MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nguồn gốc bản Quốc ca phát trong trận Việt Nam - Lào được tiết lộ, khác với số đông nghĩ

07-12-2021 - 14:20 PM | Sống

Nguồn gốc bản Quốc ca phát trong trận Việt Nam - Lào được tiết lộ, khác với số đông nghĩ

VFF đã lên tiếng về nguồn gốc của bản Quốc ca được phát trong lễ chào cờ trước trận đấu Việt Nam - Lào trong khuôn khổ AFF Cup 2020.

Nguồn gốc bản Quốc ca phát trong trận Việt Nam - Lào được tiết lộ, khác với số đông nghĩ - Ảnh 1.

BTC AFF Cup 2020 phát Quốc ca từ nguồn VFF cung cấp

Vụ việc các kênh phát lại trận bóng Việt Nam - Lào trong giải AFF Cup 2020 chủ động "tắt tiếng" phần hát Quốc ca trong lúc chào cờ đầu trận vì lo ngại bị "đánh gậy bản quyền" đang được chú ý. Không chỉ riêng BH Media, có một số đơn vị khác cũng đăng ký bản quyền bản thu âm "Tiến quân ca". Nhiều người thắc mắc, rút cục thì bản Quốc ca Việt Nam được cử lên tại AFF Cup là bản nào, có nguồn gốc ra sao.

Bản Tiến quân ca sử dụng trong nghi thức chào cờ, hát Quốc ca trước trận tuyển Việt Nam- Lào được BTC AFF Cup 2020 lấy từ nguồn AFC, do VFF cung cấp - đó là câu trả lời chính thức cho vụ việc.

VFF thông tin, nhạc Quốc ca sử dụng trong nghi thức chào cờ trước trận tuyển Việt Nam - Lào tại AFF Cup 2020 do VFF cung cấp bản chuẩn, theo Vietnamnet. Bản Tiến quân ca này được VFF xin phép lấy từ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (chinhphu.vn).

Trang web chinhphu.vn công khai ghi thông tin về Quốc ca kèm theo bản chép nhạc và bản ghi âm dài 1: 02 phút.

Nguồn gốc bản Quốc ca phát trong trận Việt Nam - Lào được tiết lộ, khác với số đông nghĩ - Ảnh 2.

Thông tin về Quốc ca trên trang chinhphu.vn. (Ảnh chụp màn hình)

Đây là bản chép nhạc do Cục Nghệ thuật biểu diễn cung cấp kèm theo Công văn số: 558/NTBD-QLBĐ ngày 23 tháng 7 năm 2015. Tại đây cũng ghi rõ, bản quyền thông tin thuộc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.

VFF khẳng định, vụ việc nhạc Quốc ca trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam - Lào bị tắt tiếng không liên quan tới VFF.

Con cố NS Văn Cao: Tiến quân ca là tài sản của Nhà nước

Theo trả lời của VFF, có thể hiểu, bản Quốc ca đã được BTC AFF Cup 2020 phát là bản đã được VFF xin phép, tức là được phép sử dụng mà không sợ vi phạm bản quyền. Đây cũng hoàn toàn không phải bản ghi âm của Hồ Gươm Audio mà BH Media bảo vệ bản quyền, cũng không phải bản từng bị YouTube "đánh gậy" kênh của FPT, do Hãng đĩa Marco Polo sản xuất.

Như vậy, có thể hiểu là các kênh phát lại trên nền tảng YouTube trận đấu tối 6/12 đã hơi... lo xa. E ngại về vi phạm bản quyền nhạc đã khiến họ hy sinh trải nghiệm toàn vẹn của người xem bóng đá.

Nguồn gốc bản Quốc ca phát trong trận Việt Nam - Lào được tiết lộ, khác với số đông nghĩ - Ảnh 3.

Người xem trận Việt Nam - Lào trên nền tảng YouTube đã không có trải nghiệm tốt nhất.

Sự việc đã ngã ngũ, BH Media không liên quan gì đến sự việc lần này, nhưng câu chuyện bản quyền ca khúc và các bản ghi "Tiến quân ca" vẫn gây nhiều tranh cãi trái chiều.

Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - người sáng tác "Tiến quân ca" cũng lên tiếng về vấn đề này. Ông bức xúc: "Từ khi ca khúc này ra đời, cố nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân".

Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao. Tiến quân ca hoàn toàn là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân. Tôi tin là các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này", theo Dân Trí.

Theo Bích Chi

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên