MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành học kinh doanh bị gắn mác “vô dụng” nhưng 9 điểm/môn chưa chắc đã đỗ ở nhiều "ông lớn" kinh tế, thực hư chất lượng ra sao?

27-06-2023 - 00:10 AM | Sống

Ngành học kinh doanh bị gắn mác “vô dụng” nhưng 9 điểm/môn chưa chắc đã đỗ ở nhiều "ông lớn" kinh tế, thực hư chất lượng ra sao?

Một ngành học có nhiều ẩn số khi mà bị nhiều người gắn mác là “vô dụng”, học để làm sếp. Song thực tế, trong những năm gần đây điểm chuẩn của ngành này luôn ở mức cao, vẫn có sức hút lớn với đông đảo sĩ tử.

Thời gian gần đây, mạng xã hội Tiktok xuất hiện nhiều video có nội dung “hướng nghiệp” cho giới trẻ và gây ra tranh cãi với danh sách “những ngành học vô dụng nhất Việt Nam”. Các ngành nghề được Tiktoker liệt kê như Marketing, Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh,... đều là những ngành vốn thu hút đông sĩ tử lựa chọn. Vậy nên thông tin này càng gây ra sự hoang mang cho phụ huynh và học sinh trong quá trình lựa chọn “bến đỗ” cho 4 năm ĐH.

Ngành học kinh doanh bị gắn mác “vô dụng” nhưng 9 điểm/môn chưa chắc đã đỗ ở nhiều "ông lớn" kinh tế, thực hư chất lượng ra sao? - Ảnh 1.

Loạt video “hướng nghiệp” của các Tiktoker gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Trên thực tế, nhiều ngành học gắn mác “dễ thất nghiệp”, “không có tương lai” này lại có điểm chuẩn cao chót vót nhiều năm, thậm chí là xếp nhất nhì tại các trường ĐH danh tiếng.

Trong đó có thể kể tới ngành Quản trị kinh doanh, ngành học có nhiều ý kiến nhận định là “chung chung, sinh viên không có năng lực cạnh tranh và chỉ có thể làm sales, marketing”. Thế nhưng đây lại là ngành luôn có sức hút tại các “ông lớn kinh tế”, điểm thi trong 3 năm gần đây luôn dao động ngưỡng 26-28 điểm.

Điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh luôn cao

Quản trị kinh doanh là một ngành đào tạo tất cả các kỹ năng, kiến thức cần thiết để có thể làm việc, thành lập và vận hành một doanh nghiệp hiệu quả. Cả nước hiện nay có khoảng hơn 150 trường đại học đào tạo ngành Quản trị Kinh doanh.

Sinh viên ngành này sẽ được trang bị các kỹ năng như Xây dựng và tổ chức chiến lược, kế hoạch kinh doanh, Phân tích và đánh giá doanh nghiệp, Tổ chức và điều hành quá trình hoạt động kinh doanh,... cùng các kiến thức liên quan đến lĩnh vực khác như Marketing, Tài chính, Nhân sự.

Ngành học kinh doanh bị gắn mác “vô dụng” nhưng 9 điểm/môn chưa chắc đã đỗ ở nhiều "ông lớn" kinh tế, thực hư chất lượng ra sao? - Ảnh 2.

Với thế mạnh đào tạo khối ngành kinh tế, ĐH Ngoại thương (cả 2 cơ sở) và ĐH Kinh tế quốc dân luôn là những trường có điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh theo phương thức thi THPTQG cao nhất cả nước, ở ngưỡng trên 27 điểm, thậm chí có năm lên tới hơn 28 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc sĩ tử thi 9 điểm/môn vẫn có thể trượt ngành Quản trị kinh doanh.

Năm 2020 và 2021, ngành học này có điểm chuẩn lần lượt là 28,15 và 28,55 điểm, cao thứ 2 tại ĐH Ngoại thương cơ sở TP.HCM, chỉ sau ngành Kinh tế đối ngoại. Điểm chuẩn ngành Quản trị kinh doanh tại các “ông lớn kinh tế” khác như Học viện Tài chính, Học viện Ngân hàng và ĐH Kinh tế TP.HCM dao động ở mức 26 điểm.

Mới đây nhất, điểm chuẩn xét tuyển sớm tại ĐH Ngoại thương Hà Nội cũng nằm trong nhóm cao. Điểm ngành này dao động từ 27,2 - 30,1 điểm với các thí sinh nộp hồ sơ theo phương thức HSG QG/tỉnh, thành phố, xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ và kết quả thi đánh giá năng lực ĐHQG.

Không có ngành học nào là vô dụng

Không chỉ có điểm chuẩn, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh có việc làm cũng ở ngưỡng cao. Theo thông tin từ PGS Đào Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Học viện Tài chính, tỷ lệ sinh viên ngành Quản trị kinh doanh của Học viện Tài chính tốt nghiệp năm 2021 có việc làm sau sau khi tốt nghiệp một năm đạt 99,15%. Vị này cho biết đây cũng là ngành học có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp năm 2021 có việc làm cao nhất trong tất cả các ngành của Học viện Tài chính.

Tại ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế Quốc dân, HV Ngân hàng, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm của ngành quản trị kinh doanh cũng ở mức cao, dao động 92-97%.

Chia sẻ về lợi thế của sinh viên theo học ngành quản trị kinh doanh, PGS Đào Thị Minh Thanh cho biết khi kinh tế phát triển, nhiều doanh nghiệp ra đời. Muốn lãnh đạo được doanh nghiệp phát triển thì chủ doanh nghiệp không thể thiếu kiến thức quản trị kinh doanh.

Ngành học kinh doanh bị gắn mác “vô dụng” nhưng 9 điểm/môn chưa chắc đã đỗ ở nhiều "ông lớn" kinh tế, thực hư chất lượng ra sao? - Ảnh 3.

PGS Đào Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, Học viện Tài chính

“Giám đốc các doanh nghiệp cần phải có kiến thức về quản trị kinh doanh nói chung và kiến thức về quản trị cấp trung gian như quản trị nhân lực, Quản trị thương hiệu, Quản trị chiến lược, quản trị tài chính, quản trị sản xuất và tác nghiệp nói riêng.

Vì vậy sinh viên theo học ngành quản trị kinh doanh có thể làm việc ở bất kì loại hình doanh nghiệp nào. Từ đó cho thấy cơ hội việc làm của sinh viên ngành quản trị kinh doanh luôn rộng mở”, trưởng khoa Quản trị kinh doanh của Học viện Tài chính chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị này còn lý giải, do nằm trong cái nôi đào tạo về tài chính kế toán lâu đời nhất của cả nước nên sinh viên học ngành quản trị kinh doanh của Học viện Tài chính không chỉ được cung cấp kiến thức về quản trị kinh doanh mà còn được bổ sung các nền tảng cơ bản về kế toán, quản trị tài chính doanh nghiệp. Bởi vậy, trong những năm gần đây, điểm chuẩn của ngành vẫn trên 26 điểm.

Chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng những sinh viên theo học chuyên ngành quản trị kinh doanh, chị Đinh Thuận - Trưởng Ban tuyển dụng NonIT của Công ty CP VCCorp cho rằng do sự đa dạng về lĩnh vực được đào tạo nên khi các doanh nghiệp tuyển dụng những vị trí như Sale, Marketing, Nhân sự… vẫn luôn có ưu tiên nhất định với các bạn tốt nghiệp chuyên ngành này.

Ngành học kinh doanh bị gắn mác “vô dụng” nhưng 9 điểm/môn chưa chắc đã đỗ ở nhiều "ông lớn" kinh tế, thực hư chất lượng ra sao? - Ảnh 4.

Chị Đinh Thuận - Trưởng Ban tuyển dụng NonIT của Công ty CP VCCorp

Bày tỏ quan điểm về một số nhận định cho rằng ngành quản trị kinh doanh là “vô dụng”, cả 2 vị này đều khẳng định rằng không có ngành học nào là vô dụng. Cơ hội việc làm tương lai phụ thuộc vào người học. “Vấn đề nằm ở việc người học có tích lũy đủ kiến thức về ngành để đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp hay không. Khi người học không đủ kiến thức về ngành quản trị kinh doanh có thể có cái nhìn sai lệch về ngành học này”, PGS Đào Thị Minh Thanh khẳng định.

Chị Đinh Thuận cho rằng các bạn sinh viên phải tự nâng cao kiến thức, kỹ năng đồng thời xác định con đường nghề nghiệp ngay từ ngồi trên ghế nhà trường. Một khi có lộ trình rõ ràng, định hướng phù hợp, chắc chắn, sinh viên học ngành nào cũng có cơ hội nghề nghiệp như nhau.

Ảnh: NVCC 

Đinh Anh, Kim Linh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên