MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những ‘quả bom’ âm ỉ ở Ukraine có nguy cơ trở thành một thảm họa không biên giới

01-03-2022 - 13:03 PM | Tài chính quốc tế

Những ‘quả bom’ âm ỉ ở Ukraine có nguy cơ trở thành một thảm họa không biên giới

Trong các mối nguy hiểm đi kèm với các cuộc giao tranh, một mối nguy hiểm lớn hiện tại ở Ukraine vẫn đang bị đánh giá thấp.

Khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine không có dấu hiệu hạ nhiệt, các chuyên gia càng lo lắng hơn về một nguy cơ mà chưa quân đội nào từng phải đối mặt trước đây: 15 lò phản ứng điện hạt nhân đang hoạt động ở Ukraine.

Các lò phản ứng hạt nhân như một "bóng ma" đáng sợ. Nếu bị tấn công, các nhà máy điện hạt nhân này có thể sẽ trở thành mỏ phóng xạ. Các chất phóng xạ chắc chắn sẽ không phân biệt biên giới. Khi ấy, không chỉ Ukraine và Nga chịu thiệt hại nặng nề, cả châu lục có thể đối mặt với một thảm họa.

Trong các cuộc xung đột hiện đại, các nhà máy điện thường là mục tiêu phổ biến nhằm hạn chế khả năng chiến đấu của một quốc gia. Nhưng các lò phản ứng hạt nhân không giống những nhà máy điện thông thường. Chất phóng xạ có thể bị giải phóng theo nhiều cách.

Ví dụ, việc ném bom hoặc bắn pháo có thể phá vỡ hệ thống lò hoặc cắt đứt các đường dẫn làm mát quan trọng giữ cho lõi ổn định. Cuộc tấn công mạng cũng có thể làm gián đoạn hoạt động của nhà máy, gián đoạn nguồn điện ngoại vi mà nhà máy phụ thuộc.

Khi lõi của lò phản ứng bị nóng chảy, khí nổ hoặc mảnh vỡ phóng xạ sẽ thoát khỏi hệ thống ngăn chặn. Chất phóng xạ sẽ tồn đọng, lan trong không khí và nguồn nước đến hàng nghìn km. Nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng có thể gây ra sự tàn phá nặng nề nếu các kho chứa bị cháy.

Thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine là một ví dụ điển hình. Tai nạn nổ nhà máy điện hạt nhân khét tiếng thế giới vì quy mô hủy diệt chưa từng có. Diễn đàn Chernobyl của Liên Hợp Quốc ước tính rằng vụ tai nạn ở Ukraine gây ra 5.000 ca tử vong do ung thư trong hơn 50 năm. Một số nhóm môi trường cho rằng con số đó thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Thật vậy, hàng nghìn trường hợp ung thư tuyến giáp đã xuất hiện trong những năm sau khi vụ việc xảy ra.

Để tránh hấp thụ bức xạ, hàng trăm nghìn người đã phải di dời. Một vùng đất nông nghiệp và rừng rộng lớn cũng bị bỏ hoang. Trong và xung quanh lò phản ứng, các kỹ sư đã xây "cỗ quan tài" khổng lồ để chứa chất thải. Ngày nay, nhà máy đã ngừng hoạt động và một khu vực rộng lớn vẫn còn bị phong tỏa. Cuối cùng, thiệt hại kinh tế lên đến hàng trăm tỷ USD.

Nhật Bản đã thiệt hại đến hàng trăm tỷ USD sau thảm họa Fukushima năm 2011. Trong khi đó, sự cố ở Fukushima mới chỉ giải phóng bằng 1/10 lượng phóng xạ mà Chernobyl đã gây ra.

Hậu quả từ vụ nổ vẫn còn nguy hiểm trong nhiều thế kỷ. Các chuyên gia cho rằng mối đe dọa do chất phóng xạ lan trong bầu khí quyển tương đương với những rủi ro do xung đột hiện nay gây ra. Hiện tại, 15 lò phản ứng hạt nhân vẫn đang hoạt động tại 4 nhà máy điện khác nhau trên khắp Ukraine.

Những ‘quả bom’ âm ỉ ở Ukraine có nguy cơ trở thành một thảm họa không biên giới - Ảnh 1.

15 lò phản ứng hạt nhân vẫn đang hoạt động trong bối cảnh xung đột.

Các hoạt động quân sự có thể làm tăng thêm các rủi ro tiềm tàng. Một trong số đó là gây gián đoạn hoạt động của các lò phản ứng. Khi chẳng may một tên lửa, một viên đạn lạc hoặc một hành động phá hoại tác động đến các lò phản ứng hạt nhân, cơn ác mộng có thể sẽ ập đến trên toàn lục địa.

James Acton, một nhà phân tích hạt nhân của Carnegie Endowment for International Peace, đã viết trong một báo cáo hôm 24/2 rằng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng điện của Ukraine có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về an toàn hạt nhân. Các lò phản ứng cần nguồn cung cấp điện và nước ổn định, mà cả hai lại có thể bị đe dọa bởi hành động quân sự. Và sau đó là yếu tố con người.

Acton cho biết đối với các nhân viên nhà máy điện hạt nhân Ukraine, việc di chuyển đến nhà máy cũng có thể là một hành động nguy hiểm. Những người vận hành nhà máy cũng có thể bỏ chạy vì sợ bị bắn hoặc bị đánh bom. Điều này khiến việc đảm bảo vận hành cho các lò phản ứng trở thành môt thách thức tiềm tàng.

Trong trường hợp xảy ra tai nạn, nhân viên dự phòng, chẳng hạn như nhân viên cứu hỏa không thể đến được nhà máy. Đặc biệt là vì họ có thể còn đang tham gia các hoạt động cứu trợ dân sự.

Các giám sát viên tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) cho biết họ rất lo ngại về tình hình hiện tại. Họ cố gắng giữ liên lạc với các cơ quan quản lý an toàn hạt nhân Ukraine. Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi cho biết: "IAEA đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến ở Ukraine, đặc biệt tập trung vào sự an toàn và an ninh của các nhà máy điện hạt nhân của họ".

Theo báo cáo của các giám sát viên, các chỉ số bức xạ tại Chernobyl hiện đang thấp và nằm trong phạm vi bình thường. IAEA cho biết các chỉ số phóng xạ tăng cao có thể là do các phương tiện quân sự khuấy động đất bị ô nhiễm từ vụ tai nạn năm 1986.

Tổng hợp

https://cafef.vn/nhung-qua-bom-am-i-o-ukraine-co-nguy-co-tro-thanh-mot-tham-hoa-khong-bien-gioi-20220301103013957.chn

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên