MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá giảm, hàng ế kiểu gì thì doanh nghiệp vẫn có lãi

02-12-2013 - 07:56 AM |

Một chuyên gia nông nghiệp cho hay DN xuất khẩu nông sản kêu khổ, than lỗ vì giá giảm nhưng đầu vào DN đã mua giá rẻ thì có bán giá rẻ DN vẫn có lãi.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT, giá trị của các mặt hàng nông sản chính chỉ đạt khoảng 12 tỉ USD, giảm hơn 11% so với cùng kỳ 2012.

Nguyên do không chỉ bởi sản lượng giảm mà giá xuất khẩu giảm sút mạnh, nếu tính giá trị thiệt hại mà xuất khẩu nông sản lên đến 1,5 tỉ USD so với cùng kỳ.

Tưởng chừng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cũng chịu chung số phận với người nông dân nhưng thực ra là ngược lại. Một chuyên gia nông nghiệp cho hay DN xuất khẩu nông sản kêu khổ, than lỗ vì giá giảm nhưng đầu vào DN đã mua giá rẻ thì có bán giá rẻ DN vẫn có lãi. Điều đó giải thích vì sao có giai đoạn DN xuất khẩu gạo Việt Nam giảm giá bán gạo tới mức thấp nhất thế giới. Nói là để tạo thế cạnh tranh, tiêu thụ lúa hàng hóa cho nông dân nhưng thực ra DN có giảm giá bán thì vẫn có lợi nhuận vì đã mua được giá gạo nội địa với giá rẻ mạt. 

Đấy là chưa nói chuyện DN xuất khẩu gạo được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ, vay vốn với lãi suất 0% khi thu mua tạm trữ lúa gạo. Như vụ đông xuân, với số vốn 7.600 tỉ đồng được cấp, số tiền lãi suất mà DN xuất khẩu gạo hưởng lợi lên tới 300 tỉ đồng. Và với 7.000 tỉ đồng cho vụ hè thu, DN không phải trả số tiền lãi suất đáng lẽ phải đóng trong ba tháng lên tới 200 tỉ đồng. 

Như vậy cả năm 2013, DN xuất khẩu gạo hưởng không 500 tỉ đồng từ chương trình thu mua tạm trữ của Chính phủ. Trong khi sản lượng lúa được nông dân bán trực tiếp cho DN xuất khẩu gạo chỉ chiếm hơn 5% trong tổng sản lượng hơn 7 triệu tấn gạo xuất khẩu, phần lớn nông dân nhiều vùng phải bán lúa dưới giá thành sản xuất chịu lỗ.

Quay lại hạt cà phê, nhiều thông tin cho biết DN lớn bị phá sản hàng loạt, bế tắc xuất khẩu nhưng thật sự lúc này thiệt hại đang thuộc về nông dân. DN phá sản nợ nần nguyên do đầu tư trái ngành. Còn bế tắc xuất khẩu lúc này thì do chính DN không còn cà phê trong kho để mà bán nữa, họ đã bán hết thu lợi từ trước khi giá còn chưa giảm. Nông dân là người thiệt khi cà phê còn trong nhà mà vụ thu hoạch cũng đã đến, bán ra lúc này lỗ nặng, không bán cũng chết.

Sự hỗ trợ từ Chính phủ, bộ, ngành là cần thiết cho các ngành nông sản xuất khẩu lúc này cần cho đúng đối tượng, đúng cách và đúng thời điểm. Còn cứ mang tiếng hỗ trợ nông dân mà vẫn giữ lối mòn như kiểu thu mua tạm trữ thì làm cũng như không.

Theo Quang Huy

khanhnt

Pháp luật TPHCM

Trở lên trên