MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Xuất khẩu gạo khó khăn

09-05-2013 - 12:07 PM |

Doanh nghiệp xuất khẩu gạo ngoài việc phải cạnh tranh giá với các nước xuất khẩu khác, còn đứng trước nguy cơ nhu cầu giảm bởi các thị trường tự cung tự cấp.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong quý 1/2013 Việt Nam đã xuất khẩu ước đạt 1,45 triệu tấn gạo, đạt giá trị FOB là 641,3 triệu USD; trong tháng 4 xuất khẩu ước đạt 807.000 tấn, đạt giá trị 340 triệu tấn. Như vậy tính chung trong 4 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đã đạt khoảng 2,257 triệu tấn, đạt giá trị gần 1 tỷ USD. Giá xuất khẩu bình quân đạt 429,66 USD/tấn.

Giá gạo giao dịch trong tháng 4 giảm từ 10 - 15 USD/tấn so với tháng 3 và tiếp tục sụt giảm thời gian gần đây đã ảnh hưởng đến tâm lý người mua chờ đợi giá giảm thêm nữa, trong khi đó, doanh nghiệp cũng thực hiện chiêu bài ép giá đối với nông dân, khiến giá gạo trong nước thấp, xuất khẩu cũng phải gia giảm theo. 

Theo VFA, số lượng hợp đồng được ký kết trong 4 tháng đầu năm khá nhiều song giá trị xuất khẩu không cao. Cần có những biện pháp đẩy giá gạo xuất khẩu và tăng giá thu mua lúa gạo từ nông dân.

Bên cạnh đó, lượng gạo tồn kho từ vụ mùa đông xuân đã lên tới 2 triệu tấn, khiến mục tiêu xuất khẩu gạo đạt 8 triệu tấn trong năm nay của Việt Nam đứng trước thách thức lớn. 

Ngoài ra, tình hình tồn kho của các nước xuất khẩu gạo khác như Thái Lan, Ấn Độ, Pakisstan, Myanmar cũng đang ở mức cao, trong khi vụ hè thu được dự báo được mùa, buộc các nước cũng hạ giá thành gạo xuất khẩu để tạo thế cạnh tranh. Điển hình là Thái Lan đang có những động thái chứng tỏ sẽ sớm bán gạo từ các kho dự trữ ở mức thấp hơn so với giá dự đoán.

Như vậy nguồn cung trên thế giới đang ngày một tăng còn nhu cầu tiêu thụ thì ngày càng siết chặt.

 Một số đối tác nhập gạo lâu năm của Việt Nam như Philippines, Singapore, Trung Quốc, Úc, Mỹ… đã có thể nâng cao sản lượng nội địa, giảm tối đa lượng lương thực nhập khẩu.

Doanh nghiệp nhập khẩu thì liên tục đối mặt với các rào cản về thuế, luật pháp, sự cạnh tranh của các nhà sản xuất trong nước, sự phản đối của nông dân dẫn đến nhu cầu nhập khẩu gạo giảm rõ rệt.

Thị trường Châu Phi tuy là thị trường lớn và đầy tiềm năng của gạo Việt nhưng chi phí vận chuyển cao, mức nhập khẩu thất thường cũng khiến doanh nghiệp xuất khẩu gạo điêu đứng.

Mới đây, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) phối hợp với Cục xúc tiến thương mại, Tổ điều hành xuất khẩu gạo cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam tập trung đánh giá, phân tích các vấn đề thị trường nhằm tìm ra giải pháp giải quyết những khó khăn trong xuất khẩu lúa gạo hiện nay.

Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan sớm hoàn thiện Dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo, đẩy nhanh tiến độ lấy ý kiến các bộ ngành liên quan để trình lên Chính phủ trong thời gian sớm nhất.

T.Ngọc

khanhnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên