MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Trần Lệ Nguyên và kế hoạch đưa trái cây Việt ra trường thế giới: Làm CEO kiêm luôn khâu R&D, "bắt tay" loạt đối tác lớn đưa chuỗi Chuk Chuk "xuất ngoại" dù chỉ vừa ra mắt

06-12-2021 - 19:52 PM | Doanh nghiệp

Ông Trần Lệ Nguyên và kế hoạch đưa trái cây Việt ra trường thế giới: Làm CEO kiêm luôn khâu R&D, "bắt tay" loạt đối tác lớn đưa chuỗi Chuk Chuk "xuất ngoại" dù chỉ vừa ra mắt

Không chỉ Vinamilk, Sơn Kim Group, sắp tới đây Kido (KDC) sẽ tiếp tục bắt tay với một "đại gia" bán lẻ ngoại khác, nhằm phân phối sản phẩm khắp Việt Nam và đưa ra toàn thế giới, theo chia sẻ của ông Trần Lệ Nguyên – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Kido.

Là doanh nhân có thâm niên trong lĩnh vực thực phẩm Việt, ông Nguyên không chỉ dẫn dắt KDC trên vai trò lãnh đạo, hoạch định chiến lược mà còn kiêm cả bộ R&D (phát triển sản phẩm). Bởi, ẩm thực cũng là một năng khiếu và đam mê của ông.

Với Chuk Chuk – chuỗi F&B được ví như giấc mơ Starbucks Việt Nam suốt 20 năm qua của bản thân ông Nguyên – được "ấp ủ rất lâu và thực hiện thì rất nhanh". Chỉ sau 2 năm nghiên cứu, Chuk Chuk chính thức ra mắt online hồi tháng 6/2021 (do ảnh hưởng của giãn cách xã hội) và khai trương vào tháng 10 khi cả nước dần bước vào thời kỳ bình thường mới. Đến nay, khoảng 1,5 tháng vận hành thử nghiệm và thu về tín hiệu tốt, KDC xúc tiến bắt tay với loạt đại gia ngành bán lẻ. Theo đó, không chỉ giới hạn trong nước, Chuk Chuk dự sớm được "xuất ngoại" trong vài năm tới đây.

"Việc xây dựng chuỗi bán lẻ Chuk Chuk đến từ giấc mơ ấp ủ hơn 20 năm trước khi tôi nhìn thấy người dân Mỹ xếp hàng 30-40 phút để thưởng thức cà phê ở các cửa hàng Starbucks. Hơn 10 năm nay, các sản phẩm trà sữa trân châu của Đài Loan được toàn châu Á thích thú, ưa chuộng, nhất là giới trẻ. Tại Việt Nam, có hệ thống chuỗi nhà hàng Kem Häagen-Dazs… Từ suy nghĩ và quan sát đó, KDC mong muốn tạo nên Chuk Chuk thành thương hiệu quốc gia trong thị trường F&B với tham vọng không chỉ bao phủ trong nước mà phát triển chuỗi nhượng quyền thương hiệu theo chuẩn quốc tế", ông Nguyên trải lòng.

Nói về những động thái mạnh mẽ này, ông Nguyên cho biết thực tế chuỗi dự kiến mở rộng từ tháng 6 tuy nhiên do đại dịch nên trì hoãn. Và dù Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp khiến chúng ta phải cảnh giác, nhưng trong nguy có cơ: Chuk Chuk đang có nhiều lợi thế hiện tại cho chiến lược mở rộng thời gian tới.

Thứ nhất, với hệ sinh thái công ty mẹ là đơn vị lớn và có thâm niên trong mảng sản xuất phân phối thực phẩm, Chuk chuk luôn chủ động được nguồn hàng (hàng nhà) dù thị trường liên tục biến động;

Thứ hai, Công ty có bộ máy quản trị tốt, cần nhấn mạnh đội ngũ phát triển Chuk Chuk hiện là thế hệ rất trẻ, năng động và nhạy với những xu hướng sản phẩm mới. Được biết, TTV (đơn vị vận hành chuỗi Chuk Chuk) đang được dẫn dắt bởi "ái nữ" của ông Nguyên là bà Trần Tuyết Vân (25 tuổi, nắm giữ vị trí CEO);

Thứ ba, đây là thời điểm vàng để săn đón mặt bằng. Thậm chí, KDC thuê được những vị trí rất tốt mà nếu trước đó dù có trả giá cao cũng khó lấy được;

Cuối cùng, trong chiến lược dài hơi đưa sản phẩm (trà) nước trái cây ra thế giới, Việt Nam là vựa trái cây nhiệt đới nên KDC hưởng lợi từ vùng nguyên liệu trong nước. Từ đó, có thể chung tay quảng bá thương hiệu Việt, trái cây Việt với bạn bè năm châu.

Ngoài ra, chỉ sau thời gian ngắn bày bán, Chuk Chuk nhận về sự đón nhận rất tốt từ người tiêu dùng. "Tính đến thời điểm hiện tại, các điểm bán hàng tính ra đều có hiệu quả", ông Nguyên cho biết thêm.

Và để có thể đưa được sản phẩm đến tay người tiêu dùng, KDC đã chuẩn bị rất kỹ về khâu khẩu vị cũng chất lượng. Sản phẩm nước trái cây Chuk Chuk dự kiến bao gồm một số mùi vị theo xu hướng giới trẻ hiện nay như rau má sầu riêng, xoài xanh muối ớt, dâu tằm… Trong đó, Công ty khẳng định không nguyên liệu bảo quản hay bất kỳ hương liệu gì, thành phần hoàn toàn là trái cây tự nhiên. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến vị giác của thực khách khi dùng nhiều sản phẩm một lần.

Ngoài ra, tại mỗi nơi, KDC cũng sớm lên kế hoạch hợp tác với một vài đơn vị địa phương để có thể sử dụng nguyên liệu đặc thù từng vùng, cũng như liên tục thay đổi hương vị theo mùa, theo xu hướng.

Đơn cử, trong hợp tác với GS25 để đưa sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc…, đại diện Sơn Kim nói thêm hai bên còn làm việc với một đối tác thứ ba chuyên về kiểm tra chất lượng, để có thể đáp ứng được tất cả các tiêu chí khắt khe của thị trường khó tính.

Nhìn chung, Chuk Chuk là kết hợp của 4 mô hình F&B hiện nay, bao gồm tất cả các sản phẩm phổ biến từ các loại cà phê (combo bánh ngọt phục vụ bữa ăn tiện lợi), các loại trà sữa, kem và trà trái cây nhiệt đới (nguyên liệu 100% trong nước).

Tháng 11 vừa qua, Chuk chuk đã mở được 10 cửa hàng, dự kiến mở thêm 40 cửa hàng trong nước đến cuối năm nay. Sang năm 2022, Chuk Chuk sẽ Bắc tiến và phát triển mạnh với 400 cửa hàng.

Ông Trần Lệ Nguyên và kế hoạch đưa trái cây Việt ra trường thế giới: Làm CEO kiêm luôn khâu R&D, bắt tay loạt đối tác lớn đưa chuỗi Chuk Chuk xuất ngoại dù chỉ vừa ra mắt - Ảnh 2.

Trong đó, ký kết hợp tác cùng Sơn Kim Group, sản phẩm của chuỗi Chuk Chuk sẽ có mặt trong hệ thống các cửa hàng của GS25. Dự kiến đến cuối 2022, Chuk Chuk sẽ có mặt tại tất cả các cửa hàng của GS25. Trong giai đoạn 2023 – 2026 hai bên sẽ từng bước đưa thương thương hiệu Chuk Chuk mở rộng toàn quốc và mở rộng ra thị trường quốc tế.

Giai đoạn tiếp theo của thỏa thuận, hai bên cũng sẽ tiến hành đánh giá xem xét kết hợp đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm. Lợi thế sẵn có của KDC là về nghiên cứu phát triển sản phẩm và có hệ thống các nhà máy sản xuất với dây chuyền công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Trong khi đó, Sơn Kim Retail sẽ kết hợp với KDC để sản xuất thực phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, tạo sự cạnh tranh về giá và phân phối ở thị trường quốc tế. Với sự hợp tác này, hai bên kỳ vọng sẽ tạo ra được một hệ thống chuẩn chỉnh tiên phong trong ngành sản xuất thực phẩm hỗ trợ cho chuỗi cung ứng của các bên.

Trước đó, KDC cùng Vinamilk (VNM) cũng đã lập nên liên doanh Vibev – khai thác bản nước giải khát và tham vọng tạo thế đối trọng với Thaibev hiện nay. Cũng trong quý cuối năm, liên doanh Vibev vừa ra mắt 2 sản phẩm đầu tiên thuộc Thương hiệu Oh Fresh: Sữa bắp tươi và sữa đậu xanh tươi, mục tiêu mở ngành và nắm giữ vị trí số 1 về thị phần trong ngành nước tươi với sản lượng đạt 150 triệu chai/năm (tương đương hơn 2.000 tỷ) sau 5 năm vận hành.

Bằng cái bắt tay chiến lược, VNM và KDC theo đó sở hữu kênh phân phối với hơn 300.000 điểm bán tương thích. Về phía GS25, thương hiệu bán lẻ Hàn Quốc vào Việt Nam năm 2018, hiện có gần 150 cửa hàng. Trong liên doanh với Sơn Kim Group, mục tiêu của GS25 Việt Nam sẽ triển khai 2.500 cửa hàng trên toàn quốc. 

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên