MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đất không dung cây mía!

23-11-2013 - 13:57 PM |

Liệu ngành chế biến đường trong nước còn có thể gắng sức để chịu đựng thêm được bao lâu nữa, khi không ít nông dân đã quá ngán ngẫm cây mía.

Tồn kho lớn, giá thành cao, ngành mía đường liên tục kêu cứu để có điều kiện xuất khẩu đường với giá thấp hơn giá thành sản xuất, hạn chế mức lỗ gia tăng theo thời gian.

Trong khi đó, thị trường đường trong nước cùng lúc phải chịu nhiều “mũi giáp công” từ: nhập khẩu đường chính ngạch, đường lậu, đường tạm nhập…

Liệu ngành chế biến đường trong nước còn có thể gắng sức để chịu đựng thêm được bao lâu nữa, khi không ít nông dân đã quá ngán ngẫm cây mía và những người làm quy hoạch cây trồng, vật nuôi ở các địa phương cũng không khó để nhận ra cây mía là cây kém hiệu quả so với rất nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác.

Ngành đường yếm thế

 

Đường lậu vẫn công khai trong vận chuyển, mua bán trong nội địa

Theo cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – NN&PTNT), tính đến giữa tháng 10.2013, lượng đường tồn kho tại các nhà máy khoảng 159.500 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 49.000 tấn. Giá đường bán ra trong tháng này giảm so với tháng trước khoảng 500đồng/kg. Trong khi đó, theo bộ NN&PTNT, trong tháng 9.2013, bộ Công thương đã cấp quota nhập khẩu 73.000 tấn đường cho các đơn vị nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch hiệp hội Mía đường Việt Nam VSSA nói: “Thực tế này đẩy các doanh nghiệp ngành mía đường vào thế phải đối mặt với nguy cơ phá sản”.

Áp lực này càng nặng nề hơn với các nhà máy đường khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bởi chi phí sản xuất đường mía tại vùng này thuộc hàng cao nhất cả nước do phải thường xuyên sử dụng nguyên liệu mía non, chữ đường thấp.

Thống kê của VSSA, bình quân để sản xuất 1kg đường RS, các nhà máy đường ĐBSCL cần hơn 13,5kg mía nguyên liệu chữ đường bình quân 8,5CCS.  Bên cạnh đó, theo ông Phạm Quang Vinh, giám đốc nhà máy đường Phụng Hiệp (tỉnh Hậu Giang), chi phí phát sinh thêm khoảng 130.000 đồng/tháng/tấn cho việc lưu kho đường, trong khi đó giá bán đường ngày càng giảm. Dù vậy, trên thị trường giá đường nhập lậu – ước tính của VSSA khoảng 500.000tấn/năm, tùy thời điểm luôn thấp hơn đường sản xuất trong nước khoảng 1.000đồng/kg.

Trong khi giá thành sản xuất mía ở khu vực ĐBSCL thường ở mức khoảng 800đồng/kg (bình quân 8,5CCS) thì chủ tịch VSSA, ông Nguyễn Thành Long cho biết, giá mía trồng thử nghiệm tại những vùng đất giáp ranh thuộc Campuchia chỉ khoảng 700đồng/kg đối với mía 11 – 12CCS. Về chất lượng mía thì ở Thái Lan, để sản xuất 1kg đường người ta chỉ cần khoảng 8kg mía nguyên liệu.

Cây mía hết thời

 

“Ước tính giá thành sản xuất mía năm nay khoảng 780 đồng/kg, nên người trồng mía chịu lỗ 10 – 15 triệu đồng/ha.”

Phải bán mía với giá 650đồng/kg, ông Nguyễn Văn Ấn ở xã Hòa An (huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) than phiền: “Nếu bán được giá trên 800đồng/kg còn kiếm lời được chút đỉnh, chứ giá này thì nợ chồng chất nợ.”

Theo ông Ấn, lân cận với ông có nhiều người trồng mía từ những năm trước đã lần lượt chuyển sang trồng các loại cây lâu năm như: bạch đàn, tràm, trúc… bởi “vùng đất này trồng mía lỗ liên tục, mà muốn chuyển sang trồng lúa cũng không được vì chim, chuột trong rừng cây sẽ ra phá hết!” ông Ấn ngán ngẫm.

Mùa này, dù xí nghiệp đường Vị Thanh (công ty CP. Mía đường Cần Thơ – Casuco) công bố thu mua mía 10CCS với giá 955.000đồng/tấn. Nhưng lái mía Nguyễn Văn Ân, thương lái cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy đường ở tỉnh Hậu Giang cho biết, vùng mía Phụng Hiệp mùa này chữ đường cao nhất cũng chỉ khoảng 8CCS, gần đây 70% sản lượng mía về nhà máy chỉ khoảng 5 – 6CCS, nên giá mua tại rẫy chỉ ở mức 600 – 650đồng/kg.

Giá mía rẻ do rớt chữ đường, nhưng vùng mía nguyên liệu thuộc huyện Phụng Hiệp hiện còn hơn 1.300ha mía - trong tổng số 9.553ha đã xuống giống trong niên vụ 2012 – 2013, đã bị ngập gốc trong nước hơn 20 ngày chưa thu hoạch, lỗ lã sẽ càng lớn hơn.

Ông Nguyễn Thế Tự, trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Ước tính giá thành sản xuất mía năm nay khoảng 780 đồng/kg, nên người trồng mía chịu lỗ 10 – 15 triệu đồng/ha.”

Các nhà máy đường gặp khó trong tiêu thụ sản phẩm nên cũng không thể nâng giá mua hỗ trợ nông dân khi mía nguyên liệu có chất lượng thấp. Theo đánh giá của ông Tự, chỉ có những vùng mía cho năng suất 130 – 140tấn/ha thì may ra người trồng có thể huề vốn hoặc lỗ ít.

Trong khi đó, “trên cùng đơn vị diện tích, nếu nông dân trồng chuối, thu nhập vẫn cao hơn so với trồng mía”, ông Tự khẳng định.

Do vậy, ông Tự cho biết: “Những năm tới, huyện Phụng Hiệp sẽ chỉ giữ lại 5.000ha đất trồng mía nguyên liệu trong những vùng đê bao hiện có, phần còn lại sẽ khuyến khích, hỗ trợ nông dân chuyển sang trồng các loại cây có múi, cây ăn trái khác, hoặc trồng lúa để nâng dần mức sống cho họ. 

Niên vụ 2012 – 2013 diện tích trồng mía ở tỉnh Sóc Trăng chỉ đạt khoảng 13.280ha mía, giảm hơn 670ha so với niên vụ trước. Vùng mía nguyên liệu huyện Cù Lao Dung trước đó lên tới gần 8.000ha, nhưng theo ông Phan Hồng Văn, PCT UBND huyện này, diện tích mía sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm dần trong mục tiêu cải tạo đất và chuyển sang các loại cây trồng khác để tăng hiệu quả sản xuất.

Cũng trong niên vụ này, tỉnh Trà Vinh chỉ trồng khoảng 5.100ha mía nguyên liệu, giảm hơn 1.000ha. Xã Lưu Nghiệp Anh (huyện Trà Cú), nơi có diện tích mía đã giảm khoảng 20ha so năm trước, chủ tịch UBND xã, ông Thái Hoàng Đang cho biết: “Nông dân phá bỏ mía, đào ao nuôi cá lóc đang cho lợi nhuận rất cao”.

Nhiều năm qua, không ít nhà máy đường ở ĐBSCL đã trang bị điều kiện tốt hơn phục vụ sản xuất cho nông dân trồng mía tại các vùng nguyên liệu như: kỹ thuật, giống mới, máy móc thiết bị… và hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, trong lúc năng lực tài chính của các doanh nghiệp ngành mía đường ngày càng giảm, khó bề đáp ứng kịp yêu cầu của nông dân khi điều kiện sản xuất của họ ngày một khó khăn hơn. 

Diện tích mía thu hẹp, nguyên liệu giảm đồng nghĩa với việc các nhà máy đường giảm sản lượng, giá thành đường sẽ tăng, áp lực cạnh tranh gay gắt hơn. Mục tiêu phát triển toàn chuỗi ngành mía đường sẽ càng mong manh.

Theo Hồng Ngọc

khanhnt

Một thế giới

Trở lên trên