MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá ngừ đại dương: Khó tăng trưởng dịp cuối năm

08-10-2013 - 13:50 PM |

Dù không gặp áp lực về rào cản thương mại như tôm, cá tra, cá da trơn, nhưng ngành cá ngừ Việt Nam lại đang suy giảm nghiêm trọng về chất lượng.

Sụt giá mạnh

Theo Tổng cục Thủy sản, trong tháng 9, việc khai thác cá ngừ tiếp tục giảm ước tính chỉ đạt khoảng 13.000 tấn, giảm 5,7%. Tại Phú Yên, sản lượng 9 tháng chỉ đạt khoảng 4.200 tấn, giảm tới 30,6%. Tại Bình Định ước đạt 7.406 tấn, giảm 4%, Khánh Hòa ước đạt 2.600 tấn.

Sản lượng khai thác giảm cũng khiến việc xuất khẩu gặp khó. Xuất khẩu cá ngừ tiếp tục giảm sâu với tốc độ trên 20% trong những tháng gần đây. Xuất khẩu trong tháng 8 giảm 25% và trong tháng 9, tiếp tục giảm trên 33%. Xuất khẩu 9 tháng đầu năm chỉ đạt khoảng 405 triệu USD, giảm 7%. Với đà sụt giảm này, ước tính xuất khẩu cá ngừ năm nay đạt khoảng 540 triệu USD, giảm khoảng 5% so với năm ngoái.

Giá cá ngừ cũng ở mức thấp nhất trong 10 năm qua. Thời điểm này năm trước, cá ngừ câu vàng truyền thống luôn giữ giá cao từ 180.000 - 200.000 đồng/kg thì nay sụt giảm mạnh, chỉ còn ở mức 110.000 - 120.000 đồng/kg. Nhiều ngư dân làm nghề câu vàng truyền thống cũng chỉ hòa vốn, thậm chí bị lỗ. Giá cá ngừ khai thác bằng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp còn thấp hơn nhiều lần, chỉ dao động ở mức 50.000 - 55.000 đồng/kg

Mở rộng thị trường xuất khẩu

Lý giải nguyên nhân sụt giảm trên, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam cho biết: Do chi phí nhiên liệu tăng cao. Được biết, chi phí nguyên liệu cho mỗi chuyến ra khơi chiếm khoảng 2/3 chi phí chung. Tuy có những tháng xăng dầu sụt giảm nhưng phần lớn ngư dân vẫn phải mua với giá cao, cộng thêm giá các loại vật tư, lương thực, thực phẩm, nước đá, ngư cụ, nhân công cũng không ngừng tăng cao từ 10 - 15%. 

Trong khi đó, giá thủy sản khai thác lại bấp bênh, phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường. Việc tiêu thụ cá ngừ phần lớn qua trung gian nên xuất hiện tình trạng thương lái tranh mua, tranh bán, ép giá ngư dân. Chính vì thế, một số tàu đánh bắt có công suất lớn hiện nay đã tạm ngưng hoạt động. Tại Phú Yên, có thời điểm, chỉ có 117/973 số tàu khai thác cá ngừ hoạt động, gần 90% số còn lại rơi cảnh nằm bờ.

Bên cạnh đó, ngành cá ngừ đã gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2012. Do thay đổi phương pháp khai thác, chủ yếu dùng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng đèn cao áp dẫn tới năng suất tăng nhưng chất lượng cá ngừ hiện không đảm bảo chất lượng theo tiêu chí của các nhà nhập khẩu, giá cả giảm mạnh, chỉ còn khoảng 50 - 60% cá ngừ đại dương của nghề câu vàng. Trong khi trước đó, việc đánh bắt cá ngừ bằng phương pháp câu vàng, lượng cá ít, DN cạnh tranh thu mua nên giá cả ổn định hơn.

Đồng thời, phương pháp và thiết bị bảo quản sau thu hoạch trên tàu của ngư dân còn thô sơ cũng ảnh hưởng chất lượng cá. Nhiều ngư dân đã chuyển sang nghề lưới cản và khai thác cá ngừ sọc dưa nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. 

Trong thời gian tới, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), mở rộng thị trường xuất khẩu cũng đang là hướng đi được chú trọng. Vasep cho biết: Thời gian qua, các DN Việt đã quá chú trọng xuất khẩu thăn cá ngừ hấp chín đông lạnh sang EU để hưởng ưu đãi thuế quan nên đã bỏ ngỏ thị trường ASEAN. Song, hiện nay các nước ASEAN đang trở thành thị trường mục tiêu trong chiến lược mở rộng thị trường xuất khẩu cá ngừ của các DN xuất khẩu trong khu vực. Do đó, các DN Việt từ nay tới cuối năm còn gặp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước láng giềng.

Theo N.Nga

khanhnt

Đại đoàn kết

Trở lên trên