MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nhà máy chế biến hiện đại nhất Việt Nam và câu chuyện đầu ra cho ngành nông nghiệp

Nhiều doanh nghiệp hiện nay đã mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng cho các nhà máy chế biến sản phẩm từ nông sản.

Chỉ trong vỏn vẹn 2 tháng, Việt Nam liên tiếp có hai tổ hợp nhà máy quy mô lớn phục vụ cho việc chế biến sản phẩm từ nông nghiệp.

Đầu tiên là tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam của Tập đoàn Masan Nutri – Science có công suất thiết kế 1,4 triệu con heo/năm, tương ứng 140.000 tấn thịt/năm với tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Với nhà máy này, lần đầu tiên, thị trường thịt lợn trị giá lên đến 10,2 tỷ USD được tiếp cận với thịt mát.

Còn tại phía Nam, nhà máy chế biến rau củ quả lớn nhất Việt Nam Tanifood (Gò Dầu, Tây Ninh) do CTCP Lavifood làm chủ đầu tư đã đi vào hoạt động. Nhà máy có quy mô 15 ha, là một trong năm nhà máy công nghệ hiện đại nhất khu vực châu Á, Thái Bình Dương được đầu tư 1.780 tỷ đồng.

Tanifood chế biến được tất cả các loại trái cây, rau củ với nhiều hình thức khác nhau, công suất 150.000 tấn/năm, được kỳ vọng sẽ giảm thiểu tình trạng đổ bỏ nông sản vì giá rẻ, rủi ro thương lái, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt Nam. Nông dân Tây Ninh cũng là đối tượng trước tiên được hưởng lợi ích với thu nhập dự kiến tăng thêm 3,34 USD/m2.

Khi nhắc đến những nhà máy này, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đều gọi đó là sự kiện lớn, có ý nghĩa với ngành nông nghiệp nước nhà, đặc biệt trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang đặt mục tiêu tái cơ cấu toàn diện.

Năm 2018, ngành nông nghiệp trong nước đã đạt được những thành tựu nổi bật, trong đó, GDP toàn ngành đã tăng gần 4%, cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt ngưỡng 40 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017, kỷ lục từ trước đến nay.

Dù vậy, ông khẳng định ngành nông nghiệp sẽ không bằng lòng với những kết quả đó, buộc phải cố gắng hơn nữa. Ngành cũng đang đối diện với những khó khăn muôn thuở, trong đó phải kể đến sự tham gia sâu, tạo giá trị gia tăng trong chuỗi. Hiện chuỗi liên kết giá trị nông sản trong sản xuất còn lỏng, quy mô nhỏ lẻ dẫn đến sức cạnh tranh yếu, năng suất, hiệu quả kinh tế còn thấp.

Tại nhà máy chế biến của Masan, Bộ trưởng nói rằng ngành thịt lợn đang là điểm yếu nhất của chăn nuôi. Bởi đến thời điểm hiện tại, sản phẩm trên thị trường vẫn là thịt tươi, chế biến theo cách thức cổ truyền.

"Trong 2 năm vừa qua đã có 2 cuộc khủng hoảng thịt lợn: khủng hoảng thừa và thiếu vì truyền thông thông tin cũng như chưa có hình thức thương mại đúng. Hai trạng thái này đều không tốt cho cho sản xuất", ông Cường nói.

Tuy nhiên, việc cơ cấu ngành chăn nuôi là rất khó, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp. Ông cho biết Chính phủ, Bộ, ngành đã vào cuộc nhưng rất cần sự chuyển động từ phía các doanh nghiệp.

Chuỗi sản xuất khép kín từ chăn nuôi đến chế biến như của Masan được ông đánh giá là sự khởi đầu, từng bước giúp thịt Việt Nam cạnh tranh trên thị trường thế giới về độ an toàn, giá thành,... mà trước đây chưa làm được.

Ông cho biết đây là sự kiện của ngành nông nghiệp, cho dù dự án chỉ hơn 1.000 tỷ đồng, bởi đánh giá cao sức lan toả có thể có.

Đối với nhóm rau củ quả, Bộ trưởng Cường nói rằng trong kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD, rau củ quả chiếm 3,8 tỷ USD với diện tích sản xuất chỉ vỏn vẹn 1,6 triệu ha. Trong khi đó, lúa gạo có diện tích là 4 triệu ha chỉ xuất khẩu được 3 tỷ USD.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp cho biết nếu năm 2010 kim ngạch xuất khẩu rau củ quả đạt giá trị là 450 triệu USD thì đến năm 2018 đã đạt đến 3,8 tỷ USD. "Nếu chúng ta tập trung vào khâu chế biến, phát triển thị trường, mặt hàng này còn tạo ra giá trị cao hơn nữa", Bộ trưởng Cường nhận xét.

Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có khoảng 156 cơ sở chế biến hoa quả, chiếm 2% tổng số nhà máy chế biến nông sản, số lượng rất hạn chế. Đơn cử như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nam Bộ - được xem là vựa rau quả nhiệt đới của đất nước, cũng chỉ có 5 – 6 nhà máy.

Do vậy, Bộ trưởng cho rằng nhà máy rau củ ở Tây Ninh đánh dấu bước phát triển trong chuỗi ngành hàng, mà rộng hơn, là tái cơ cấu nông nghiệp Việt Nam. Nhà máy cũng là cú huých, tạo niêm tin rằng doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện để quản trị, đầu tư, áp dụng những công nghệ tốt nhất, cạnh tranh với thế giới.

"Nhà máy là mở màn cho yêu cầu, tập trung đầu tư của doanh nghiệp Việt cho 63 tỉnh thành. Chúng ta cần có nhiều nhà máy hơn nữa để tái cơ cấu ngành. Chúng ta cần phải coi thế giới với 7,5 tỷ dân là thị trường mà Việt Nam cần phải tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị", Bộ trưởng cho biết.

N.Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên