MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những “điểm nóng” của mùa đại hội ngân hàng 2018

09-04-2018 - 19:25 PM | Tài chính - ngân hàng

Cho tới thời điểm này, đã có 6 ngân hàng tổ chức xong ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 bao gồm Techcombank, VPBank, LienVietPostBank, SCB, VIB và MB...

Tại các đại hội, ngoài các vấn đề liên quan đến kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận, cổ tức, thì cổ đông mỗi ngân hàng lại có những mối quan tâm khác nhau liên quan đến việc tăng vốn, mua bán sáp nhập hay những thay đổi về nhân sự chủ chốt.

Techcombank: Tiếp tục "điệp khúc" không cổ tức, cổ đông lo lại “lỡ hẹn” lên sàn

Là ngân hàng "nổ phát súng" đầu tiên trong mùa đại hội năm nay, Ban lãnh đạo Techcombank tiếp tục tỏ ra khá tham vọng khi đặt kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng tới 24% so với năm 2017, lên mức 10.000 tỷ đồng. Các chỉ tiêu khác cũng tăng khá mạnh như tổng tài sản dự kiến đạt 315.184 tỷ đồng, tăng trưởng 17%; huy động vốn tăng trưởng 40%, tín dụng tăng trưởng 18%, đạt 213.582 tỷ đồng và duy trì nợ xấu thấp hơn 2%.

Về việc phân phối lợi nhuận, Techcombank dự kiến sau khi trích các quỹ thì lợi nhuận còn lại có thể phân phối là 9.345 tỷ đồng, tương đương 80,17% vốn điều lệ.

Số tiền này, theo ngân hàng, sẽ được sử dụng để tăng vốn tự có, vốn cổ phần, vốn chủ sở hữu. Vấn đề trả cổ tức tiếp tục không được đề cập đến tại ĐHĐCĐ năm nay. Đây là năm thứ 8 ngân hàng này không thực hiện trả cổ tức cho cổ đông.

Một trong những vấn đề quan trọng khác được cổ đông rất quan tâm tại đại hội là việc lên sàn của ngân hàng. Năm nay, Techcombank trình đại hội kế hoạch niêm yết trên HoSE. Tuy nhiên, một số cổ đông tỏ ra lo ngại kế hoạch sẽ tiếp tục được “nằm trên giấy” bởi ngân hàng cũng đã từng trình kế hoạch niêm yết từ vài năm trước nhưng cho tới thời điểm hiện tại vẫn chưa thực hiện được.

Để “trấn an” cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, năm 2017 ngân hàng “lỡ hẹn” là do thời điểm đó chưa thích hợp để niêm yết. Thời điểm 2018, cùng với việc ngân hàng đưa ra kế hoạch bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài và cổ phiếu ESOP, sẽ là thời điểm phù hợp để niêm yết trên thị trường chứng khoán. Còn thời điểm cụ thể, chủ tịch ngân hàng cho biết, sẽ xem xét sao cho tốt nhất với cổ đông.

VPBank: Tăng mạnh vốn điều lệ, hệ số CAR dự kiến đạt 18% vào cuối năm

Là ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ sớm thứ hai trong hệ thống, VPBank cũng trình đại hội kế hoạch tham vọng với mục tiêu lợi nhuận đạt 10.800 tỷ đồng, tăng trưởng 34% so với con số đạt được năm 2017, qua đó giữ tỷ suất lợi nhuận ROE khoảng 25%, ROA được cải thiện từ 2,54 lên 2,7%.

Tổng tài sản năm 2017 dự kiến cũng tăng hơn 29% lên 359.477 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng gần 24%.

Nguồn vốn huy động thông qua tiền gửi khách hàng và phát hành GTCG dự kiến sẽ tăng hơn 21% lên mức 241.675 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Ban lãnh đạo cũng đưa ra kế hoạch tăng vốn mạnh trong năm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel II trong thời gian tới.

Cụ thể, ngân hàng sẽ trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu tỷ lệ 30%, phát hành cổ phiếu phổ thông để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên, chia cổ phiếu thưởng và phát hành cổ phiếu riêng lẻ.

Nếu thành công, vốn điều lệ của VPBank năm 2018 sẽ tăng khoảng 12.000 tỷ đồng, tương đương tăng 77% so với cuối năm 2017, lên 27.799 tỷ đồng.

Chia sẻ về kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HĐQT ngân hàng cho biết, thời gian chào bán riêng lẻ dự kiến sẽ diễn cuối quý II/2018, muộn nhất là trong quý III.

Về mức giá chào bán, Chủ tịch VPBank không đưa ra con số cụ thể nhưng kỳ vọng sẽ cao hơn nhiều so với thị giá hiện tại của VPBank (quanh mức 63.000 đồng/cổ phiếu).

Cũng theo Chủ tịch VPBank, nếu phát hành thành công, dự kiến hệ số CAR của ngân hàng sẽ đạt khoảng 18% vào cuối năm nay.

LienVietPostBank: “Ghế nóng” tiếp tục đổi chủ!

Được tổ chức hôm 28/3, một trong những vấn đề được thị trường và cổ đông ngân hàng LienVietPostBank quan tâm nhất tại đại hội năm nay không phải là kế hoạch doanh thu, lợi nhuận hay chia cổ tức, mà là việc ai sẽ là người đủ khả năng thay “ghế nóng” của ông Nguyễn Đức Hưởng.

Sau ông Dương Công Minh, thì ông Nguyễn Đức Hưởng được coi là người có tầm quan trọng, ảnh hưởng thứ hai tại LienVietPostBank, là người gắn bó với ngân hàng ngay từ những ngày đầu thành lập. Đến cuối tháng 5/2017, ông Hưởng đã được bầu làm Chủ tịch ngân hàng thay cho ông Dương Công Minh sang làm Chủ tịch ngân hàng Sacombank.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, trên thị trường bắt đầu xuất hiện những tin đồn và chính ông Hưởng cũng lên báo chia sẻ về khả năng sẽ “chia tay” LienVietPostBank trong một tương lai gần.

Nói về lý do “dừng chân” quá sớm, tại đại hội, ông Hưởng cho biết, nguyên nhân là vì lý do sức khoẻ, không đủ điều kiện để ông tiếp tục làm việc tại ngân hàng. Dù vậy, ông Hưởng cũng khẳng định, dù không giữ chức Chủ tịch nữa nhưng ông vẫn nắm giữ cổ phiếu của LienVietPostBank và nắm giữ thông qua người thân của mình chứ không bán cổ phiếu như lời đồn thổi trên thị trường.

Về tân Chủ tịch LienVietPostBank, đó không phải là một gương mặt nào xa lạ mà chính là ông Nguyễn Đình Thắng, người đã gắn bó với ngân hàng 10 năm nay.

Được biết, ông Thắng đã gia nhập LienVietPostBank từ năm 2008 trên cương vị thành viên HĐQT và trở thành Chủ tịch Ủy ban Công nghệ của Ngân hàng từ năm 2013.

Ông Thắng được coi là “cha đẻ” của Ví Việt khi là người xây dựng và phát triển Thẻ phi vật lý Ví Việt (Ví Việt) – sản phẩm thanh toán online của LienVietPostBank.

MB: Có thể sẽ về một nhà với PGBank

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB) tiết lộ một thông tin khá đáng chú ý, đó là việc ngân hàng này đang trong quá trình đàm phán sáp nhập với PGBank. Dù đại diện MB cho biết, hai bên vẫn chưa đi đến một thoả thuận cuối cùng nào, nhưng điều này cũng cho thấy có khả năng hai ngân hàng có thể sẽ về một nhà trong tương lai.

Trong một diễn biến liên quan, trong BCTC kiểm toán năm 2017 mới công bố, ngân hàng Vietinbank cho biết, hiện nhà băng này và PGBank đã có thoả thuận tạm dừng giao dịch sáp nhập. Hai bên sẽ có báo cáp cấp có thẩm quyền của mỗi bên để phê duyệt chấm dứt giao dịch sáp nhập.

Được biết, thương vụ này bắt đầu từ hồi giữa năm 2015, tuy nhiên, cả Vietinbank và PGBank đã gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, trong đó có cả việc phải thực hiện đàm phán về tỷ lệ hoán đổi.

ACB: “Banker” Trần Mộng Hùng sẽ rút khỏi ngân hàng sau 25 năm gắn bó

Dù vẫn chưa chính thức tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, nhưng ACB cũng đã khuấy động thị trường tài chính với việc công bố ông Trần Mộng Hùng, người vốn được coi là linh hồn của ngân hàng trong nhiều năm qua sẽ không tiếp tục tham gia HĐQT ngân hàng trong nhiệm kỳ mới.

Được biết, ông Hùng là cổ đông đông sáng lập, cũng là Tổng giám đốc đầu tiên của ACB (năm 1993). Sau đó, ông giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị ngân hàng. Đến năm 2008, ông Hùng rút về hậu trường với vai trò cố vấn quản trị. ACB sau đó rơi vào giai đoạn khủng hoảng và khó khăn.

Đến năm 2012, sau khi con trai là ông Trần Hùng Huy được bầu lên làm Chủ tịch HĐQT, ông Mộng Hùng cũng chính thức quay lại, làm thành viên HĐQT ACB cho đến nay.

Theo Trần Thúy

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên