MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Vàng trắng” ở An Thạnh Đông

14-10-2013 - 10:15 AM |

Mùa củ sắn năm vừa qua được ví như “mùa vàng” của người dân An Thạnh Đông. Chẳng những trúng mùa mà giá bán cũng đạt đến “kỷ lục” 7.000 đồng/kg, lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Thời gian gần đây, do giá đường giảm mạnh, nhiều diện tích đất trồng mía ở huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) lần lượt nhường chỗ cho củ sắn (củ đậu). Mô hình này được coi là hướng đi mới cho người dân Cù Lao Dung, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc Khmer ở xã An Thạnh Đông.

An Thạnh Đông đang vào mùa trồng củ sắn mới. Niềm vui còn tràn ngập trên gương mặt người dân nơi đây, vì vụ năm vừa rồi người trồng củ sắn thu được lãi to, với lợi nhuận gần 500 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí.

Mùa củ sắn năm vừa qua được ví như “mùa vàng” của người dân An Thạnh Đông. Chẳng những trúng mùa mà giá bán cũng đạt đến “kỷ lục” (7.000 đồng/kg), nên trung bình mỗi công (1ha tương đương với 10 công) củ sắn ở xã An Thạnh Đông cho thu nhập cao gấp 5 lần so với trồng mía (giá mía tại huyện Cù Lao Dung hiện dao động từ khoảng 850 đồng - 1.000 đồng, tùy chữ đường).

Mô hình trồng củ sắn đầu tiên ở An Thạnh Đông xuất hiện từ ấp Trương Công Nhật. Đây là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer, đồng thời là “thủ phủ củ sắn”, chiếm hơn 50% diện tích trồng củ sắn toàn xã. Theo ghi nhận của phóng viên, tại đây hầu như gia đình nào cũng trồng sắn, hộ trồng ít nhất khoảng một công và hộ trồng nhiều nhất thì khoảng 5 công đất (tương đương 0,5ha).

Bà Huỳnh Thị Kiếm (ấp Trương Công Nhựt) cho biết, năm qua gia đình bà trồng một công sắn với sản lượng trên 10 tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình bà còn lãi hơn 50 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn trồng mía. Bà Kiếm khoe, từ lúc củ sắn... bén duyên với vùng đất này, hầu hết bà con nơi đây ai cũng trồng và lợi nhuận nhiều hơn gấp nhiều lần so với trồng mía mà chi phí cũng thấp hơn.

Ngụ cùng ấp với bà Kiếm, anh Quách Văn Út cũng trồng 4 công củ sắn, sau khi thu hoạch gia đình có lãi hơn 200 triệu đồng. Anh Út nói: “Năm nay, gia đình tôi sẽ mở rộng diện tích, nếu như giá cả ổn định thì có lẽ bà con nơi đây sẽ bỏ luôn nghề trồng mía”.

Ông Phan Văn Đực - Trưởng ban Nhân dân ấp Trương Công Nhật cho biết, diện tích trồng củ sắn hàng năm ở An Thạnh Đông dao động từ 10 - 15ha với năng suất trung bình từ 8 - 10 tấn/công, còn chi phí chỉ khoảng 10 triệu đồng/công. Sau khi thu hoạch vụ sắn, bà con nông dân có thể trồng xen thêm một vụ bắp, khoai... Với củ đẹp và tròn, giống thuần chủng địa phương nên sắn trồng tại địa phương này luôn được các thương lái đến từ Vĩnh Long, An Giang, Cần Thơ... thu mua với giá cao.

“Trước đây, cây mía được xem là cây trồng chủ lực của huyện Cù Lao Dung với diện tích trên 7.000ha, thế nhưng thời gian gần đây, do giá đường giảm mạnh, người trồng mía luôn thua lỗ nên mô hình trồng sắn được xem là hướng đi mới cho người dân nơi đây – ông Đực cho biết – Thời gian đó diện tích trồng còn hạn chế nên giá cao cộng với “đầu ra” ổn định nên người dân mới thu lãi cao”.

Theo các hộ nông dân trồng sắn, chỉ cần có giá từ 3.000 đồng/kg trở lên là người trồng đảm bảo có lãi. Bà con thông tin thêm, sở dĩ củ sắn năm nay có giá cao “kỷ lục” là do diện tích trồng ít, trong khi nhu cầu của thị trường lại cao. Lo ngại của bà con là khi mô hình này được phát triển rầm rộ thì e sẽ bị thương lái ép giá, cuộc sống của bà con sẽ lại bấp bênh như trồng mía.

Mong rằng chính quyền địa phương sớm có chính sách phù hợp để đảm bảo đầu ra cho người trồng sắn, tránh tình trạng người trồng sắn “tháo chạy” như trồng mía, để trồng sắn có thể trở thành mô hình xóa nghèo ở địa phương.

Theo Xuân Thanh

khanhnt

Pháp luật Việt Nam

Trở lên trên