MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Petrolimex: Kinh doanh xăng dầu lỗ vì tham gia bình ổn

30-05-2013 - 10:17 AM |

Petrolimex vừa phản hồi về 3 vấn đề: lỗ kinh doanh trong năm 2011, có thể gian lận trong tính giá xăng hay không và có nợ khoản tiền 807 tỷ đồng về quyền sử dụng đất hay không?

 Năm 2011, lỗ do thực hiện bình ổn giá

Vừa qua, sau khi Kiểm toán Nhà nước công bố, năm 2011 tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Petrolimex lỗ 1.423.467 triệu đồng đã có thông tin bình luận gây hiểu lầm về hoạt động kinh doanh của Petrolimex. Để dư luận rõ hơn, ông Trần Ngọc Năm- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam- đã trả lời về vấn đề này.

Theo ông Trần Ngọc Năm, báo cáo kiểm toán cho thấy, năm 2011, kinh doanh xăng dầu lỗ của Petrolimex lỗ trước thuế 2.358.770 triệu đồng; tuy nhiên do các hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực: gas, dầu mỡ nhờn, vận tải, cơ khí, bảo hiểm, ngân hàng…, được thực hiện theo cơ chế thị trường, lại có lãi 841.291 triệu đồng. Kết quả là năm 2011 Petrolimex lỗ trước thuế là 1.423.467 triệu đồng.

Lý giải về khoản lỗ kinh doanh xăng dầu, chính báo cáo Kiểm toán Nhà nước ghi rõ: “Lĩnh vực kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh chính với số vốn đầu tư 3.204.483 triệu đồng (chiếm 32,76% so với vốn chủ sở hữu); kết quả kinh doanh xăng dầu năm 2011 lỗ do chênh lệch tỷ giá tăng và giá bán xăng dầu có sự quản lý, điều tiết của nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; các yếu tố chi phí đầu vào tăng, trong khi giá bán đầu ra chưa tăng tương ứng”.

Tại các tỉnh, thành phố lớn- khu vực có điều kiện giao thông vận tải thuận lợi, thị phần kinh doanh của Tập đoàn đang có xu hướng sụt giảm do phải cạnh tranh với nhiều doanh nghiệp đầu mối kinh doanh khác; trong khi đó, tại các khu vực có điều kiện kinh tế, xã hội, giao thông vận tải khó khăn, thị phần luôn chiếm tỷ lệ cao(Phụ lục 07/BCKT-DN).

 Đặc biệt tại một số huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên, Bắc Cạn, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quảng Bình và một số tỉnh Tây nguyên… thị phần của Tập đoàn có nơi chiếm trên 90% đến 100%.

Hơn nữa, một số đơn vị thuộc Tập đoàn còn cung cấp xăng dầu cho nhu cầu sử dụng của các công trình trọng điểm quốc gia đóng tại các khu vực vùng sâu, vùng xa như công trình thuỷ điện Sơn La, Lai châu, cung cấp xăng dầu phục vụ thi công các công trình giao thông tại các địa bàn khó khăn…

Như vậy, ngoài tham gia bình ổn giá, Tập đoàn còn làm nhiệm vụ cung ứng xăng dầu cho những khu vực có điều kiện khó khăn, hỗ trợ công tác bình ổn thị trường, công tác quản lý điều hành nhằm phát triển hoạt động kinh tế, xã hội của Chính phủ tại các địa phương này. Những hoạt động này tuy đạt kết quả về mặt xã hội, nhưng xét trên góc độ kinh tế thì kém hiệu quả do chi phí vận chuyển, hao hụt tiêu thụ xăng dầu tại các khu vực này khá cao.

Có những khu vực, riêng chi phí vận chuyển xăng dầu cho 1 lít,kg xăng dầu đến một số khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa (chưa tính chi phí vận chuyển từ cảng nhập đến kho đầu mối) đã gần bằng hoặc cao hơn định mức chi phí bán lẻ 600 đồng đang xây dựng trong cơ cấu giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ hiện hành”.

Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định: Hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2011 của Petrolimex lỗ 2.358.770 triệu đồng là do Petrolimex thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ để thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Các hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực khác được thực hiện theo cơ chế thị trường, Petrolimex đều có lãi (năm 2011, lãi 841.291 triệu đồng).

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ: “Chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét giải quyết số lỗ kinh doanh xăng dầu tồn đọng, bù đắp lại những chi phí hợp lý do Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam tham gia bình ổn giá, bình ổn thị trường theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước”.

Như vậy có thể khẳng định, lỗ kinh doanh xăng dầu của Petrolimex không phải do năng lực kém mà do điều hành của Chính phủ và các bộ quản lý nhằm bình ổn giá với mục tiêu kiềm chế lạm phát và bảo đảm an sinh xã hội. Theo Nghị định 84, nếu doanh nghiệp tham gia bình ổn giá mà bị lỗ thì Nhà nước sẽ phải bù lại khoản lỗ này. Tuy nhiên, đến nay khoản lỗ này vẫn chưa có hướng giải quyết.

Giá xăng dầu do Nhà nước quy định

Đối với thông tin “Petrolimex lộ sai phạm trong việc tính giá xăng dầu” hay “Petrolimex ăn gian trong cách tính giá xăng”, Petrolimex cho rằng: Năm 2011 giá bán xăng dầu trong nước hoàn toàn do Liên Bộ Tài chính-Công Thương quyết định.

Việc giá bán xăng dầu không do doanh nghiệp đầu mối thì giá cơ sở do các doanh nghiệp đầu mối tự tính toán chỉ nhằm mục đích theo dõi biến động giữa giá xăng dầu thế giới so với giá bán trong nước do Liên Bộ Tài chính-Công Thương quyết định.

Như vậy, giá cơ sở chỉ mang ý nghĩa tham chiếu phục vụ cho việc quản trị nội bộ mà không liên quan gì tới việc tổ chức hạch toán cũng như giá bán xăng dầu trên thị trường. Vì thế, Petrolimex khẳng định, không có chuyện “sai phạm” hay “ăn gian” trong cách tính giá xăng như có thông tin đưa ra!

Không nợ ngân sách 807 tỷ đồng!

 Đối với khoản tiền 807 tỷ đồng về quyền sử dụng đất, Petrolimex giải thích: Theo quy định của pháp luật; khi cổ phần hóa, doanh nghiệp được lựa chọn hình thức thuê đất hoặc giao đất để xác định giá trị doanh nghiệp cho mục đích cổ phần hóa. T

hực hiện quy định này, trong phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa, Petrolimex đã báo cáo Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo cổ phần hóa Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (nay là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) để trình Thủ tướng Chính phủ chuyển các vị trí đất hiện tại đang sử dụng làm trụ sở làm việc (văn phòng) của Petrolimex và các đơn vị kinh doanh xăng dầu thành viên thuộc đối tượng cổ phần hóa từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất (thu tiền một lần).

Tuy nhiên, việc chuyển từ hình thức thuê đất sang hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, trên thực tế doanh nghiệp chỉ có thể thực hiện được khi có sự chấp thuận của các tỉnh/thành phố có liên quan.

Sau khi Phương án cổ phần hóa và cơ cấu lại Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các đơn vị thành viên của Petrolimex đã tích cực làm việc với chính quyền địa phương để hoàn thiện thủ tục chuyển đổi từ hình thức thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất, song đến thời điểm hiện tại cũng mới chỉ chuyển đổi được một số vị trí đất của Công ty Xăng dầu Lào Cai, Trà Vinh, Tuyên Quang và các đơn vị này đã thực hiện nộp tiền ngay theo thông báo của cơ quan tài chính tỉnh, thành phố.

Còn lại, đa số các diện tích đất văn phòng chưa được chuyển đổi theo phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa do UBND tỉnh, thành phố yêu cầu tiếp tục thực hiện phương án thuê đất hoặc UBND tỉnh, thành phố không hoặc chưa trả lời. Trong thời gian chưa thực hiện được việc chuyển đổi, Petrolimex vẫn phải tiếp tục nộp tiền thuê đất hàng năm theo thông báo của cơ quan thuế địa phương.

Từ thực tế nêu trên, trong hồ sơ quyết toán cổ phần hóa đã được Petrolimex báo cáo Ban chỉ đạo cổ phần hóa về những vướng mắc này; đồng thời kiến nghị, trong trường hợp UBND tỉnh, thành phố không chấp thuận cho Petrolimex chuyển đổi từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang giao đất có thu tiền sử dụng đất (trả tiền một lần) như phương án cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì Petrolimex đề nghị điều chỉnh lại phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.

Căn cứ tình hình thực hiện thực tế; Petrolimex khẳng định, Petrolimex không nợ ngân sách nhà nước số tiền 807 tỷ đồng về quyền sử dụng đất như báo chí đã đưa tin.

Theo Thanh Hương

khanhnt

Báo công thương

Trở lên trên