MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Siết rau củ ngoại

14-08-2014 - 09:02 AM |

Các loại nông sản, trái cây và rau củ nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng nhiều do mức tiêu thụ của thị trường.

Để làm rõ hơn về những lo ngại liên quan tới chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là quy trình kiểm tra xử lý doanh nghiệp vi phạm như thế nào, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) về những nội dung liên quan. 

- PHÓNG VIÊN: Ông có thể cho biết hiện nay quy trình kiểm tra nông sản ngoại của chúng ta được triển khai như thế nào?

Ông NGUYỄN XUÂN HỒNG: Hiện nay, việc kiểm tra các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, bao gồm rau củ quả và nhiều loại nông sản khác đang được thực hiện theo nội dung Thông tư 13 của Bộ NN-PTNT quy định. 

Theo đó, để được xuất khẩu thực phẩm có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam, nước xuất khẩu phải gửi hồ sơ đăng ký tới cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam là Cục Quản lý nông lâm thủy sản (có sự phối hợp của Cục Bảo vệ thực vật) để thẩm định hồ sơ - trong đó chúng tôi sẽ kiểm tra quy trình sản xuất của các loại nông sản được nhập khẩu vào Việt Nam như thế nào, các loại thuốc bảo quản, bảo vệ thực vật trong quá trình bảo quản, sơ chế là gì... 

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể tổ chức đoàn đi kiểm tra tại gốc của nước có nông sản dự kiến xuất vào Việt Nam. Nếu hồ sơ có đủ điều kiện mới đưa vào danh sách được phép nhập khẩu vào Việt Nam.

Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ, khi hàng vào tới cửa khẩu Việt Nam thì sẽ áp dụng quy định kiểm tra thông thường: các lô hàng được lấy mẫu với tần suất là 10% và kiểm tra hồ sơ tại cửa khẩu xem hàng có nằm trong danh sách nước được phép nhập vào Việt Nam. Đồng thời, các trạm kiểm dịch cũng sẽ kiểm tra ngoại quan về quy cách đóng gói, bảo quản. Nếu đảm bảo và hàng đang ở trường hợp chỉ phải kiểm tra thông thường thì sẽ được thông quan ngay mà không phải giữ lại. Các trạm kiểm dịch chỉ giữ mẫu để hậu kiểm.

Những mẫu được giữ lại, khi kiểm tra mà an toàn thì các lô tiếp theo của chủ hàng và nguồn hàng đó vẫn tiếp tục được kiểm tra theo tần suất 10% như thông thường. 

Nhưng nếu mẫu giữ lại được phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức vượt ngưỡng cho phép (theo chuẩn quốc tế của Codex) và vi phạm các quy định an toàn thực phẩm của Việt Nam thì từ lô sau, nguồn hàng của chủ doanh nghiệp và lô hàng đó sẽ bị áp dụng chế độ kiểm tra chặt với 2 mức: tăng tần suất lấy mẫu kiểm tra lên 30% nhưng lô hàng phải giữ lại tại cửa khẩu để chờ kết quả kiểm tra trong vòng 10 ngày, doanh nghiệp phải tự bảo quản lô hàng. 

Nếu kết quả đạt yêu cầu thì cho thông quan. Nếu tiếp tục vi phạm thì phải trả lô hàng về nơi xuất khẩu và những lô sau của doanh nghiệp có vi phạm sẽ bị kiểm tra 100% lô hàng. 

- Mặc dù các trạm kiểm dịch đều khẳng định quy trình kiểm tra chặt chẽ và nghiêm ngặt nhưng tại sao khi hàng vào sâu nội địa vẫn bị các cơ quan chức năng phát hiện vi phạm và người tiêu dùng không khỏi lo lắng?

Mặc dù lô hàng thuộc diện kiểm tra thông thường được phép thông quan ngay tại cửa khẩu sau khi hồ sơ hợp lệ và được lấy mẫu theo tần suất 10% nhưng không phải như vậy là xong mà trong quá trình lưu thông trên thị trường, chúng tôi vẫn phải tiếp tục giám sát, kiểm tra lấy mẫu. Ngoài hệ thống của Cục Bảo vệ thực vật, còn nhiều cơ quan chức năng khác cũng sẽ tham gia kiểm soát. Nếu có nghi ngờ và phát hiện có vi phạm về chất lượng an toàn thực phẩm thì vẫn sẽ xử lý theo quy định.

- Tại sao chúng ta lại áp dụng cơ chế hậu kiểm, tức là cho hàng thông quan rồi mới kiểm tra mẫu sau. Phải chăng đây là kẽ hở, thưa ông?

Nhiều người cũng tỏ ra quan ngại khi chúng ta đang quy định cơ chế kiểm tra sau. Nhưng đây là cách áp dụng giống như thông lệ quốc tế mà các nước đang nhập khẩu nông sản của Việt Nam cũng làm như vậy. Mặt khác, việc bắt buộc cho thông quan ngay khi chưa có kết quả kiểm tra an toàn thực phẩm là còn để đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Bởi nếu chờ có kết quả sẽ làm hỏng lô hàng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp nếu lô hàng đó đảm bảo, không có vi phạm và cũng để giảm thủ tục phiền hà và ách tắc cho doanh nghiệp.

- Vậy vừa qua, chúng ta đã phát hiện và công khai thông tin có tới 30% trái cây nhập khẩu có dư lượng thuốc trừ sâu, như thế đã nguy hiểm chưa?

Hiện nay ở các nước như Liên minh châu Âu (EU), tỷ lệ rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu là dưới 40%. Tuy nhiên, điều tôi muốn nói là về mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cho phép trên rau củ quả và các nông sản nói chung mà Bộ Y tế đang quy định cũng như theo tiêu chuẩn của quốc tế (Codex) là một cái ngưỡng được đưa ra và đảm bảo độ an toàn cao cho người sử dụng (có tính ngăn chặn từ xa). 

Điều đó cũng có thể được hiểu là, khi một lô hàng vi phạm tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn được nêu ra thì chưa có nghĩa là đã ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, bởi mức nêu ra là rất nhỏ.

Điều này cũng giống như khi một người điều khiển xe gắn máy dừng chạm quá vạch đèn đỏ đã bị cảnh sát giao thông phạt vì vi phạm an toàn giao thông, nhưng chưa có nghĩa là phương tiện đó đã gây tai nạn giao thông - chết người. Chỉ khi mẫu kiểm tra được phát hiện vượt quy định quá nhiều lần mới nguy hiểm và cơ quan chức năng mới phải đưa ra thông tin đại chúng và truy xuất lô hàng để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. 

Thậm chí sẽ công khai khuyến cáo cho người tiêu dùng tạm dừng tiêu thụ một loại trái cây nào đó được nhập từ một nước nào đó trong khoảng thời gian nào đó để truy xuất và thu hồi, tiêu hủy lô hàng. Chúng ta cũng cần phân biệt giữa 2 khái niệm “lô hàng vi phạm an toàn thực phẩm” và “lô hàng mất an toàn thực phẩm”.

Nếu chúng ta chỉ nói tỷ lệ trái cây có 30% dư lượng thuốc trừ sâu là chưa đầy đủ mà phải nói rõ là dư lượng đó có vượt mức cho phép hay không mới có ý nghĩa. Nếu không vượt ngưỡng cho phép thì sản phẩm đó vẫn an toàn. Trong số 40% rau quả có dư lượng ở EU thì cũng chỉ có trung bình 4% (năm 2014) là vượt ngưỡng tối đa cho phép. 

Hiện nay chỉ có Canada là nước có tỷ lệ vượt ngưỡng thấp nhất (1%), còn các nước trong khu vực của chúng ta như Thái Lan là 10%, Trung Quốc 8% - 12% tùy khu vực. Còn tại Việt Nam, theo số liệu kiểm tra và thống kê chỉ có 7% - 8% rau quả có dư lượng vượt mức cho phép - như vậy là vẫn còn nằm dưới mức của nhiều nước.

- Tại các chốt cửa khẩu - nơi đầu tiên kiểm soát nông sản tràn vào nội địa, hiện nay đội ngũ nhân lực và hệ thống trang thiết bị của chúng ta như thế nào, thưa ông?

Mặc dù chúng ta đã có một số máy móc kiểm tra hiện đại nhưng khó khăn là số lượng chưa nhiều so với các nước. Đặc biệt là chúng ta vẫn chưa thể xây dựng được các phòng kiểm nghiệm ngay tại cửa khẩu mà phải chuyển mẫu về các trung tâm như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… để phân tích số liệu. Tại các cửa khẩu, lực lượng cán bộ vẫn còn mỏng. Để tăng cường kinh phí cho việc kiểm soát thực phẩm, năm 2014, Bộ NN-PTNT đã đồng ý trang bị một số máy móc cho các trạm với tổng kinh phí trên 33 tỷ đồng.

Để khắc phục một số bất cập về quy trình kiểm tra nông sản thực vật nhập khẩu, hiện Bộ NN-PTNT đang giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và Cục Bảo vệ thực vật nghiên cứu bổ sung sửa đổi Thông tư 13. 

Một số nội dung chính được bổ sung như yêu cầu quy định rõ ràng hơn thẩm quyền tạm ngừng nhập khẩu đối với một loại hàng vi phạm, nhất là quy trình kiểm tra chặt các lô hàng vi phạm, nếu phát hiện có vi phạm là tái xuất ngay hoặc phải tiêu hủy… và doanh nghiệp vi phạm phải chịu kinh phí tiêu hủy. Dự thảo cũng sẽ quy định trường hợp nào phải thu hồi những lô hàng có vi phạm nhưng đã đưa ra thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

Rau củ, trái cây nhập khẩu: An toàn?

Theo Văn Phúc

khanhnt

Sài Gòn giải phóng

Trở lên trên