MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mô hình chữ K: Cần sự 'nâng đỡ' từ chính sách tài khóa để giảm bất bình đẳng trong các nhóm ngành

Mô hình chữ K: Cần sự 'nâng đỡ' từ chính sách tài khóa để giảm bất bình đẳng trong các nhóm ngành

Ông Pēteris Strautiņš, nhà kinh tế của Ngân hàng Luminor (châu Âu): “Trong năm 2021, các nền kinh tế thế giới sẽ trải qua ​​một quá trình phục hồi kinh tế mạnh mẽ được thúc đẩy bởi chính sách tài khóa và tiền tệ phù hợp với mức độ nghiêm trọng của tình hình dịch bệnh, cũng như giảm bớt nỗi lo về Covid-19”.

Mô hình hồi phục kinh tế chữ K đang là mô hình hồi phục phổ biến tại Việt Nam cũng như nhiều các quốc gia khác trên thế giới. Trong đó, nét sổ thẳng của chữ K được dùng để chỉ tình hình kinh tế suy thoái đột ngột. Hai nét xiên ngắn của chữ K cho thấy tình trạng phục hồi trái ngược nhau, tùy từng lĩnh vực và doanh nghiệp liên quan.

Mô hình chữ K: Bất bình đẳng trong các nhóm ngành, nhóm lao động?

Dự án Opportunity Insights thực hiện bởi Harvard University và Brown University nghiên cứu về sự thay đổi trong tỷ lệ có việc làm theo mức thu nhập tại Mỹ. Theo đó, những nhóm đối tượng có thu nhập thấp (dưới 27,000 USD/năm) thì tỷ lệ có việc làm vẫn ở mức đáng báo động, giảm 30% so với khi trước dịch. Trong khi đó các nhóm đối tượng có mức thu nhập cao (60,000 USD/ năm) lại đang “hồi phục” và tỷ lệ có việc làm đã quay lại bình thường.

Mô hình chữ K: Cần sự nâng đỡ từ chính sách tài khóa để giảm bất bình đẳng trong các nhóm ngành - Ảnh 1.

Theo Cục Thống kê Lao động của Mỹ, hơn 3 triệu vị trí công việc trong ngành dịch vụ và du lịch của Mỹ vẫn không có dấu hiệu “quay lại”, chiếm ⅓ tổng số vị trí việc làm bị mất do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Betsey Stevenson, giáo sư ngành kinh tế và chính sách công của ĐH Michigan, các nhóm chịu ảnh hưởng mạnh nhất vẫn là những người lao động có thu nhập thấp vốn làm trong các lĩnh vực dịch vụ và du lịch.

Ông Pēteris Strautiņš, nhà kinh tế của Ngân hàng Luminor (châu Âu) cho biết: ”Các nhóm ngành kinh tế nơi mức lương "hậu hĩnh" từng được trả trước cuộc suy thoái gây ra bởi Covid ‑ 19 (CNTT, tài chính, dịch vụ công) đã bị ảnh hưởng ít hơn so với các ngành được trả lương thấp hơn (giải trí, du lịch, ăn uống và các dịch vụ khác). Đó là tại sao có khả năng bất bình đẳng thu nhập sẽ gia tăng.”

Còn là nguy cơ làm trầm trọng bất bình đẳng thu nhập giữa các quốc gia?

Ông Peteris đã cảnh báo về rủi ro trong việc bất bình đẳng thu nhập giữa các quốc gia ngày càng tăng cao. Ông cũng nhấn mạnh việc công nghệ từ xa và thương mại điện tử sẽ thay đổi hoàn toàn vai trò và chức năng của các nhóm ngành CNTT, bất động sản, thương mại, vận tải, du lịch, sản xuất và các lĩnh vực khác.

Các quốc gia thích ứng nhanh nhất với những thay đổi này sẽ nhanh phục hồi nhất sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Mặt khác, các quốc gia tụt hậu so với các quốc gia khác sẽ khó đạt được mức tăng trưởng trên thế giới sau Covid-19.

Mô hình chữ K: Cần sự nâng đỡ từ chính sách tài khóa để giảm bất bình đẳng trong các nhóm ngành - Ảnh 2.

Hơn nữa, do được tạo điều kiện bởi các chính sách tài chính và tiền tệ chưa từng có trước đây, sự bùng nổ gần đây của thị trường chứng khoán  rất có thể sẽ làm gia tăng bất bình đẳng về phúc lợi. Sự bất bình đẳng ngày càng tăng về thu nhập và phúc lợi có thể buộc các chính phủ phải tăng thuế hoặc chi tiêu công (ví dụ, thực hiện thu nhập cơ bản chung), điều này có thể không ngừng mở rộng vai trò của các chính phủ trong kinh tế.

Mô hình chữ K rất cần sự “nâng đỡ” từ các chính sách tài khóa

Theo bà Maria Demertzis, phó giám đốc Viện Chính sách Bruegel, sau những đợt giảm về thu nhập chung của tất cả các nhóm đối tượng, kinh tế thế giới đang chứng kiến hiện tượng nhóm người thu nhập cao thì lấy lại mức thu nhập nhanh. Tuy nhiên, những nhóm đối tượng vốn có thu nhập thấp lại đang gồng mình xoay xở.

Nhằm giảm đi khoảng cách lớn của bất bình đẳng gây ra bởi mô hình K, theo bà Maria Demertzis, chính phủ các nước cần phải sử dụng chính sách tài khóa. Điều này giúp hỗ trợ các nhóm ngành hay đối tượng chịu ảnh hưởng trong chiều đi xuống của mô hình chữ K có cơ hội giảm thiểu “nỗi đau” từ dịch Covid-19.

Bà nhấn mạnh vai trò của sự hỗ trợ kịp thời bằng các chính sách tài khóa của nhiều chính phủ. Chính phủ Mỹ đã cung cấp các biện pháp hỗ trợ tài chính như: cung cấp vaccine, giúp đỡ những người thất nghiệp, hỗ trợ tiền mặt với nhóm đối tượng thu nhập thấp.

Theo bà Craig Alexander, kinh tế trưởng của Deloitte tại Toronto (Canada), cả chính sách tài chính và tiền tệ dự kiến vẫn sẽ được duy trì cho đến năm 2023. Tuy nhiên, lãi suất sẽ nằm dưới mức lãi suất cân bằng của nền kinh tế cho đến năm 2024, hoặc thậm chí năm 2025. Cả Ngân hàng Canada và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đều muốn đợi cho lỗ hổng sản lượng GDP thu hẹp hoàn toàn và tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức “tiền Covid-19” trước khi họ tăng lãi suất.

Quay trở lại Việt Nam: Chính sách tài khóa hay chính sách tiền tệ?

Tại Việt Nam, Chính phủ cũng sử dụng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ  nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp giúp phục hồi nền kinh tế.

Về chính sách tài khóa, vào tháng 7, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Đến ngày 13/8, Chính phủ đã chính thức có Tờ trình số 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến miễn, giảm 138.000 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho DN, người dân.

Về chính sách tiền tệ, nhằm thực hiện theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên, theo TS Lê Xuân Nghĩa, trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ nên sử dụng chính sách tài khóa, thay vì chính sách tiền tệ, trong nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp.

Đặng Sơn

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên