công nghệ, từ năm 2016 -2020 chỉ có 16 tỉnh, thành phố được trang bị để cấp thẻ căn cước có mã số định danh cá nhân. 47 tỉnh, thành còn lại vẫn cấp chứng minh thư 9 số và 12 số.

Tháng 10/2018, sau hơn hai năm thí điểm, Bộ Công an sửa đổi một số thông tin trên mặt thẻ CCCD mã vạch.

Lịch sử 66 năm thay đổi chứng minh thư, căn cước công dân: 6 lần đổi CMT và 3 lần đổi CCCD - Ảnh 3.

Mặt sau của thẻ CCCD từ năm 2018 được thay đổi (Ảnh: T.A)

Theo đó, tại mặt sau thẻ CCCD, cụm từ "Cục trưởng Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư" được thay thế thành "Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội".

Tháng 9/2020, Thủ tướng phê duyệt đề án của Bộ Công an về sản xuất, cấp đổi thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử với kinh phí ước tính gần 2.800 tỉ đồng. Đây là đề án được đánh giá là "toàn diện, hiện đại".

Từ 01/1/2021, Thẻ CCCD gắn chip chính thức ra đời có kích thước, hình dáng được giữ nguyên so với thẻ mã vạch. Mặt trước thẻ CCCD vẫn giữ nguyên các thông tin gồm: họ tên, quê quán, nơi thường trú và bổ sung thêm biểu tượng chip, mã QR, tiếng Anh bên cạnh tiếng Việt.

Thẻ Căn cước gắn chip được cho là bảo mật tốt, lưu giữ được nhiều thông tin hơn, tích hợp khoảng 20 thông tin các lĩnh vực khác như ngân hàng, bảo hiểm...

Đến năm 2023, trong dự thảo Luật CCCD sửa đổi, Bộ Công an đề xuất thay đổi tên Căn cước công dân thành Căn cước và nhiều thông tin in trên căn cước như quê quán, nơi thường trú, bỏ vân tay. Nếu được Quốc hội thông qua, thẻ CCCD lại thêm một lần nữa thay đổi.

Những ý kiến khác nhau về việc thay đổi Luật CCCD

Bên cạnh những ý kiến tán thành với quy định tại dự thảo, một số ý kiến tại phiên họp ngày 25/10 đã bày tỏ băn khoăn về việc đổi từ thẻ CCCD sang thẻ căn cước. Cụ thể, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng việc đổi thẻ này "không cần thiết".

Đại Biểu Hạnh từng nêu quan điểm thẳng thắn khi thảo luận về dự luật Căn cước ngày 22/6. Theo Phó GĐ Sở Tư pháp, năm 1976, theo Quyết định 143 của Hội đồng Bộ trưởng thì công dân Việt Nam được cấp thẻ căn cước. Năm 1999, theo Nghị định 05, thẻ căn cước đổi thành Chứng minh nhân dân. Năm 2016, theo Luật CCCD, Chứng minh nhân dân lại đổi thành thẻ CCCD. Năm 2021, theo Thông tư 06 của Bộ Công an, thẻ CCCD lại đổi sang CCCD gắn chip.

Nếu dự Luật này được QH thông qua và có hiệu lực từ 1/7/2024 thì thẻ CCCD tiếp tục đổi thành thẻ Căn cước.

Lịch sử 66 năm thay đổi chứng minh thư, căn cước công dân: 6 lần đổi CMT và 3 lần thay đổi CCCD - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)

"Như vậy trong vòng 8 năm, chúng ta có 3 lần đổi thẻ CCCD. Mặc dù trong tất cả các văn bản trên đều có quy định thẻ đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ; người dân đổi sang thẻ mới khi có yêu cầu. Tuy nhiên, thực tế, để đảm bảo tính đồng bộ trong quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu, các địa phương đã huy động lực lượng nhân sự đáng kể cho công tác tuyên truyền, vận động và đổi thẻ CCCD" - Đại biểu Hạnh nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, việc thay đổi nhiều lần trong thời gian ngắn sẽ tạo dư luận xã hội không tốt về công tác xây dựng pháp luật và quản lý.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) đề nghị phải "nghiên cứu thật kỹ trước khi thực hiện để đỡ tốn kém" bởi người dân rất phiền hà về chuyện thay đổi nay là thẻ CCCD, mai lại là thẻ căn cước. Giống như trước đây cấp CCCD không gắn chip, cách một tháng sau lại cấp CCCD có gắn chip.


Theo Trang Anh

Phụ nữ số

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên