MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng Nhà nước nói gì về kiến nghị hạ chuẩn cho vay?

09-10-2023 - 20:28 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước nói gì về kiến nghị hạ chuẩn cho vay?

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Ninh gửi tới sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo văn bản số 907/BDN ngày 01/08/2023.

Cử tri cho biết, ngày 11/01/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng. Tiếp đó, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tuy nhiên đến nay, việc triển khai chậm trễ, không đạt yêu cầu, một phần nguyên nhân là do vướng ở khâu điều hành thực hiện và các quy định liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Do đó, cử tri kiến nghị Thống đốc NHNN có các giải pháp chỉ đạo, điều hành, một mặt hạ chuẩn cho vay, đồng thời gắn trách nhiệm với các Ngân hàng địa phương vì Ngân hàng là bên cho vay nhưng một số Ngân hàng có tâm lý sợ sai nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc, không đạt yêu cầu về tiến độ.

Trả lời cử tri về đề nghị hạ chuẩn cho vay, NHNN cho biết, theo quy định tại Điều 7, Luật Các TCTD: 1. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không tổ chức, cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không đủ điều kiện, không có hiệu quả, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Đồng thời, theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (đã sửa đổi, bổ sung), hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa TCTD và khách hàng, phù hợp với quy định của pháp luật; TCTD xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện vay vốn. Như vậy, hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận; khách hàng vay vốn để sử dụng vào mục đích hợp pháp, có phương án sử dụng vốn khả thi, có khả năng tài chính để trả nợ; TCTD quyết định xem xét cho vay phù hợp tình hình hoạt động và khẩu vị rủi ro của TCTD.

NHNN cũng cho biết, các giải pháp đặc thù ngành Ngân hàng triển khai thời gian qua là nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ. Để tạo thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, NHNN đã và đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, sẵn sàng nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, liên tiếp điều chỉnh giảm các loại lãi suất điều hành, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ... sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới.

Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo TCTD trong quá trình xem xét cho vay chủ động rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục vay vốn, nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. NHNN cũng triển khai mạnh mẽ, sâu rộng Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng...

Tuy nhiên, để tăng khả năng tiếp cận vốn, ngoài giải pháp, chính sách từ phía ngành ngân hàng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động, nâng cao khả năng tài chính, xây dựng phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, tạo niềm tin để các TCTD yên tâm cấp tín dụng...

Như vậy, ngành Ngân hàng đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Vấn đề quan trọng hiện nay là thúc đẩy cầu tín dụng từ nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm; do đó, ngoài những giải pháp từ ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp đồng bộ từ các chính sách khác về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ.

Lan Anh

markettimes.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên