MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá thực phẩm tăng: Nông dân vẫn lo thua lỗ

06-11-2013 - 07:20 AM |

Sau một thời gian dài thua lỗ, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã bỏ chuồng nhưng hơn 2 tháng nay giá thịt gia súc, gia cầm (GSGC) bắt đầu tăng, người dân đã có lãi.

Còn khoảng 3 tháng nữa đến Tết Nguyên đán nên đây cũng là thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn mạnh để phục vụ thị trường cuối năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, người dân vẫn không mặn mà với việc tái đàn như các năm trước...

Nông dân lãi một, thương lái lãi mười

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), hiện nay, giá các loại thịt GSGC đã bắt đầu tăng trở lại, lợn tại các trang trại (TT) đang bán với giá 47.000-48.000 đồng/kg, cho lãi 1.000-2.000 đồng/kg. Giá gà công nghiệp lông trắng đang bán với giá 33.000-34.000 đồng/kg, gà lông màu trên 50.000 đồng/kg…, cũng là mức giá mà người chăn nuôi có lãi chút ít.

Thông thường khi giá tăng thì người chăn nuôi sẽ tái đàn mạnh, nhưng năm nay, do tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn nên nhiều hộ không dám tái đàn như trước vì khó đoán được giá cả thị trường và nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt là dịch bệnh trên đàn GSGC vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là các tháng cuối năm do thời tiết thay đổi thuận lợi cho các chủng virút xuất hiện đã ảnh hưởng đến tâm lý người chăn nuôi.

Anh Phạm Văn Thịnh, hộ nuôi lợn ở Thanh Oai đã bỏ chuồng khoảng 1 năm nay do không có lãi. Hiện giá lợn đang có xu hướng tăng trở lại, gia đình anh dự kiến nuôi 20 con để phục vụ Tết nhưng do không có vốn để mở rộng đầu tư cộng với nhu cầu tiêu dùng năm nay rất khó xác định, nên chỉ dám nuôi 10 con lợn.

Ngoài ra, theo anh Thịnh, do giá cả không ổn định, bị thương lái ép giá… nên mặc dù giá thực phẩm bán tại thị trường đang tăng khoảng 20% so với các tháng trước nhưng người chăn nuôi cũng chỉ lãi ít, hộ nào nuôi không khéo chỉ hòa vốn.

Phó Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Văn Minh cho biết, thực tế các hộ chăn nuôi chỉ nhập đàn mới về nuôi rất ít, vừa do thiếu vốn, vừa sợ thua lỗ vì không biết giá cả thị trường thời gian tới. Hơn nữa, do chưa biết cách xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm từ sản xuất tới tiêu thụ nên từ người sản xuất tới người tiêu dùng ít nhất phải qua 3-5 khâu trung gian, vì thế giá thực phẩm có tăng, người chăn nuôi lãi một thì thương lái lãi tới 10.

Không để tình trạng thương lái ép giá

Các TT chăn nuôi đều cho rằng, để tránh có sự tăng giá đột biến trong các chương trình bình ổn giá của Nhà nước, một mặt Nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm được vay vốn mua thực phẩm và bán với giá ưu đãi, mặt khác cần hỗ trợ vốn trực tiếp cho các TT chăn nuôi lớn là những hộ sản xuất để họ có nguồn vốn tái đàn mạnh nhằm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới.

Ông Hoàng Trọng Long, chủ TT chăn nuôi lợn ở Thanh Oai cho biết, trung bình một tháng TT cung cấp khoảng 55 tấn thịt lợn, trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nếu có vốn, TT dự kiến sẽ cung cấp trên 200 tấn thịt/tháng. Vì vậy, để giúp người chăn nuôi tái đàn mạnh trong thời gian này nhằm cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng, thì chính sách hỗ trợ về vốn như khoanh nợ cũ, vay món mới với lãi suất ưu đãi đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, Nhà nước nên hỗ trợ cho các TT chăn nuôi lớn xây dựng các mô hình chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm để thuận lợi về đầu ra và tăng giá bán tại trại.

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho biết, để tránh tình trạng thiếu thực phẩm trong những tháng cuối năm và xảy ra tăng giá đột biến, ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn của Nhà nước, người chăn nuôi cũng cần tự đổi mới hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, để từng bước khắc phục tình trạng giá thực phẩm tại chợ tăng mà người chăn nuôi không có lãi nhiều, các hộ chăn nuôi cần liên kết, thành lập các HTX để có thể trực tiếp mua thức ăn từ các nhà máy chế biến, tránh qua các khâu trung gian làm đội giá thành, đồng thời bán hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước, để không xảy ra tình trạng bị thương lái ép giá.

Các địa phương cần hỗ trợ cho các TT trong xây dựng thương hiệu sản phẩm để bán hàng cho các siêu thị và tiến tới xuất khẩu thịt, mở các lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ nghiên cứu thị trường… để họ có thể nắm bắt được nhu cầu tiêu dùng và đưa ra những giải pháp hợp lý trong sản xuất kinh doanh.

Theo Ngọc Quỳnh

khanhnt

Hà Nội mới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên