MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên được phong NSND và cuộc tình với vị công tử giàu có, ăn chơi bậc nhất

02-03-2024 - 15:33 PM | Lifestyle

Trong đời sống hôn nhân, Bạch công tử và NSND Phùng Há có với nhau hai người con, một trai một gái.

Sự nghiệp lẫy lừng của của nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên được phong tặng NSND

NSND Phùng Há tên thật Trương Phụng Hảo, sinh năm 1911 tại Mỹ Tho, là con thứ 6 trong một gia đình nghèo, đông anh em. Tuy không được đào tạo nhưng Phùng Há từ nhỏ đã bộc lộ đam mê và năng khiếu ca hát, diễn xuất.

Năm Phùng Há 9 tuổi thì cha bà qua đời. Vì hoàn cảnh khó khăn, Phùng Há phải nghỉ học để đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. 13 tuổi, bà đi làm công trong một lò gạch để kiếm tiền.

Dù công việc vất vả nhưng giọng ca thiên phú của bà khi ấy đã lọt vào tai ông bầu Hai Cu của gánh hát Nam Đồng Ban cũ và được ông chú ý.

Nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên được phong NSND và cuộc tình với vị công tử giàu có, ăn chơi bậc nhất- Ảnh 1.

Bạch công tử vả NSND Phùng Há

Năm 1924, ông bầu Hai Cu thành lập gánh hát Tái Đồng Ban và mời bà tham gia với vai trò đào chính để đóng cặp với kép chính Năm Châu. Ông cũng là người gợi ý bà sử dụng cái tên Phùng Há làm nghệ danh.

Thầy tuồng Nguyễn Công Mạnh, NSND Năm Châu và nhạc sĩ Tư Chơi là những người thầy đầu tiên của bà trong cuộc đời nghệ thuật.

Vai diễn đầu tiên đánh dấu cuộc đời hoạt động nghệ thuật của Phùng Há là vai Giả Thị trong vở cải lương Hoàng Phi Hổ quy Châu của soạn giả Nguyễn Công Mạnh. Sau đó là các vở Thôi Tử thí Tề Quân, Mổ tim Tỷ Can, Anh hùng náo Tam Môn Nhai của soạn giả Nguyễn Châu Thành; Khúc oan vô lượng; Tội của ai của soạn giả Tư Chơi. Thời gian này, bà đóng cặp với nghệ sĩ Năm Châu và được công chúng mến mộ.

Năm 1926, bà cùng các nghệ sĩ Năm Châu và Tư Chơi, Ba Du gia nhập gánh hát Trần Đắc của ông bầu Trần Đắc Nghĩa.

Một thời gian sau, Phùng Há đã lập được gánh hát riêng, làm bầu gánh khi mới 18 tuổi và lưu diễn khắp nơi, phổ biến nghệ thuật cải lương tới mọi ngõ ngách.

Nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên được phong NSND và cuộc tình với vị công tử giàu có, ăn chơi bậc nhất- Ảnh 2.

Như vậy, có thể thấy, NSND Phùng Há là người có đóng góp to lớn với nghệ thuật cải lương.

Không chỉ thành công diễn xuất, NSND Phùng Há còn là người thầy tài giỏi, có đạo đức chuẩn mực. Bà là giảng viên của Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn. Với những đóng góp cho nghệ thuật, năm 1984, bà là nữ nghệ sĩ cải lương duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân đợt đầu tiên.

NSND Phùng Há cũng là thầy của nhiều thế hệ nghệ sĩ danh tiếng như huyền thoại Thanh Nga, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Kim Tử Long, NSƯT Diệu Hiền…

Bà cũng là người sáng lập ra Viện dưỡng lão nghệ sĩ tại quận 8 Sài Gòn, được mệnh danh là viện dưỡng lão độc nhất vô nhị tại Việt Nam, nơi cưu mang nhiều nghệ sĩ già neo đơn suốt 30 năm qua.

Đến giờ, NSND Phùng Há vẫn được coi vị Tổ nghề sống của cải lương Nam Bộ.

Mối tình với chồng là vị đại công tử giàu nhất nhì miền Nam

NSND Phùng Há kết hôn lần đầu với nghệ sĩ Tư Chơi vào năm 1926, có với nhau một con gái duy nhất tên Bửu Trân. Tới năm 1929 thì hai người li hôn và sau đó không lâu, bà Phùng Há gặp Bạch công tử.

Nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên được phong NSND và cuộc tình với vị công tử giàu có, ăn chơi bậc nhất- Ảnh 3.

Bạch công tử Lê Công Phước nổi danh là một trong hai tay chơi giàu có khét tiếng tại miền Nam trong thập niên 1920, 1930 với nhiều giai thoại ăn chơi đình đám.

Nhưng bên cạnh đó, Lê Công Phước cũng là người đam mê và có nhiều đóng góp với nghệ thuật cải lương trong giai đoạn đầu. Vì mê cải lương nên Bạch công tử phải lòng cô đào xinh đẹp, tài năng Phùng Há. Quen nhau một thời gian thì hai người đi tới hôn nhân.

Bạch công tử sẵn sàng chi nhiều tiền thành lập gánh hát Huỳnh Kỳ, để NSND Phùng Há làm bầu gánh khi mới 18 tuổi. Gánh hát quy tụ được rất nhiều đào kép nổi tiếng thời bấy giờ, như Phùng Há, Ba Vân, Năm Phỉ, Tám Du, Năm Thiện, Ba Thâu, Ba Đồng, Chín Móm, Năm Kiệt, Hai Sự, Hai Nữ, Tư Bé, Tư Hélènne…

Theo nhiều tài liệu ghi lại thì đây là gánh cải lương có quy mô lớn ở vùng Lục tỉnh Nam Kỳ. Theo nguyện vọng của NSND Phùng Há, Bạch công tử cũng cho xây dựng rạp hát cũng với tên Huỳnh Kỳ, bên cạnh ngôi nhà của ông tại Mỹ Tho để làm nơi gánh hát biểu diễn thường xuyên.

Thời đó, khi những gánh hát khác đều đi bằng ghe chèo thì Bạch công tử sẵn sàng một lúc tới 3 chiếc ghe có gắn máy dùng để chở đào kép đi lưu diễn và được trang bị như du thuyền.

Chiếc ghe đi đầu chở Bạch công tử và NSND Phùng Há, có lầu, phía trước có cột treo biểu tượng của gánh Huỳnh Kỳ. Đào kép đi trên chiếc ghe thứ hai, được ngăn thành nhiều phòng, nhiều ô cửa sổ, có bếp ăn, chỗ vệ sinh. Chiếc ghe thứ ba chở thầy đờn, nhân viên phục vụ và cả một đội bóng.

Nữ nghệ sĩ cải lương đầu tiên được phong NSND và cuộc tình với vị công tử giàu có, ăn chơi bậc nhất- Ảnh 4.

Nhờ lưu diễn bằng ghe nên thời đó, dù ở những vùng chợ quê xa xôi như Vĩnh Kim, Ba Dừa, Cái Thia… đều có gánh hát tới diễn, phổ biến nghệ thuật cải lương.

Trong đời sống hôn nhân, Bạch công tử và NSND Phùng Há có với nhau hai người con, một trai một gái.

Con trai đầu tên Paul Lộc, qua đời do chứng bệnh ban trắng khi mới 2 tuổi, con gái út là Suzane Lý cũng mất sớm vì bệnh. Sau khi con gái qua đời, cuộc hôn nhân giữa hai người cũng chấm dứt.

Sau khi li hôn với NSND Phùng Há, Bạch công tử kết hôn với nghệ sĩ cải lương Ngọc Sương và sinh được một người con gái tên Ngọc Tuyết (Liliane).

Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này cũng nhanh chóng tan vỡ, nghệ sĩ Ngọc Sương để con gái lại cho Bạch công tử rồi bỏ về quê. Khi biết tin Phước khó khăn trong việc nuôi con nhỏ, Phùng Há đã xin đưa Ngọc Tuyết về nuôi dưỡng.

Theo Tùng Ninh

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên