MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn từ Singapore, lãnh đạo Standard Chartered chỉ ra chìa khoá giúp Việt Nam vươn lên thành nước có thu nhập cao vào năm 2045

Nhìn từ Singapore, lãnh đạo Standard Chartered chỉ ra chìa khoá giúp Việt Nam vươn lên thành nước có thu nhập cao vào năm 2045

Vào ngày 1/8/1973, Việt Nam và Singapore chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Tháng 9/2013, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Lý Hiển Long và kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã ra Tuyên bố chung về thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam-Singapore.

Năm 2023 là một năm đặc biệt đối với Việt Nam và Singapore khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược.

Được đánh giá là một ngôi sao đang lên trong khu vực ASEAN, theo Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, bà Michele Wee, Việt Nam có thể tham khảo câu chuyện thành công của Singapore nếu muốn đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Nhìn từ Singapore, lãnh đạo Standard Chartered chỉ ra chìa khoá giúp Việt Nam vươn lên thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 - Ảnh 1.

Từ lâu, Singapore được biết đến là quốc gia có diện tích nhỏ bé nhưng nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng và phát triển bậc nhất khu vực. Với thế mạnh là trung tâm tài chính và thương mại quốc tế, khoa học công nghệ, quốc gia này rất nhanh nhạy trong việc nắm bắt cơ hội đầu tư - thương mại, và được mệnh danh là một trong bốn “con hổ châu Á”.

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, bà Michele Wee, giống với nhiều mối quan hệ đối tác thành công khác, cả Singapore và Việt Nam sẽ nhiều cơ hội để đưa quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới, đặc biệt là trong lĩnh vực kỹ thuật số và phát triển xanh.

Tính đến hết năm 2022, Singapore tiếp tục là nhà đầu tư lớn của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á với hơn 3.600 dự án, đạt trên 70 tỷ USD. Trong đó, lĩnh vực Singapore chủ yếu đầu tư là kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng.

“Có thể thấy, trong khi Việt Nam có nhu cầu thì Singapore có thế mạnh để cả hai nước có thể tận dụng sự khác biệt và tương đồng để hỗ trợ lẫn nhau”, bà Michele Wee nhấn mạnh.

Chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1973, mối quan hệ song phương mạnh mẽ giữa Việt Nam và Singapore được đánh giá sẽ tiếp tục mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp ở cả hai quốc gia.

Theo đó, từ năm 1996 đến nay, Singapore luôn là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Singapore đạt 9,1 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 4,3 tỷ USD, tăng 9,4% so với năm 2021; nhập khẩu của Việt Nam từ Singapore đạt 4,8 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.

Nhìn từ Singapore, lãnh đạo Standard Chartered chỉ ra chìa khoá giúp Việt Nam vươn lên thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 - Ảnh 2.

Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đầu tư trực tiếp từ Singapore vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 1998. Đáng chú ý, kể từ năm 2020, Singapore liên tục ghi dấu là nhà đầu tư nước ngoài rót nhiều tiền vào Việt Nam nhất. Tính riêng năm 2022, trong 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất với số vốn lên đến 6,46 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng FDI vào Việt Nam.

Trong số các dự án Singapore đã đầu tư vào Việt Nam, khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là một biểu tượng cho tính hiệu quả của các dự án đầu tư của Singapore. Được thành lập vào năm 1996, đây là dự án khu công nghiệp được khởi đầu dựa trên ý tưởng hợp tác của Chính phủ 2 nước Việt Nam - Singapore. Đến nay, đã có 12 VSIP trên khắp cả nước, thu hút tổng vốn đầu tư trị giá khoảng 17 tỷ USD và đã tạo ra hơn 300.000 việc làm tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, một số dự án lớn cũng được Singapore đầu tư vào Việt Nam gần đây phải bao gồm nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu (cấp phép năm 2020, vốn đăng ký 4 tỷ USD); dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (cấp phép năm 2021, vốn đăng ký 3,12 tỷ USD).

Lý giải về những yếu tố đã giúp Việt Nam thu hút được một lượng lớn vốn đầu tư FDI từ Singapore, bà Michele Wee cho hay, các chính sách đầu tư hấp dẫn và nhân khẩu học thuận lợi là những yếu tố đã giúp Việt Nam trở thành thị trường được nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp Singapore lựa chọn.

Bên cạnh đó, Việt Nam còn có những lợi thế về nguồn lao động lớn, chi phí lao động thấp, hội nhập mạnh mẽ với thương mại toàn cầu, chuỗi cung ứng hiện đại, chính sách và chính trị ổn định, tiềm năng nông nghiệp mạnh mẽ và tài nguyên thiên nhiên phong phú.

Bà Michele Wee cho hay, với dân số gần 100 triệu người, trong đó tầng lớp giàu có và mới nổi đang gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đang dần trở thành một thị trường rất hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Không chỉ vậy, thành công của Việt Nam trong việc phòng chống dịch COVID-19 cũng giúp củng cố niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế, trong đó có Singapore.

“Tại Ngân hàng Standard Chartered, chúng tôi liên tục nhận được nhiều câu hỏi của khách hàng về các cơ hội đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, dược phẩm, y tế, bất động sản…. Chúng tôi rất lạc quan rằng trong tương lai FDI sẽ tiếp tục chảy từ Singapore vào Việt Nam”, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho biết.

Nhìn từ Singapore, lãnh đạo Standard Chartered chỉ ra chìa khoá giúp Việt Nam vươn lên thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 - Ảnh 3.

Vị lãnh đạo Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam khẳng định, kinh tế Việt Nam có tiềm năng phát triển vô cùng mạnh mẽ. Được đánh giá là một ngôi sao đang lên trong khu vực ASEAN, cả Việt Nam và Singapore hoàn toàn có rất nhiều cơ hội phía trước để hai nước phát triển vượt trội hơn trong tương lai.

“Mối quan hệ đối tác chặt chẽ giữa Singapore và Việt Nam sẽ cho phép hai nước tiếp tục tận dụng những cơ hội phong phú mà quá trình số hóa và phát triển bền vững mang lại. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng cho cả hai quốc gia mà còn thúc đẩy sự kết nối và thịnh vượng cho toàn bộ khu vực ASEAN”, bà Michele Wee đánh giá.

Đối với Việt Nam, kể từ khi cải cách kinh tế năm 1986 đến năm 2009, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 5 lần, đạt 1.110 USD vào năm 2009. Từ năm 2009 đến nay, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần, đạt khoảng 1.900 USD/năm.

Về tầm nhìn và định hướng phát triển, Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 USD/năm.

Đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm. Đến năm 2045, Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 12.535 USD/năm.

Nhìn từ Singapore, lãnh đạo Standard Chartered chỉ ra chìa khoá giúp Việt Nam vươn lên thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 - Ảnh 4.

Nhận định về mục tiêu của Việt Nam, bà Michele Wee cho rằng, tham vọng hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam rất đáng chú ý và câu chuyện của Singapore có thể là điều mà Việt Nam có thể tham khảo.

Theo Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, khi Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, lực lượng lao động cần phải nắm được bí quyết để hoạt động trong các ngành dịch vụ và sản xuất hàng hóa có giá trị gia tăng cao.

Bên cạnh đó, khả năng đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng trở nên quan trọng khi các ngành sản xuất cơ bản đang cạn kiệt và không còn khả năng tiếp tục nâng cao thu nhập cho lực lượng lao động của Việt Nam.

“Tiền lương cao hơn chỉ có thể được duy trì thông qua hoạt động hiệu quả hơn”, bà Michele Wee cho hay.

Đồng thời, bà cho rằng, Việt Nam cũng cần nhận thức đầy đủ và tăng cường năng lực trong nước, xây dựng khả năng chống chịu để ứng phó với các thách thức, bao gồm biến đổi khí hậu và địa chính trị. Vì vậy, việc xây dựng một nền kinh tế kỹ thuật số hiệu quả và năng suất sẽ là điều mà Singapore và Việt Nam có thể cùng hợp tác.

Trong đó, các công ty Singapore có thể hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân tài của Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, cũng như thúc đẩy quản trị tốt trong quản lý nhân tài.

Đồng thời, lực lượng lao động ngày càng có tay nghề cao của Việt Nam có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất của quốc gia, hỗ trợ các nhà sản xuất và nhà bán lẻ Singapore đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

“Về lâu dài, chìa khóa để Việt Nam đạt được mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao nằm ở việc xây dựng một nền kinh tế có khả năng chống chịu, độc lập và tự chủ mang tầm chiến lược. Điều này sẽ yêu cầu nâng cấp năng lực sản xuất trong nước để cho phép Việt Nam từ vai trò là nhà sản xuất theo hợp đồng tiến lên những nấc thang cao hơn”, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhấn mạnh.

Giang Anh - Thiết kế: Hải An - Ảnh: Phùng Tiên

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên