MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông lão U70 "review" trải nghiệm an hưởng tuổi già tại khách sạn: thoải mái và đáng tiền, hơn cả viện dưỡng lão

25-09-2023 - 22:37 PM | Sống

Ông lão U70 "review" trải nghiệm an hưởng tuổi già tại khách sạn: thoải mái và đáng tiền, hơn cả viện dưỡng lão

Cuối cùng ông lão U70 cũng tìm được “ngôi nhà hưu trí” phù hợp để tận hưởng những năm tháng còn lại của cuộc đời.

‏Nhân vật chính trong câu chuyện là ông lão tên Mã Đông, 70 tuổi ở Trung Quốc. Ông không có trình độ học vấn cao, chỉ hoàn thành cấp 2 và sau đó làm việc tại một nhà máy. Tuy lương thưởng không nhiều, nhưng ông cũng tích lũy được một khoản tiền tiết kiệm để nghỉ hưu, an hưởng tuổi già.‏

‏Sau khi vợ qua đời, con trai ông, Mã Cường đề nghị đưa cha về chăm sóc tại nhà riêng ở Bắc Kinh. Ông đã nghĩ rằng những năm tháng tuổi già như vậy là hạnh phúc, nhưng sau một thời gian cùng chung sống với các con, ông nhận ra họ có suy nghĩ, cách sống đối lập nhau, sự hiện diện của ông dường như khiến cuộc sống của các con trở nên bất tiện.‏

‏Trong bữa ăn, các con không quen ăn những món địa phương mà ông thích, nên nhiều lần ông phải lủi thủi ăn mì gói một mình. Khi ngủ ông thường có tật ngáy ngủ, con dâu lại phàn nàn ông không để cho họ nghỉ ngơi sau ngày dài làm việc. Cùng với nhịp sống nơi thủ đô Bắc Kinh hoa lệ vội vã, ông dường như bị bỏ lại, ngày càng trở nên ủ rũ.‏

photo-1695609606097

Ảnh minh họa

‏Vài tháng sau, ông đề nghị với con để mình về quê sống. Không có người săn sóc bên cạnh, các con lo ông ốm đau nên khuyên ông vào sống tại viện dưỡng lão.‏

‏Điều kiện của viện dưỡng lão không tệ, ban đầu nhân viên khá nhiệt tình. Ông được xếp vào một phòng sáu người. Ban ngày họ có thể cùng tập thể dục ngoài sân và tối đến cùng trò chuyện để giết thời gian.‏

‏Tuy nhiên, ông dần nhận thấy cuộc sống ở viện dưỡng lão thật đơn điệu và vô vị. Mỗi ngày ông đều phải đối mặt với những người già và nhân viên, chủ đề trò chuyện chỉ giới hạn ở sức khỏe và gia đình, thật nhàm chán.‏

‏Một lần, ông cảm thấy khó chịu trong người và muốn nhờ y tá đo huyết áp, nhưng y tá lại quá bận vì còn quá nhiều người khác cần được chăm sóc. Ông nhận ra rằng viện dưỡng lão cuối cùng cũng không phải là nơi thích hợp cho ông và một lần nữa quyết định rời đi.‏

Ý tưởng bất ngờ

‏Kiệt sức cả về thể chất lẫn tinh thần, ông tham gia một đoàn du lịch với hy vọng tạm quên đi những lo toan, trăn trở trong đầu. Trong chuyến đi, ông đã quen biết và kết thêm được nhiều người bạn mới.‏

‏Sau khi nghe ông kể về vấn đề nan giải khi nghỉ hưu của mình, người bạn ấy đã đưa ra cho ông một gợi ý bất ngờ: "Ông có thể cân nhắc việc nghỉ hưu tại khách sạn. Tôi có một người bạn đã sống ở khách sạn được 5 năm, vừa tiện ăn ở, lại có nhân viên tận tình chăm sóc, chu đáo và tiện nghi hơn viện dưỡng lão nhiều."

photo-1695609610509

Ảnh minh họa

‏Một ý tưởng nghe có vẻ điên rồ nhưng cũng có phần hợp lý! Ông liền bắt tay vào nghiên cứu một số khách sạn địa phương. Vì ở lâu dài nên ông muốn tìm một khách sạn có đầy đủ tiện nghi, cơ sở vật chất và các dịch vụ như ăn uống, giặt là… thay vì các nhà nghỉ tạm bợ.‏

‏Tìm được khách sạn phù hợp, ông liên hệ với quản lý và nói rõ nhu cầu, mong muốn ở lại khách sạn trong dài hạn của mình, người quản lý có vẻ ngạc nhiên và cho biết điều này là chưa từng có tiền lệ. Toàn bộ chi phí cho một tháng sống tại đây là 4.500 NDT (khoảng 15 triệu VNĐ).‏

‏Ngày đầu tiên chuyển đến, ông đã bị thu hút bởi căn phòng rộng rãi, sáng sủa, được trang trí đơn giản nhưng trang nhã, rất ấm áp. Dù không quá lớn nhưng nơi đây vẫn có một phòng ngủ riêng, chỗ tiếp khách với bộ sofa nhỏ và nhà vệ sinh. Việc chuyển đến một nơi ở hoàn toàn mới cũng khiến ông cảm thấy khá hào hứng, thích thú.‏

photo-1695609611518

Ảnh minh họa

‏Đã hơn một năm kể từ khi ông ở khách sạn và đó thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời. Môi trường, cơ sở vật chất tiện nghi tại khách sạn và dịch vụ ân cần khiến ông cảm thấy thoải mái như đang ở nhà.‏

‏Ăn sáng xong, ông ngồi ngoài ban công nhàn nhã đọc báo, buổi chiều chơi cờ và trò chuyện với những người khách khác trong khách sạn. Buổi tối, ông lặng lẽ nhâm nhi tách trà và tận hưởng khoảng thời gian một mình quý giá này.‏

‏Thỉnh thoảng, các con cũng dành thời gian đến thăm ông. Họ thở phào nhẹ nhõm, an tâm khi thấy cha tràn trề sức sống, khỏe mạnh. Cả hai bên không còn cảm giác khó xử khi phải chung sống cùng nhau, và thậm chí còn gần gũi với nhau hơn.‏

‏Mỗi khi các con quay trở lại thành phố, lòng ông lại tràn ngập biết ơn - cảm ơn sự chăm sóc của chúng và biết ơn "ngôi nhà hưu trí" này đã đưa họ xích lại gần nhau.‏


Hoa Thu

Phụ nữ số

Trở lên trên