MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản lý thị trường thực phẩm: Giải pháp nào? (Kỳ 1)

20-05-2013 - 11:18 AM |

Nguồn thực phẩm trong nước đã thiếu an toàn, cộng thêm thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc tràn lan trên thị trường hiện đã lên tới mức “báo động đỏ”.

Kỳ I: "LOẠN THỊ TRƯỜNG THỰC PHẨM"

Thời gian gần đây, người tiêu dùng cả nước lại hoang mang về tình hình thực phẩm có nguy cơ nhiễm bệnh dịch. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.

Những con số buồn

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2011, trong tổng số 17.129 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, mới có 617 cơ sở giết mổ tập trung, chiếm tỷ lệ 3,6%, số điểm giết mổ nhỏ lẻ là 16.512 điểm, chiếm tỷ lệ 94,4%. Hiện tại, mới kiểm soát được 7.281 cơ sở (trong đó khoảng 22,1% đạt yêu cầu vệ sinh thú y); tỷ lệ động vật được kiểm soát giết mổ chiếm 58,1%.

Về quy hoạch vùng sản xuất rau, cây ăn quả an toàn, năm 2011, mới có 43 tỉnh, thành phố thực hiện, diện tích đủ điều kiện sản xuất rau an toàn đạt 8,5%, cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%, số còn lại do sản xuất nhỏ lẻ, không trong vùng quy hoạch nên khó kiểm soát.

Kết quả kiểm tra mẫu thịt lợn, gà tại 17 tỉnh, thành phố cho thấy: 15,6% số mẫu thịt lợn năm 2011 và 10% số mẫu năm 2012 nhiễm Salmonella, 38,7% số mẫu thịt gà nhiễm Ecoli. Đối với rau quả có tới 50% mẫu nhiễm vi sinh vật, 25% có độc tố tự nhiên và 25% nhiễm các hóa chất (chủ yếu trong quá trình bảo quản). 

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến hết tháng 11/2012, qua kiểm tra 563.171 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã phát hiện 119.489 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong năm 2011 trên phạm vi 46/53 tỉnh, thành phố xảy ra 148 vụ ngộ độc thực phẩm với 4.700 người bị ngộ độc, 3.663 người phải nhập viện, 27 người chết . Năm 2012, số vụ ngộ độc thực phẩm tăng 18,8%.

Có thể thấy, nguồn thực phẩm trong nước đã thiếu an toàn, cộng thêm thực phẩm nhập lậu từ Trung Quốc tràn lan trên thị trường hiện đã lên tới mức “báo động đỏ”.

Khó kiểm soát thị trường thực phẩm

Theo ông Nguyễn Xuân Thắng - Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, việc quản lý, kiểm soát thị trường thực phẩm là vấn đề nan giải, không thể giải quyết một sớm một chiều.

Đối với thực phẩm trong nước, tình trạng sử dụng thuốc thực vật, chất kích thích trong chăn nuôi và trồng rau đối với nhiều vùng nông thôn hiện khá phổ biến và khó có thể kiểm soát được. Từ ngọn, quả bí xanh, ngọn xu xu, rau mồng tơi, rau muống, dưa chuột... đa phần đều bị phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, đến chất tạo nạc trong chăn nuôi. Người tiêu dùng, nhất là ở khu vực thành phố, đứng trước hàng ngàn sản phẩm thật giả lẫn lộn, luôn ám ảnh nỗi lo thực phẩm có đảm bảo chất lượng, an toàn không?

Thực phẩm từ bên ngoài cũng nan giải không kém. Hàng nhập lậu từ Trung Quốc được bày bán tràn lan, đủ loại, từ gà, trứng gà, cá tầm, ếch, cá lóc, gừng, chanh đến các loại chất phụ gia, hoa quả... Các cơ quan chức năng thừa nhận, tình trạng nhập lậu thực phẩm, nông sản nói riêng và các loại hàng hóa khác nói chung qua đường biên giới phía Bắc ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Về mặt khách quan, bản thân Trung Quốc cũng không thể kiểm soát được tình trạng sản xuất chất tăng trọng, thức ăn gia súc hay chế biến thịt bò và thịt cừu giả, thịt thối và các sản phẩm từ thịt độc hại. Mới đây, Bộ Công an Trung Quốc đã xác nhận, cảnh sát nước này đã phá hơn 2.000 vụ, bắt giữ gần 3.600 người liên quan. Trong số đó có hơn 900 người bị cáo buộc đã sản xuất và bán 20.000 tấn sản phẩm thịt hư, thịt kém phẩm chất. Vì vậy, tình trạng tuồn hàng sang Việt Nam sẽ vẫn còn phức tạp.

Nguyên nhân khiến việc kiểm soát thực phẩm, nông sản nhập lậu từ Trung Quốc gặp khó là vì lợi ích từ việc buôn lậu quá lớn; đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, có tổ chức, liều lĩnh; đường biên giới dài (gần 1.500 km), chạy qua 7 tỉnh, địa hình phức tạp; lực lượng chống buôn lậu mỏng, thiếu phương tiện...

Theo Đình Dũng

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên