MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô trở thành ngành có điều kiện: “Ông lớn” được bảo hộ?

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định, việc đưa ô tô trở thành có điều kiện không hề “cảm tính”, cũng không phải chỉ từ một vài nhận định mà là một quá trình nhận được sự đồng thuận rất cao.

Ô tô chính thức là ngành có điều kiện từ 1/7/2017

Ngày 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 3 luật vừa được Quốc hội khoá 14 thông qua, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện có nhiều điểm tiến bộ so với luật cũ.

Cụ thể, luật đã bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đồng thời, luật đã bổ sung 15 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phù hợp với tiêu chí, mục đích theo quy định; đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh.

Thứ trưởng Đông cho biết, việc tập hợp và công bố Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo phương pháp chọn bỏ là một trong những cải cách quan trọng của luật Đầu tư.

Việc này góp phần đổi mới nguyên tắc áp dụng pháp luật, từ việc nhà đầu tư chỉ được quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật cho phép sang nguyên tắc được tự do đầu tư kinh doanh tất cả các ngành nghề mà Luật này không cấm.

Ông Đông cũng cho hay, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về danh mục ngành, nghề kinh doanh có điều kiện sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Trong đó, riêng hai ngành đó là ngành nghề kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị và sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô sẽ đợi đến 1/7/2017 mới chính thức có hiệu lực.

Ô tô thành ngành có điều kiện - Phải chăng vì bảo hộ?

Tại buổi họp báo, phóng viên nêu câu hỏi vì sao đưa ngành sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô vào danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, việc này có phải vì mục đích bảo hộ sản xuất với những “ông lớn” trong ngành.

Giải đáp băn khoăn trên, Thứ trưởng Đông cho biết: Đây là ngành thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận, do vậy đã được đưa ra lấy ý kiến riêng từng đại biểu Quốc hội trước khi lấy ý kiến chung tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá 14.

“Chúng tôi đã cân nhắc và trình bày rất cụ thể những vấn đề này tại 3 vòng thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội trước khi trình ra Quốc hội và sau hết đã được toàn thể Quốc hội thông qua với sự đồng thuận cao”, ông Đông cho biết có tới hơn 85% đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua.

Thứ trưởng Đông cũng khẳng định, việc đưa ô tô trở thành có điều kiện không hề “cảm tính”, cũng không phải chỉ từ một vài nhận định mà là một quá trình nhận được sự đồng thuận rất cao.

Cụ thể, theo ông Đông, đó là quá trình được thực hiện trên cơ sở lượng hoá mặt được, chưa được, những điểm tích cực, tiêu cực dựa trên 3 nhóm lợi ích: người tiêu dùng, doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.

“Đối với người tiêu dùng, chúng tôi đã chỉ ra 4 nhóm lợi ích và chỉ có 1 băn khoăn đó là vấn đề giá cả liệu có bị ảnh hưởng không. Đối với doanh nghiệp có 5 lợi ích cũng chỉ có 1 băn khoăn liệu doanh nghiệp nhỏ có bị thiệt thòi không. Về lợi ích quốc gia chúng tôi cũng đã chỉ ra 8 lợi ích”, Thứ trưởng Đông cho hay, tất cả đều đã được cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Kế hoạch và đầu tư giải đáp “rất kỹ” trước đó.

Cuối cùng, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và đầu tư khẳng định, việc áp điều kiện kinh doanh với ngành nghề này sẽ không dẫn tới hệ quả bảo hộ sâu đối với hoạt động của các “ông lớn” trên thị trường.

Theo N.Mạnh

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên