MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ngôi trường phá kỷ lục tồi tệ nhất khi bị đóng cửa liên tục trong hơn 600 ngày vì dịch bệnh

31-01-2022 - 10:10 AM | Tài chính quốc tế

Những ngôi trường phá kỷ lục tồi tệ nhất khi bị đóng cửa liên tục trong hơn 600 ngày vì dịch bệnh

Đứa con trai của anh Dharini Mathur đã học mầm non bằng hình thức trực tuyến ngay khi vừa lên 4 tuổi, và hơn 600 ngày sau đó, cậu bé vẫn phải ngồi học online, đồng nghĩa với việc cậu không được tiếp xúc với bạn bè và thầy cô giáo.

Gần 2 năm, hầu hết những đứa trẻ ở thủ đô một quốc gia không hề được đi học

Cậu bé là một trong số hơn 4 triệu trẻ em ở thủ đô Delhi - Ấn Độ không được đến trường vì đại dịch Coronavirus. Theo Mathur, việc đóng cửa trường học hàng loạt đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập của các em học sinh.

Anh nói: "Các con của chúng tôi đã phải nghỉ học và không được giao tiếp với bạn bè. Lũ trẻ đang bị cô lập và điều này sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của chúng. Đây thực sự là một vấn đề đáng lo ngại."

Vào tháng 3 năm 2020, khi số ca mắc coronavirus trên khắp Ấn Độ bắt đầu tăng cao, các nhà chức trách của Delhi đã ra lệnh đóng cửa các trường học. Và cho đến giờ, họ đã đóng cửa trường học được gần hai năm.

Đây là một trong những nơi trường học đóng cửa lâu nhất trên thế giới. Đối với một thành phố có sự chênh lệch giàu nghèo khá nghiêm trọng như Delhi, tình trạng không được đi học kéo dài dẫn đến mối lo ngại rằng việc này có thể làm gia tăng tình trạng nghèo đói và giảm khả năng kiếm tiền. Điều này đã khiến cho hàng triệu người cảm thấy stress cả về thể chất lẫn tinh thần.

Chỉ tính riêng ở Delhi đã có hàng trăm nghìntrẻ em thuộc các gia đình có thu nhập thấp. Bố mẹ của các em không có đủ tiền để mua máy tính xách tay phục vụ việc học trực tuyến, ngoài ra các em còn phải sống trong một môi trường chật chội và mất vệ sinh. Điều này khiến cho các em có nguy cơ hoàn toàn không được học tập.

Vào tháng 8 năm ngoái, Mathur đã kiến ​​nghị chính quyền bang mở lại các trường học. Tuy vậy vào thứ năm vừa rồi, tức là gần sáu tháng sau, các quan chức Delhi mới gặp nhau để thảo luận về khả năng mở cửa trường học trở lại.

Trong cuộc họp, Thủ hiến của Delhi và cấp phó của ông đã đề xuất với Thống đốc Anil Baijal (người có quyền thực hiện những thay đổi với tư cách là người đứng đầu của Cơ quan Quản lý Thảm họa Delhi (DDMA)) về việc nới lỏng các lệnh giới hạn.

Mặc dù các quan chức đồng ý nới lỏng một số biện pháp chống dịch như hủy bỏ lệnh giới nghiêm cuối tuần và mở cửa văn phòng chính phủ, các trường học sẽ vẫn đóng cửa.

Phó Thủ hiến của Delhi đã viết trên Twitter hôm thứ Tư vừa rồi như sau: "Chúng ta đã đóng cửa trường học khi sự an toàn của học sinh không được đảm bảo. Tuy nhiên, sự thận trọng quá mức của chúng ta ở thời điểm hiện tại đang gây ảnh hưởng xấu tới bọn trẻ. Một thế hệ trẻ em sẽ bị tụt lại đằng sau nếu chúng ta không mở lại trường học ngay từ bây giờ."

Kỷ lục buồn vô tiền khoán hậu ở châu Á

Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, Ấn Độ là quốc gia đóng cửa trường học lâu thứ hai trên thế giới, chỉ sau Uganda.

Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ đã đóng cửa các trường học trong vòng 82 tuần, tức là 574 ngày kể từ tháng 3/2020 đến tháng 10/2021. Còn Uganda đã đóng cửa các lớp học trong 83 tuần.

Tuy nhiên việc đóng cửa các trường học của Ấn Độ không có sự đồng nhất giữa các bang. Mỗi bang ở đây sẽ tự chịu trách nhiệm cho việc thực hiện các lệnh hạn chế của riêng mình.

Vào tháng 3 năm 2021, chính phủ Ấn Độ đã thông qua một dự luật trao quyền hành rất lớn cho một thống đốc của Delhi trong việc phê duyệt tất cả các quyết định hành pháp của thủ đô. Điều đáng nói là việc thông qua dự luật đã gây nên tranh cãi do người này chưa hề qua bầu chọn.

Vào thời điểm đó, Thủ hiến được bầu của Delhi Arvind Kejriwal đã chỉ trích đạo luật này là "vi hiến" và "phản dân chủ", đồng thời tuyên bố động thái của BJP sẽ làm quyền hạn của chính phủ đại diện bị hạn chế một cách đáng kể.

Giờ đây, với tư cách là người đứng đầu DDMA, Baijal đang chịu trách nhiệm soạn thảo và thực hiện các quy định trong thời kì đại dịch Covid-19. Ông đã ra lệnh đóng cửa các trường học ở Delhi trong gần 2 năm do lo ngại những vấn đề về sức khỏe.

Sau lần đóng cửa trường học đầu tiên vào tháng 3 năm 2020, trong thời gian còn lại của năm các trường học ở Delhi vẫn đóng cửa. Họ có mở cửa trở lại trong một thời gian ngắn vào đầu năm 2021 tuy nhiên sau đó vào tháng 4, Delhi lại buộc phải đóng cửa khi Ấn Độ trải qua làn sóng Covid-19 thứ hai kinh hoàng mang tên Delta.

Cuộc khủng hoảng do Covid gây ra tại Ấn Độ khiến mọi người nhận ra rằng chúng ta sẽ chỉ an toàn tới khi tất cả mọi người đều đã được tiêm chủng.

Các trường học đã mở cửa trở lại vào tháng 11 khi tình hình dịch ổn định hơn nhưng lại phải đóng cửa ngay do ô nhiễm không khí nghiêm trọng vào tháng 12. Và sự gia tăng nhanh chóng các ca mắc biến thể Omicron cũng khiến cho họ tiếp tục phải đóng cửa vào tháng 1/2022.

Người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Teach for India – bà Shaheen Mistry cho biết việc đóng cửa trường học có hậu quả thật sự rất nghiêm trọng.

Mistry cho biết: "Việc đóng cửa trường học sẽ có ảnh hưởng ở nhiều mức độ, và điều rõ ràng nhất đó chính là việc trẻ em "thất học" nhiều kiến thức và kỹ năng các em có thể học được ở trường.

Theo Mistry, 10% học sinh ở các trường công lập tại Delhi đã bỏ học vì đại dịch và những tác động về mặt kinh tế của đại dịch đối với các hộ gia đình nghèo.

Mistry nói: "Hậu quả là nạn tảo hôn và bạo lực trẻ em gia tăng. Dinh dưỡng cũng là một vấn đề rất lớn vì nhiều đứa trẻ phải sống dựa vào những bữa ăn ở trường. Trên thực tế chúng ta đã mất gần hai năm học. Bọn trẻ đã mất rất nhiều kiến thức và kỹ năng trong quá trình này".

Tuy nhiên, không chỉ các thành phố mới có nhiều vấn đề. Một cuộc khảo sát của tổ chức phi chính phủ địa phương có tên là Road Scholarz vào năm 2021 đối với 1.400 hộ gia đình cho thấy ở vùng nông thôn Ấn Độ chỉ 8% trẻ em học trực tuyến thường xuyên, trong khi đó có đến 37% học sinh hoàn toàn không học. Phần lớn nguyên nhân là do các em không có máy tính và điện thoại thông minh hoặc không được sử dụng những thiết bị này.

Các bé gái phải chịu nhiều thiệt thòi hơn.Tổ chức phi chính phủ Diễn đàn Quyền được Giáo dục (Right to Education Forum) ước tính rằng khoảng 10 triệu nữ sinh trung học ở Ấn Độ có thể bỏ học vì đại dịch. Điều này khiến cho các em có nguy cơ rơi vào đói nghèo, hứng chịu nạn tảo hôn, nạn buôn bán người và bị bạo lực.

Mistry nói: "Chúng ta cần chuẩn bị rằng điều này sẽ có tác động rất lâu dài.

Lo lắng và sự cô lập

Con trai của Mathur bắt đầu học trực tuyến vào tháng 3 năm 2020. Tại thời điểm đó, cậu bé không biết đọc, chưa biết đánh máy và chưa từng sử dụng ứng dụng họp trực tuyến.

Mathur nói: "Chúng tôi rất đau lòng khi nhìn thằng bé phải vật lộn với ứng dụng Zoom mỗi ngày. Con phải bật tiếng khi muốn phát biểu và tắt tiếng khi dừng, thậm chí con còn phải học cách viết trực tuyến. Làm sao mà bạn có thể học cách cầm bút chì qua mạng được cơ chứ?"

Cậu bé cũng chưa bao giờ có cơ hội được gặp gỡ các bạn cùng lớp của mình. Mathur lo lắng rằng những năm tháng đầu đời của con trai cô, (khoảng thời gian đóng vai trò cực quan trọng trong việc hình thành xây dựng nền tảng kiến thức và tính cách của trẻ) sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng vìtrường học bị đóng cửa.

Mathur nói: "Chúng tôi thực sự lo lắng về khả năng phát triển kỹ năng xã hội của con. "Thằng bé không được học và chơi với những đứa trẻ cùng tuổi. Cho dù chúng tôi cố gắng đem lại cho con một môi trường như vậy, nhưng chẳngcó nơi nào được như trường học."

Cô con gái 13 tuổi của Rubita Gidwani cũng buộc phải nghỉ học vì đại dịch, cô cho nói rằng cái giá của việc đóng cửa trường học là quá rõ ràng.

Gidwani nói: " Trẻ em đang phải đối mặt với cảm giác lo âu ngày càng nhiều. Điều này đã ảnh hưởng tới việc một đứa trẻ có được phát triển toàn diện và cảm thấy hạnh phúc hay không. "

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm vừa rồi, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc kêu gọi "các chính phủ trên thế giới hãy làm mọi thứ trong khả năng của mình" để mở cửa trường học trở lại.

Tuyên bố của UNICEF cho biết: "Chúng ta cần có những hành động quyết liệt hơn để tạo điều kiện cho mọi trẻ em quay trở lại trường học. Chúng ta cần hỗ trợ toàn diện cho trẻ, nhất là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ví dụ có thể mở lớp để giúp đỡ học sinh bắt kịp với chương trình học, hỗ trợ về vấn đề dinh dưỡng và sức khỏe tâm thần, các hoạt động bảo vệ trẻ em và những hoạt động khác."

Tháng 9 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết việc đóng cửa trường học rõ ràng đã có những tác động tiêu cựcđến tình hình sức khỏe, giáo dục và sự phát triển của trẻ.

Theo WHO, trẻ em và thanh thiếu niên thường có biểu hiện và triệu chứng Covid-19 ít và nhẹ hơn so với người lớn. Khả năng họ mắc Covid nặng cũng thấp hơn.

Một báo cáo được công bố vào tháng 11 của WHO, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2019 đến tháng 10/ 2021, số lượng trẻ em dưới 5 tuổi mắc Covid-19 trên toàn cầu chỉ chiếm 2%, trong khi đó số lượng trẻ từ 5 đến 14 tuổi chiếm 7%.

Khi Omicron lan rộng ở Ấn Độ, những cuộc tụ tập đông người đã làm dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch khác

Tuy nhiên, những biến thể mới có khả năng lây lan nhanh như Omicron đã khiến cho toàn thế giới lo ngại về những rủi ro mà trẻ em sẽ phải đối mặt, cũng như việc trẻ em có khả năng sẽ làm vi rút lây lan nhanh và mạnh hơn trong quá trình đến lớp.

Trong những tháng gần đây, những quốc gia như Vương quốc Anh, một số khu vực ở Châu Âu và Hoa Kỳ đều đang chứng kiến ​​sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron ở trẻ em. Sự gia tăng này đang đe dọa phá vỡ kế hoạch mở cửa trở lại trường học.

Tại Mỹ, chính quyền Biden đã khẳng định rằng các trường học đã được trang bị đầy đủ để mở cửa trở lại, mặc dù một số quan chức vẫn trì hoãn việc mở cửa trường học vào học kỳ mới vì lí do an toàn.

Ở Ấn Độ, theo một cuộc khảo sát huyết thanh học của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (ICMR) do chính phủ điều hành vào tháng 7/2021, hơn 2/3 dân số có thể đã đạt được một mức độ miễn dịch Covid-19,

Vào tháng bảy năm ngoái, Tổng giám đốc ICMR – ông Balram Bhargava cho biết: "Hơn một nửa số trẻ em (từ 6 đến 17 tuổi) có huyết thanh dương tính (huyết thanh có khả năng chống lại dịch bệnh) và tỷ lệ lưu hành huyết thanh (tỷ lệ người có huyết thanh kháng bệnh trong dân số) ở khu vực nông thôn và khu vực thành thị là tương đương."

Trẻ em trên 15 tuổi cũng đã bắt đầu được tiêm vắc xin. Tính đến thứ Năm vừa rồi, số lượng trẻ ở độ tuổi này đã được tiêm liều đầu tiên là hơn 43 triệu người.

Tuy nhiên, mặc dù các trường học ở các bang khác tại Ấn Độ đã dần được mở cửa trở lại thì các trường của Delhi vẫn đóng cửa. Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, Phó Thủ hiến của bang Delhi - Sisodia cho biết học trực tuyến không bao giờ có thể thay thế việc học trực tiếp. Ông nói: "Trong thời gian đại dịch Covid-19, chúng tôi luôn đặt sự an toàn của trẻ em lên hàng đầu." Đồng thời ông cũng cho biết thêm rằngmở lại các trường học là điều quan trọng phải làm.

Đối với Mathur, điều này vượt ra ngoài vấn đề về Covid. Cô nói: "Với tư cách là người làm cha làm mẹ, tôi tin rằng con cái của chúng tôi thiếu tiếng nói và thiếu sự lựa chọn. Cần có ai đó lên tiếng thay cho con cái chúng tôi."

https://cafef.vn/nhung-ngoi-truong-pha-ky-luc-toi-te-nhat-khi-bi-dong-cua-lien-tuc-trong-hon-600-ngay-vi-dich-benh-20220131001822229.chn

Hường Hoàng

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên