MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo hiểm tôm nuôi: Lắm nhiêu khê, nhiều bất cập

04-05-2013 - 19:55 PM |

Nhìn lại việc thực hiện thí điểm chỉ riêng đối với con tôm nuôi tại một số địa phương được bảo hiểm tôm nuôi trong thời gian qua cho thấy nổi lên một số bất cập.

Theo Quyết định số 315/TTg của Thủ tướng Chính phủ (về thực hiện thí điểm bảo hiểm (BH) nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2013), người nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau là đối tượng được BH.

Khi ban hành quyết định này, Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ mục đích nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp nói chung chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Thế nhưng, nhìn lại việc thực hiện thí điểm chỉ riêng đối với con tôm nuôi tại một số địa phương kể trên thời gian qua cho thấy nổi lên một số bất cập.

Nỗi khổ của “Thượng đế”

Ông Lâm Văn Khiếm, Chủ nhiệm HTX nuôi tôm công nghiệp Tân Long, xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), cho biết, để giảm bớt gánh nặng rủi ro khi chẳng may tôm bị thiệt hại, nhiều hộ dân nuôi tôm đã bỏ tiền ra để mua BH cho vuông tôm của mình. Tuy nhiên, mua BH rồi, tới chừng tôm chẳng may bị chết, phía doanh nghiệp (DN) bán BH lại làm khó bà con đủ điều, chủ yếu là về thẩm quyền và thủ tục giải quyết.

Theo lời của nhiều nông dân, trong hợp đồng đã được ký, trách nhiệm của bên đơn vị BH được ghi rất rõ là khi tôm thiệt hại được xác minh thì trong 30 ngày, công ty phải bồi thường. Thực tế thì không phải thế.

Ông Nguyễn Văn Khởi - HTX nuôi tôm công nghiệp xã Hoà Mỹ, kể khi ông đến hỏi thường nhận được câu trả lời quen thuộc từ đại lý BH: "Ráng chờ thêm vài ngày!”. Cứ thế thời gian trôi qua đã hơn 4 tháng nay – tính từ lúc xác minh hợp đồng, nhiều thành viên của HTX đến giờ chưa được chi trả BH.

Theo quy trình xác minh tôm bị dịch bệnh mà Bảo Minh Cà Mau – đơn vị đã ký được khoảng 1.800 hợp đồng với người nuôi tôm Cà Mau, thực hiện thì diện tích ao nuôi bị dịch bệnh được sự xác nhận theo quy trình từ UBND cấp xã, chi cục thú y, phòng nông nghiệp huyện.

Khi đủ thủ tục vừa kể, đại lý của Công ty Bảo Minh hoàn thiện hồ sơ với khoảng thời gian 30 ngày không tính ngày lễ và chủ nhật. Có điều, ông Trịnh Hoàng Khanh, Giám đốc BH Bảo Minh Cà Mau cho biết theo quy định của Tổng Công ty, những hợp đồng trên 200 triệu đồng thì nơi đây không đủ thẩm quyền giải quyết, dù tài khoản ngân hàng của đơn vị mở thấu chi 500 triệu đồng/ngày.

Một cán bộ Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho rằng thực tế vừa kể là một vướng mắc trong sinh kế đối với người nuôi tôm đã mua BH bởi nuôi tôm là nghề duy nhất của nhiều nông dân. Bao nhiêu vốn liếng họ dồn vào đó.

Không được bồi thường theo hợp đồng BH, nhiều bà con không thể đầu tư tái sản xuất, trong khi phải mua con giống, phân, thuốc, hoá chất và thức ăn ký nợ. Nếu tình trạng này kéo dài thì người nuôi tôm trong tỉnh sẽ khó mặn mà với loại hình BH này.

Đục nước béo cò và bảo hiểm...sạt nghiệp!

Báo CAND cách nay chưa lâu từng phản ánh tình trạng trục lợi BH tôm tại Sóc Trăng. Và đã có người nuôi tôm là đảng viên bị kỷ luật đảng do vi phạm về quy định thí điểm BH theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ.

Ông Quách Pái, Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Sóc Trăng cho biết, vụ nuôi tôm 2012 vừa qua, cả tỉnh có tới hơn 5.000 hợp đồng BH tôm bị thiệt hại. Công ty đã tiến hành thẩm định và trả bồi thường cho người nuôi tôm trên 4.700 hồ sơ, số tiền trên 213 tỷ đồng – vượt gấp 3 lần số tiền mà DN thu được nhờ bán hơn 6.000 hợp đồng BH với người nuôi tôm trước đó.

Có lý giải cho việc DN bán BH tôm thua lỗ nặng nề như vừa kể là do công tác quản lý, giám sát không chặt chẽ dẫn tới tình trạng gian lận trong chi trả BH đã xảy ra.

Một hiện tượng đáng ngại khác mà PV vừa được nông dân Sóc Trăng, Bạc Liêu phản ánh, đó là một số đại lý kinh doanh thức ăn tôm  có biểu hiện trục lợi. Biết sau liên tiếp nhiều vụ nuôi bị trắng tay, nông dân đang thiếu vốn tái sản xuất và không đủ điều kiện để tham gia chương trình thí điểm BH theo Quyết định 315, một số đại lý thức ăn tôm đã đứng ra cung cấp con giống, thức ăn để các hộ này tiếp tục nuôi và tham gia chương trình BH.

Ông Nguyễn Hoàng Kha, một hộ nuôi tôm tại xã Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) cho biết, các đại lý cung cấp con giống, thức ăn cho nông dân đã khai khống tăng giá tôm giống, giá thức ăn; khai tăng mật độ nuôi thả.

Chẳng hạn, đại lý lấy giống tôm thẻ chân trắng không rõ nguồn gốc với giá 27 đồng/con, về bán lại cho bà con nông dân với giá cao gấp 3 lần, tức 85 đồng/con. Thức ăn có giá 27.000 đồng/kg thì họ kê lên tới 40.000 đồng/kg. 1m2 mặt ao chỉ thả vài chục con giống nhưng trên giấy tờ lại kê khai 100 con/m2.

Khi có xảy ra tình huống tôm bị chết, theo quy định thì người nông dân sẽ được chi trả BH nhưng thực chất, đối tượng hưởng lợi lại chẳng ai khác ngoài các đại lý. Họ hưởng đối với phần tăng khống, còn người nông dân chỉ được nhận số tiền bồi thường theo thỏa thuận riêng với từng đại lý.

Ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu bày tỏ kinh nghiệm từ địa bàn mình rằng để người nông dân được hỗ trợ từ chính sách đúng đắn này, cần có giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót thời gian qua; phối hợp làm rõ các hành vi gian lận, các tiêu cực trong BH tôm nuôi, hạn chế đến mức thấp nhất những vụ việc tiêu cực để giúp địa phương thực hiện tốt việc BH tôm nuôi.

Theo Binh Huyền

khanhnt

Công an nhân dân

Trở lên trên