MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý ở quốc gia hàng đầu thế giới để sinh sống: Ngày càng có nhiều trí thức trẻ rời bỏ quê hương

08-07-2017 - 09:15 AM | Tài chính quốc tế

Chính phủ Phần Lan cho rằng người dân sau khi được hưởng nền giáo dục tốt và trở thành tầng lớp lao động có ích ở nước ngoài sẽ quay về "báo hiếu" quốc gia bằng tư duy rộng mở và kinh nghiệm quốc tế. Nhưng đó là một vòng luẩn quẩn.

Giới trí thức trẻ của Phần Lan đang bị các thủ đô châu Âu "quyến rũ". Họ rủ nhau chuyển đến Stockholm, Berlin, Amsterdam và thậm chí cả những nơi xa hơn như Dubai, New York và Washington. Nghề nghiệp của những người di cư Phần Lan rất đa dạng. Họ là những nhân viên ngân hàng, kiến trúc sư, nhà thiết kế, kỹ sư máy tính, nhiếp ảnh gia và nhà nghiên cứu.

Không chỉ mới gần đây, hiện tượng này đã diễn ra trong một khoảng thời gian dài. Từ 100 năm trước, người Phần Lan đã di cư đến Bắc Mỹ. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Phần Lan bùng nổ làn sóng di cư đến Thụy Điển. Trong cả hai trường hợp, người Phần Lan di cư đến các nền kinh tế phát triển chủ yếu để làm công nhân nhà máy.

Tuy nhiên ngày nay, người Phần Lan di cư đều là những lao động trình độ cao, được hưởng nền giáo dục và chế độ phúc lợi xếp vào hạng tốt nhất thế giới. Tại sao họ vẫn ra đi và thậm chí ít người muốn quay trở lại?

Cùng với Johannes Niemeläinen - một nhà báo người Phần Lan, tác giả bài viết đã thực hiện khảo sát đối với những người Phần Lan sống ở nước ngoài trong độ tuổi từ 20 - 40. Trong số 799 người tham gia khảo sát, chỉ có 19% người cho rằng có thể họ sẽ quay trở lại. Con số này giảm hơn 20% so với kết quả khảo sát năm 2006 (bao gồm cả những người Phần Lan đã nghỉ hưu đang định cư ở nước ngoài). Nếu chỉ so sánh với nhóm 20-40 tuổi, sự suy giảm còn sắc nét hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, số lượng người Phần Lan di cư đang trong độ tuổi lao động tăng lên cũng khiến cho tỷ lệ người Phần muốn hồi hương giảm đi. Năm 2015, có khoảng 2.000 người dân di cư ra khỏi Phần Lan, trong đó hơn một nửa có trình độ giáo dục đại học và đa số là phụ nữ. Con số này tăng gấp bốn lần so với năm 2009. Người Phần Lan làm việc ở nước ngoài được đánh giá là có khả năng thích nghi cao, tư duy đa ngôn ngữ tốt và được trọng dụng.


Khán giả đến xem lễ kỷ niệm mừng 100 ngày độc lập Phần Lan chủ yếu là những người trung niên và người già.

Khán giả đến xem lễ kỷ niệm mừng 100 ngày độc lập Phần Lan chủ yếu là những người trung niên và người già.

Chính phủ Phần Lan cho rằng người dân sau khi được hưởng nền giáo dục tốt và trở thành tầng lớp lao động có ích ở nước ngoài sẽ quay về báo hiếu quốc gia bằng tư duy rộng mở và kinh nghiệm quốc tế. Nhưng điều đó đã không xảy ra.

Tại sao suy nghĩ của Chính phủ Phần Lan lại không trở thành hiện thực, những người Phần Lan di cư không trở lại quê nhà? Tình hình hiện nay không giống với trong quá khứ, khi làn sóng di cư bắt nguồn từ các cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị hay những sự kiện như chiến tranh thế giới. Phần Lan cũng không giống với làn sóng di cư của thế giới, trong đó người ta dịch chuyển từ nước nghèo sang những nước giàu hơn (Tây Ban Nha và Hy Lạp là ví dụ).

Nguyên nhân của Phần Lan bắt nguồn từ những thay đổi trong cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội thời hậu chiến. Mọi sự kiện, từ khủng hoảng kinh tế và thế hệ bùng nổ dân số nghỉ hưu đã khiến cho phúc lợi xã hội hào phóng của Phần Lan trở thành gánh nặng của nền kinh tế. Do đó, chính phủ bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu. Nền kinh tế và hệ thống giáo dục sau khi bị thiệt hại lại trở thành động lực để giới trẻ di cư ra nước ngoài.

Một số học giả nổi tiếng người Phần Lan đã quyết định rời Phần Lan nhằm phản đối động thái cắt giảm 500 triệu euro cho các cấp giáo dục bậc cao. Kể từ năm 2006, số lượng tiến sĩ muốn trở về nước giảm 36%. Đây cũng là nhóm ít mong muốn hồi hương nhất. Họ cho rằng hệ thống giáo dục bị cắt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ làm việc của họ ở Phần Lan.

Bên cạnh đó, nhiều người nói rằng những kinh nghiệm mà họ đã thu thập được ở nước ngoài không đem lại cho họ công ăn việc làm tốt hơn ở Phần Lan.

Những mối nguy lớn hơn

Những quốc gia nhỏ có hệ thống phúc lợi như Phần Lan phụ thuộc vào lực lượng lao động trình độ cao nhiều hơn là các quốc gia khác. Nếu họ không có đủ nguồn nhân lực chất lượng cao (dù bằng cách đào tạo mới hoặc thu hút nhân tài từ nơi khác), nền kinh tế sẽ nảy sinh ra những vấn đề mang tính cấu trúc như thất thoát đầu tư nước ngoài.

Và trong một hệ thống mà nguồn vốn từ chính quyền trung ương đóng vai trò rất quan trọng như ở Phần Lan, cắt giảm phúc lợi ảnh hưởng đến tất cả mọi người chứ không phải chỉ ảnh hưởng đến nhóm nghèo nhất như các quốc gia khác. Điều này càng làm tăng nguy cơ chảy máu chất xám, dẫn đến rủi ro suy yếu mạng lưới tri thức hay những thứ được gọi chung là vốn xã hội (social capital). Là 1 "tấm đệm" để chống đỡ các cú sốc từ bên ngoài, nếu vốn xã hội suy giảm, Phần Lan sẽ đối mặt với những hệ quả xấu trên phạm vi rộng hơn.

Trong bổi cảnh dân số ngày càng già hóa làm gia tăng áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn. Giống như dầu rò rỉ ra khỏi động cơ máy, nó không ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống ngay lập tức, nhưng qua thời gian nó sẽ phá hủy đến mức không thể sửa chữa được.

Vậy thì giải pháp là gì? Những trí thức trẻ được phỏng vấn vẫn cảm thấy tự hào về chế độ phúc lợi của quê nhà Phần Lan, có nghĩa là dù đã quyết định ra đi, họ vẫn có niềm tin vào hệ thống đã nuôi dưỡng mình trước đây.

Như vậy Phần Lan có thể xây dựng những dạng phúc lợi mới, đòi hỏi Chính phủ phải có tầm suy nghĩ xa hơn vượt ra bên ngoài lãnh thổ. Đó có thể là hợp tác với một vài nước có điều kiện tương tự để lập nên hệ thống phúc lợi liên kết giữa các quốc gia. Nếu không giải quyết sớm, Phần Lan sẽ phải gánh chịu hậu quả trong tương lai không xa.

Anh Sa

The Conversation

Trở lên trên