MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Mục tiêu kép” của Sacombank trên lộ trình phát triển bền vững

02-05-2024 - 08:05 AM | Tài chính - ngân hàng

Hoàn thành đề án tái cơ cấu và gia tăng năng lực cạnh tranh là “mục tiêu kép” của Sacombank trong 7 năm qua. Nay đang ở chặng cuối của lộ trình tái cơ cấu, cùng nội lực vững vàng, nhà băng này đã chuẩn bị cho mình một hành trang khác biệt khi bước chân vào hành trình phát triển bền vững sau tái cơ cấu.

“Mục tiêu kép” của Sacombank trên lộ trình phát triển bền vững- Ảnh 1.

Sacombank sẵn sàng cho hành trình phát triển bền vững sau tái cơ cấu.

Thái độ ứng xử với nợ xấu của Sacombank đóng vai trò quan trọng trong tái cơ cấu

Gần đây, Moody’s đã nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng ở nhiều hạng mục, nhờ kết quả xử lý đáng kể các tài sản tồn đọng, giúp cải thiện chất lượng tài sản lẫn khả năng sinh lợi, huy động và thanh khoản.

Sự khôi phục xếp hạng tín nhiệm của Moody’s về mức trước sáp nhập là một trong những tiêu chí quan trọng để nhìn về lộ trình tái cấu trúc của Sacombank. Nhớ lại giai đoạn năm 2016, chính đơn vị xếp hạng này đã hạ bậc ngân hàng trong bối cảnh vừa sáp nhập với ngân hàng Phương Nam và bắt đầu thực hiện đề án tái cơ cấu.

Đó là một giai đoạn khó khăn đối với Sacombank dù quy mô hậu sáp nhập tăng lên đáng kể. Hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng nhưng việc phải trích lập dự phòng cho vấn đề nợ xấu sau sáp nhập khiến lợi nhuận suy giảm, nhiều chỉ số an toàn hoạt động dưới chuẩn quy định, uy tín và thương hiệu ngân hàng cũng bị ảnh hưởng, tác động lớn đến các đối tác, khách hàng và cán bộ nhân viên.

Sau khi xây dựng và trình NHNN phê duyệt Đề án tự tái cơ cấu, Sacombank đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý nợ để đôn đốc từng hồ sơ, xử lý nợ xấu công khai, minh bạch và đảm bảo lợi ích của cả ngân hàng và khách hàng.

Nhóm giải pháp thứ hai là tiến hành tái cấu trúc mô hình hoạt động, tách bạch và nâng cao năng lực quản trị – điều hành – giám sát theo Thông tư 13, đồng thời áp dụng các thông lệ quản trị tiên tiến và chuẩn mực quốc tế vào hệ thống quản trị rủi ro.

Ngoài quản trị, nhóm giải pháp thứ ba là đẩy mạnh phục hồi các hoạt động kinh doanh, tái cấu trúc nguồn vốn và hoạt động cho vay theo hướng an toàn hơn để tạo nguồn lực tài chính nhằm xử lý dần các vấn đề tồn đọng, ngân hàng cũng đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, tăng cường quản trị chuyên nghiệp và liên tục đổi mới sáng tạo sản phẩm dịch vụ.

Thực tế cho thấy ba nhóm giải pháp này đã mang lại kết quả khả quan. Tỷ trọng tài sản tồn đọng trên tổng tài sản tiếp tục giảm mạnh, về mức 3% vào cuối năm 2023, từ con số khi mới bắt đầu đề án là 28,1% vào năm 2016.

Tính riêng năm ngoái, số liệu cho thấy ngân hàng thu hồi và xử lý thêm gần 8.000 tỉ đồng, trong đó gần 4.500 tỉ đồng là các khoản thuộc đề án tái cơ cấu. Sacombank cũng đồng thời trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định với tổng số dư dự phòng rủi ro lên đến 25.099 tỉ đồng, trong đó trích lập 100% dự phòng cho toàn bộ danh mục nợ bán VAMC chưa xử lý.

Đánh giá về quá trình xử lý nợ xấu của Sacombank, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP. HCM, cho rằng những thành tựu nhất định trên đã cho thấy quyết tâm cao của ban lãnh đạo ngân hàng, đặc biệt là trong bối cảnh đề án tái cơ cấu trước đó chưa tính đến những khó khăn của thị trường trong nhiều năm qua (như Covid-19, căng thẳng địa chính trị hay nợ xấu chung của thị trường tăng lên…).

Đồng thời, bài học từ Sacombank cho thấy thái độ ứng xử với nợ xấu đóng vai trò rất quan trọng trong việc tái cơ cấu các ngân hàng. Bên cạnh việc thay đổi yếu tố quản trị, xử lý nợ xấu có tác động rất lớn đến hoạt động kinh doanh và bảng cân đối tài sản của ngân hàng.

Trường hợp Sacombank cũng cho thấy hướng đi rõ ràng hơn cho việc xử lý các ngân hàng yếu kém theo phương án sáp nhập. Thực tế việc hợp nhất chưa bao giờ là dễ dàng vì không chỉ nợ xấu tăng đột biến, mà còn là sự hài hòa trong câu chuyện quản trị và điều hành hậu sáp nhập. "Vấn đề là làm thế nào để Ngân hàng tốt cộng Ngân hàng xấu để biến thành Ngân hàng tốt? Yếu tố hài hòa là rất quan trọng", ông Huân nhấn mạnh.

Tập trung nguồn lực, phục hồi vị thế

Ở góc độ đầu tư cổ phiếu ngân hàng, Sacombank được xem là "ngôi sao triển vọng" xét về tiềm năng tăng trưởng kinh doanh sau khi hoàn thành đề án tái cấu trúc.

“Mục tiêu kép” của Sacombank trên lộ trình phát triển bền vững- Ảnh 2.

Sacombank tập trung nguồn lực phục hồi vị thế.

Trước đó, nhóm phân tích của Công ty chứng khoán SSI bình luận rằng nếu Sacombank tiếp tục duy trì tốc độ xử lý nợ xấu và hiệu quả kinh doanh tốt, sự trở lại sẽ rất ấn tượng.

Đánh giá tương tự, theo ông Huân, việc Sacombank từ ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao xuống mức thấp, thậm chí có thể thấp hơn 3% trong khi tỷ lệ toàn ngành trên 3%, là một thành quả rất đáng ghi nhận. "Nếu xử lý nợ tốt, Sacombank có thể mở ra thời kỳ mới, thời kỳ cổ đông sẽ hưởng lợi từ kết quả lợi nhuận của ngân hàng", ông Huân nói.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Sacombank năm 2023 đạt 9.595 tỉ đồng, tăng 51,4% và hoàn thành 101% kế hoạch đặt ra. Các chỉ tiêu sinh lời như ROA hay ROE lần lượt đạt 1,22% và 18,30%, cao hơn nhiều so với mức năm 2022 (0,31% và 4,47%).

Điều này cho thấy hoạt động kinh doanh cơ bản của Sacombank vẫn đang có sự cải thiện đáng kể, dù bối cảnh nợ xấu toàn ngành đang tăng lên và sức cầu thị trường quốc tế và nội địa vẫn đang ở mức thấp. Quy mô lợi nhuận tăng lên cũng cho thấy hoạt động xử lý nợ xấu đang dần đi đến chặng cuối, đồng thời giúp cấu trúc tài chính ngân hàng ngày càng vững chắc hơn.

Lợi nhuận giữ lại sau trích lập các quỹ đến cuối năm 2023 của Sacombank đã ở mức 18.387 tỷ đồng, gần bằng vốn điều lệ. Vấn đề chia cổ tức do đó luôn là mối quan tâm lớn của các cổ đông ngân hàng này tại mỗi kỳ ĐHCĐ, khi nhìn vào con số lợi nhuận giữ lại ngày càng lớn. Nguồn tiền để chia cổ tức đã có, vấn đề còn lại là thời điểm chia. Các lãnh đạo cấp cao ngân hàng này đã nhiều lần chia sẻ, các thủ tục cần thiết đã được Sacombank đệ trình NHNN, ngay sau khi được phê duyệt sẽ tiến hành chia cổ tức cho cổ đông.

Theo ông Huân, chính sách chia cổ tức nhìn chung tùy thuộc vào từng công ty, nhưng cho dù là không chia thì giá trị cổ đông cũng không mất đi, mà vẫn nằm trong cổ phiếu, chia càng muộn thì giá trị càng cao. Còn tại trường hợp Sacombank, cho dù có muốn chia mà NHNN chưa duyệt thì cũng không thực hiện được. "Nếu ngân hàng xử lý xong nợ tồn đọng và trích lập dự phòng đầy đủ, thì phần lợi nhuận giữ lại chính là lợi nhuận của cổ đông. Vấn đề là sự kiên nhẫn, những cổ đông trung thành, ở lại càng lâu thì phần thưởng càng lớn", ông Huân đánh giá.

Việc củng cố nội lực vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với những mục tiêu ngày càng cao hơn. Ngân hàng vừa công bố hoàn thành triển khai và ứng dụng Basel III vào cuối năm ngoái. Dự án triển khai Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 9 (IFRS 9) vẫn đang thực hiện đúng tiến độ. Khi hoàn thành, Sacombank sẽ nằm trong nhóm ngân hàng tiên phong áp dụng chuẩn mực kế toán giúp các nhà băng phân loại, đánh giá tài sản và phòng ngừa rủi ro tốt hơn.

Sacombank cũng không chậm bước ở câu chuyện chuyển đổi số, hoạt động mà ngân hàng vẫn luôn dành nguồn lực để triển khai trên toàn hệ thống trong bối cảnh thực hiện đề án tái cơ cấu suốt 7 năm qua. Nhóm giải pháp chuyển đổi số toàn diện cũng cho thấy "trái ngọt" với vị thế nằm trong tốp đầu ngân hàng đi đầu về chuyển đổi số, tiên phong ra mắt nhiều sản phẩm hiện đại, đa tiện ích được đánh giá cao về trải nghiệm và mức độ an toàn. Mới đây nhất Ngân hàng đã ra mắt Tổng đài chăm sóc khách hàng thế hệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), bên cạnh đó là hệ thống máy giao dịch hiện đại STM mà khách hàng có thể sử dụng giọng nói và tương tác chạm để thực hiện các giao dịch… "Chuyển đổi số không đơn thuần là các dự án công nghệ mới mà phải thay đổi tư duy, thay đổi mô hình kinh doanh và quy trình, nâng cao kỹ năng và năng lực số trong tổ chức mới có thể thành công", bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc Sacombank từng nhấn mạnh.

“Mục tiêu kép” của Sacombank trên lộ trình phát triển bền vững- Ảnh 3.

Khách hàng trải nghiệm máy STM.

Hướng đến phát triển bền vững

Một điểm thú vị, bên cạnh mục tiêu ngắn hạn đến năm 2025 là hoàn thành đề án tái cơ cấu, sớm trở lại vị thế bán lẻ dẫn đầu, Sacombank còn đặt mục tiêu dài hạn tiếp theo là câu chuyện phát triển bền vững, trong bối cảnh Chính phủ hướng đến mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 (Net–Zero) vào năm 2050. Ngân hàng cũng đã đưa ra chiến lược mới bao gồm bốn trọng tâm cho phát triển bền vững. Tăng trưởng bền vững: mang đến lợi ích dài hạn cho cổ đông, khách hàng, cộng đồng và quốc gia; Khách hàng là trọng tâm: sản phẩm, dịch vụ luôn xoay quanh lợi ích trước nhất của khách hàng; Nhân sự là động lực cho sự phát triển: 99% cán bộ quản lý được thăng tiến từ nguồn lực nội bộ; Quản trị minh bạch: cơ cấu tổ chức rõ ràng, quản trị rủi ro được ưu tiên và luôn hướng đến tiêu chuẩn quốc tế mới nhất.

Kim Ngân

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên