MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huyền thoại ly kỳ về kho vàng Yamashita trong thế chiến thứ hai

18-10-2011 - 11:28 AM |

Theo người hầu của một hoàng thân Nhật, có chừng 175 kho vàng chôn giấu khắp Philippines, cả ngàn tấn vàng thỏi nằm sâu 67 m dưới lòng đất trong đường hầm số 8, khu rừng núi đảo Luzon.


66 năm nay rất nhiều người đi tìm kho vàng Yamashita nhưng chỉ có ông Marcos, cựu tổng thống Philippines, tuyên bố tìm thấy. Tuy nhiên, ngay cả chuyện này cũng bị nghi ngờ là bịa.

Ông Trần Văn Tiệp, 92 tuổi, vừa được UBND tỉnh Bình Thuận cấp phép thăm dò kho vàng của Nhật chôn giấu ở Núi Tàu hồi thế chiến thứ hai mà ông tin rằng chứa đến 4.000 tấn vàng.

Kho vàng mà ông Tiệp đang tìm, nếu có, rất có thể nằm trong kế hoạch “hôi” của ở các nước Đông Nam Á của quân đội Nhật trong thế chiến thứ hai. Tất cả số vàng bạc châu báu này được cho là chôn giấu ở Philippines, nơi loan truyền có cả trăm kho báu giấu trong hầm, hang núi bí mật đầy các bẫy nguy hiểm với hy vọng sẽ dùng tàu chở về Nhật tái thiết đất nước sau chiến tranh.

Hoa huệ tây vàng

Kho vàng Yamashita là tên chung chỉ toàn bộ “chiến lợi phẩm” bao gồm vàng thỏi, bạch kim, trang sức, đồ cổ… mà quân đội Nhật cướp được trong ngân hàng, kho bạc, nhà bảo tàng, chùa chiền, nhà dân... Đi theo quân đội có các chuyên gia thẩm định giá trị những món đồ cướp được. Chiến dịch cướp bóc này, theo các nguồn tin không chính thức, do một tổ chức bí mật mang tên Kin No Yuri (Hoa huệ tây vàng) thực hiện dưới sự giám sát của hoàng thân Yasuhito Chichibu, em trai của thiên hoàng.

Có rất nhiều câu chuyện về huyền thoại “kho vàng Yamashita” song tất cả đều cho rằng kể từ cuối thập niên 1930, quân đội Nhật bắt đầu đi cướp vàng bạc châu báu ở Mãn Châu và Trung Quốc. Sau đó là 12 nước ở Đông và Đông Nam Á. Thoạt đầu, các chiến lợi phẩm được tập trung ở Singapore. Từ đây, hàng được chở về Philippines bằng tàu. Tư lệnh quân đội Nhật ở Philippines lúc bấy giờ là tướng Tomoyuki Yamashita, người có biệt danh là “Cọp Malaya”.

Tương truyền tướng Yamashita được thiên hoàng Nhật trao nhiệm vụ cất giấu vàng chờ ngày chở về Nhật bằng đường biển sau khi chiến tranh kết thúc. Việc cất giấu này có sự tham gia của một số hoàng thân.

Lời kể của một nhân chứng

Ben Valmores là một thanh niên Philippines làm người hầu cho một hoàng thân Nhật phụ trách việc bảo mật các nơi cất giấu kho vàng ở Philippines. Theo lời Valmores, có chừng 175 kho vàng được chôn giấu khắp nơi ở Philippines, trong đó có đường hầm số 8 chứa cả ngàn tấn vàng thỏi nằm sâu 67 m dưới lòng đất trong khu rừng núi đảo Luzon.

Khi xe tăng Mỹ đổ bộ lên Philippines cũng là lúc các kỹ sư Nhật tổ chức lễ chia tay. Tham dự buổi lễ có tướng Yamashita và các hoàng thân. Khi màn đêm buông xuống, mọi người hát vang những bài ca yêu nước, uống rượu sa kê và hô khẩu hiệu “Thiên hoàng vạn tuế”.

Nửa đêm, tướng Yamashita và các hoàng thân lặng lẽ rút lui ra ngoài, kích hoạt các quả bộc phá gài ở các cửa ra vào hầm. Ông chủ của Valmores, không hiểu sao, đã tha mạng cho anh. Valmores được phép chạy ra khỏi đường hầm số 8 ít phút trước khi các bộc phá nổ tung, chôn sống tất cả các kỹ sư. Ở các hầm khác cũng diễn ra những buổi lễ chia tay đẫm máu như vậy. Kho vàng Yamashita, do đó, trở thành một trong những bí mật lớn nhất thời thế chiến thứ hai và một huyền thoại có sức sống mãnh liệt.

Đào giếng tìm kho vàng Yamashita có giấy phép
ở gần thành phố Cagayan de Oro, Philippines, năm 2007. Ảnh: M.T

Theo Sterling và Peggy Seagrave, tác giả cuốn Chiến binh vàng: Cuộc khai quật bí mật kho vàng Yamashita của Mỹ, ông chủ của Ben Valmores là hoàng thân Takeda Tsuneyoshi, cháu nội của hoàng đế Minh Trị.

Năm 1998, hai tác giả nói trên cho Ben Valmores xem ảnh của các vị hoàng thân chụp năm 1930, tên tuổi đều bị che. Valmores nhận ra ngay ông chủ Takeda, hoàng thân Chichibu và nhiều vị hoàng thân khác. Valmores cho biết ông từng mang thức ăn, trà và thuốc lá phục vụ các vị hoàng thân trong lúc họ kiểm kê các kho vàng.

Các vị hoàng thân sau đó được tàu ngầm Nhật đến đón đưa về Tokyo. Ba tháng sau, ngày 2-9-1945, tướng Yamashita đầu hàng Mỹ. Ông bị tòa án binh Mỹ xử tử hình vì phạm nhiều tội ác chiến tranh. Theo nhà sử học Mỹ John Dower, trong suốt phiên tòa, tiếng Anh duy nhất thốt ra từ miệng tướng Yamashita là “science” (khoa học) khi nêu ra nguyên nhân bại trận của Nhật. Vị tướng này không hề hé môi về kho vàng mang tên ông. Tướng Yamashita bị xử tử trong nhà tù Los Banos ở Manila ngày 23-2-1946.

Nghi vấn

Kho vàng Yamashita có thật hay không? Theo Mike Tharp, tác giả một bài báo đăng trên tuần báo US News and World Report, các nhà sử học chưa bao giờ phát hiện những chứng cứ xác thực về kho vàng Yamashita.

Giáo sư Rico Jose giảng dạy ở Đại học Philippines cho rằng không thể có chuyện chuyển các kho báu cướp được từ đất liền các nước Đông Nam Á đến Philippines. Ông lập luận: “Từ năm 1943, người Nhật không còn kiểm soát được vùng biển Thái Bình Dương. Chở những thứ quý báu ấy trong khi biết chắc làm mồi cho hạm đội Mỹ là chuyện vô lý. Đáng lẽ ra nó phải được chở đến Trung Quốc”.

Nhà sử học Ambeth Ocampo, Chủ tịch Học viện Sử học quốc gia, cơ quan chính phủ nghiên cứu sử học và bảo tồn di sản quốc gia Philippines, cũng nhận định: “Điều làm cho tôi băn khoăn là trong hơn 50 năm qua, mặc dù có nhiều người săn tìm kho báu trưng ra bản đồ, lời kể của nhân chứng và các thiết bị dò tìm kim loại tối tân nhưng không có ai tìm ra được một thứ gì (đáng tin)”.

Kỳ tới: Đào được 60.000 tấn vàng?

Theo Văn Anh
NLĐ

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên