MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rối loạn thị trường repo cảnh báo khủng hoảng tài chính đang “rình rập”

28-09-2019 - 13:30 PM | Tài chính quốc tế

Bất ổn trong thị trường của các giao dịch mua lại (repo) có thể khiến bất cứ ai đã trải qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lo sợ “toát mồ hôi hột”. Những cải cách hậu khủng hoảng sẽ sớm đối mặt với những thách thức nghiêm trọng.

Trong tuần trước, thị trường repo, trung tâm của cuộc khủng hoảng 12 năm trước, đã thiếu thanh khoản, buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ phải can thiệp ngay lập tức bằng cách bơm tiền. Tuần này, nỗi lo về một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới đã giảm bớt, mặc dù các ngân hàng vẫn "háo hức" nhận thanh khoản của Fed. Nhưng giai đoạn này cảnh báo rằng các mối nguy hiểm tài chính vẫn đang rình rập. Ở một khía cạnh nào đó, điều này sẽ mang đến một "stress test" (một loại kiểm thử xác định sự ổn định và tính mạnh mẽ của hệ thống) cho những cải cách hậu khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng tài chính đã kết hợp những cơn bão nhỏ thành một siêu bão. Đó là sự tăng vọt của tài sản nợ. Một thời gian dài giá nhà tăng ở Mỹ dẫn đến sự tự mãn về những rủi ro của việc cho vay thế chấp. Sự liều lĩnh hơn bao giờ hết thúc đẩy giá tăng, cho đến khi sự hứng thú không còn được duy trì. Những người đi vay bắt đầu chậm nợ, làm cho những người cho vay bị thua lỗ và tình trạng vỡ nợ ngày càng tăng. Phá sản nhà đất của Mỹ đã thực sự bùng nổ do đột biến rút tiền gửi.

Các ngân hàng tự huy động vốn trên cơ sở ngắn hạn không những thông qua tiền gửi không kỳ hạn, mà còn trên các thị trường tiền tệ, chẳng hạn như repo. Ngược lại, nhiều tài sản ngân hàng thiếu tính thanh khoản và dài hạn, như các khoản vay cho các công ty và người mua nhà. Sự không phù hợp này khiến các ngân hàng dễ bị tổn thương. Trong cuộc Đại khủng hoảng, nhiều ngân hàng sụp đổ khi những người gửi tiền lo lắng yêu cầu rút tất cả tiền mặt của họ cùng một lúc. Mặc dù bảo hiểm tiền gửi do chính phủ cung cấp hiện bảo vệ chống lại mối nguy này, nhưng nó không mở rộng ra thị trường tiền tệ. Sau đó, vào năm 2008, sự nghi ngờ về tình trạng của các ngân hàng và tài sản thế chấp của họ đã nổ ra một cuộc tháo chạy khỏi các thị trường đó, khiến các ngân hàng mạnh hay yếu đều không thể đáo hạn các khoản vay ngắn hạn và có nguy cơ sụp đổ.

Những tai họa này tăng lên bởi tính liên kết của hệ thống tài chính toàn cầu. Dòng vốn xuyên biên giới tăng vọt trong những năm trước cuộc khủng hoảng, từ 5% GDP toàn cầu năm 1990 lên 20% năm 2007. Tiền từ khắp nơi trên thế giới đổ vào thị trường thế chấp của Mỹ, và vì lẽ đó ảnh hưởng lan rộng toàn cầu. Lần can thiệp khủng hoảng đầu tiên của Fed là vào tháng 8/2007 để đối phó với tình trạng hỗn loạn trên thị trường tiền tệ do những trở ngại tài chính tại các quỹ do ngân hàng Pháp BNP Paribas điều hành.

Bị đe dọa bởi "trải nghiệm cận tử", các chính phủ đã đưa ra "stress test" thường xuyên và khiến các ngân hàng chấp nhận "bản di chúc sống": lên kế hoạch tự giải thể trong trường hợp thất bại để không gây nguy hiểm cho toàn bộ hệ thống. Các ngân hàng trung ương đã thêm các chỉ số rủi ro tín dụng vào bảng điều khiển chính sách của mình. Các nhà quản lý cũng nâng cao yêu cầu về vốn và thanh khoản của ngân hàng: "bộ đệm" lớn hơn chống lại thua lỗ và thiếu hụt thanh khoản. Trong các nền kinh tế tiên tiến, bảng cân đối kế toán của ngân hàng tốt hơn hơn so với năm 2007 và không có bong bóng nợ rõ ràng nào bị thổi phồng.

Tuy nhiên, tất cả điều này cũng không đảm bảo sự ổn định như kỳ vọng. Sau khủng hoảng, cả chính phủ và thị trường đều chấp nhận vay mượn rủi ro. Mặc dù đã giảm nợ hộ gia đình, các công ty đã nhận nợ đủ để duy trì khoản vay tư nhân cao; chẳng hạn, ở mức 150% GDP Mỹ, gần bằng mức của năm 2004. Ở Mỹ, thị trường cho vay kinh doanh hợp vốn đã bùng nổ, lên tới hơn 1 triệu đô la vào năm 2018 và các tiêu chuẩn cho vay đã giảm. Nhiều khoản vay được gộp vào chứng khoán nợ. Các cơ quan quản lý đã từ chối can thiệp.

Khi mối đe dọa đột biến rút tiền gửi chuyển từ người gửi tiền sang thị trường tiền tệ, rủi ro hệ thống có thể đang hình thành trong các tổ chức phi ngân hàng. Các công ty bảo hiểm ở một số quốc gia, bao gồm Nhật Bản và Hàn Quốc, đã "quét sạch" hàng trăm tỷ đô la trái phiếu nước ngoài, phòng ngừa rủi ro tỷ giá hối đoái trên cơ sở ngắn hạn. Nếu trong một cuộc khủng hoảng, các quỹ này không thể gia hạn các khoản bảo hiểm của mình, họ có thể phải chịu những tổn thất đáng kể. Lỗ hổng của những công ty tưởng chừng vững mạnh có thể gây ra rủi ro cho các ngân hàng lớn nhưng đang bị đánh giá thấp.

Những mối nguy chưa rõ ràng này phát sinh vì tài chính vẫn đang toàn cầu hóa. Các món nợ tài chính xuyên biên giới đang tồn tại, mặc dù thấp hơn so với trước cuộc khủng hoảng, vẫn vượt xa định mức trong lịch sử. Sự hỗn loạn khôn lường ở một "góc" của hệ thống tài chính rất có thể xoay chuyển thành một thảm họa.

Những xáo trộn trong thị trường repo minh chứng cho mối đe dọa gây ra bởi những điều chưa rõ ràng này. Những người theo dõi thị trường đổ lỗi cho cuộc khủng hoảng tiền mặt đối với nhu cầu thanh toán hóa đơn thuế doanh nghiệp cùng lúc với việc hút nhiều nợ chính phủ mới hơn bình thường. Nhưng các ngân hàng đã sớm nhận thức được những yếu tố này.

Thảm họa chưa hiện ra "ngay trước mắt". Nhưng thế giới đã không để tâm đến sự nguy hiểm tất cả phải đối mặt vào năm 2007 cho đến khi quá muộn. Có nhiều cách để kiểm soát rủi ro tài chính. Cuộc đại khủng hoảng đã thuyết phục nhiều người rằng chủ nghĩa tư bản tài chính vốn đã nguy hiểm, nhưng trong 40 năm sau đó, các cuộc khủng hoảng không thường xuyên là một minh chứng cho sự kiểm soát vốn và điều tiết tài chính hà khắc. Kể từ khi bãi bỏ quy định của thập niên 1970 và 1980, đáng ngại là các cuộc khủng hoảng đã trở nên phổ biến. Sau nhiều thập kỷ kể từ bây giờ, chúng ta có thể nhìn lại những gì đã xảy ra. Lo lắng bởi biến động repo không phải là một điều xa vời.

Khánh An

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên