MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sau 45 tuổi là thời kỳ nâng cao sinh mệnh, BẢO VỆ 4 nơi, tuổi thọ "không rủ cũng tới"

13-09-2021 - 12:00 PM | Sống

Sau 45 tuổi là thời kỳ nâng cao sinh mệnh, BẢO VỆ 4 nơi, tuổi thọ "không rủ cũng tới"

Theo số liệu điều tra y tế, nhiều bệnh mãn tính bắt đầu bùng phát sau tuổi 45. Để nâng cao sinh mệnh, sống thọ và khỏe mạnh hơn, có 4 nơi cần phải được bảo vệ cẩn thận.

Theo Sohu, tỷ lệ người cao tuổi mắc ít nhất một bệnh mãn tính lên tới 75%, số người đồng thời mắc nhiều bệnh mãn tính cao tới 35,1%.

Vì vậy, cần học cách giữ gìn sức khỏe và quan tâm nhiều hơn đến cơ thể của bản thân trước tuổi 45. Trong dưỡng sinh, để có thể duy trì nền tảng khỏe mạnh của thể chất, chúng ta nên chú trọng bảo vệ 4 nơi.

Bảo vệ mạch máu để nâng cao sinh mệnh

Các bệnh về tim mạch và mạch máu não rất phổ biến ở người trung niên và cao tuổi, gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe tổng thể. Một số căn bệnh thường gặp bao gồm tăng huyết áp, tăng lipid máu, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đột quỵ,… Mỗi một căn bệnh đều có thể dẫn đến nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt.

Do đó, để giảm thiểu những nguy cơ và rủi ro, chúng ta nên học cách bảo vệ mạch máu từ trong cuộc sống hàng ngày. Trước hết, trong chế độ ăn uống, cần tránh thực phẩm nhiều muối, nhiều chất béo và cholesterol cao để giảm nguy cơ bị tăng huyết áp và lipid máu.

Thứ hai, tránh nghiện thuốc lá hoặc rượu để không làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu, dẫn đến xơ cứng động mạch và tạo ra các khối máu đông.

Theo chuyên gia khuyến cáo, nên có chế độ ăn nhạt, kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể mỗi ngày không quá 6 gram.

Vận động hợp lý và tích cực cũng có thể thúc đẩy tuần hoàn máu, hạ lipid máu, tăng tính đàn hồi của mạch máu. Từ đó, chúng ta góp phần nâng cao sinh mệnh, ngăn ngừa sự xuất hiện của các bệnh tim mạch và mạch máu não.

Sau 45 tuổi là thời kỳ nâng cao sinh mệnh, BẢO VỆ 4 nơi, tuổi thọ không rủ cũng tới - Ảnh 1.

Nên ăn nhiều trái cây, rau quả và ngũ cốc nguyên hạt. Ảnh: Sohu

Bảo vệ phổi - "Lá chắn" của cơ thể và sức khỏe

Các bệnh mãn tính về đường hô hấp cũng là một trong những căn bệnh chiếm tỷ lệ cao ở người trung niên và cao tuổi. Theo Sohu, ở người trên 40 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính lên tới 13,7%. Bệnh phổi thường có tác động rất lớn đến cơ thể, đặc biệt gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng tới đời sống thường ngày.

Làm thế nào để bảo vệ phổi và nâng cao sinh mệnh, bảo vệ sức khỏe của bản thân?

Đầu tiên, tránh xa các yếu tố gây bệnh, chẳng hạn như ô nhiễm không khí, khói thuốc lá, bụi từ công trường xây dựng, v.v...

Thứ hai, hình thành lối sống tốt như bỏ thuốc lá, giảm thiểu cơ hội hít khói thuốc thụ động. Nếu yếu tố nghề nghiệp khiến bạn bắt buộc phải tiếp xúc với khói bụi thì cần có biện pháp bảo vệ cho bản thân.

Nên uống nhiều nước, cố gắng đảm bảo môi trường xung quanh đủ ẩm, tăng cường vận động một cách hợp lý là những cách hữu hiệu để nâng cao khả năng miễn dịch cho phổi.

Cuối cùng, nên hình thành thói quen khám sức khỏe thường xuyên để ngăn ngừa và phát hiện sớm nếu có triệu chứng bất thường xuất hiện.

Bảo vệ gan là nhân tố hàng đầu không thể bỏ qua để nâng cao sinh mệnh

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư gan theo giới tính nam cao thứ 3 thế giới. Tại Việt Nam, ung thư gan đứng đầu trong các loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới và thứ 5 ở nữ giới với số mắc năm 2018 là 25.335 ca.

Các bệnh gan mạn tính khác như gan nhiễm mỡ, xơ gan, tổn thương gan do dùng thuốc… cũng rất phổ biến.

Số liệu cũng cho thấy, tỷ lệ mắc gan nhiễm mỡ không do rượu đã vượt quá 29%. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy giảm sức khỏe của gan. Trong đó, béo phì hoặc suy dinh dưỡng bắt nguồn từ thói quen ăn uống chiếm vai trò hàng đầu.

Vì vậy, để giảm tỷ lệ mắc các bệnh về gan mạn tính, điều quan trọng nhất là điều chỉnh khẩu phần dinh dưỡng của mình. Nhiều người bị suy dinh dưỡng dù ăn uống đầy đủ, cũng có người bị thừa cân, tăng mỡ dù khẩu phần ăn khá ít. Nguyên nhân nằm ở giá trị dinh dưỡng của thực phẩm mà họ nạp vào.

Để tăng sức khỏe cho gan, nâng cao sinh mệnh, nên cân bằng dinh dưỡng từ thực phẩm. Tránh nạp quá nhiều calo, chất béo, chú ý ăn nhiều thực phẩm có các loại vitamin, khoáng chất hữu ích.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vận động và đẩy nhanh quá trình tiêu mỡ, từ đó tránh béo phì, tránh gan nhiễm mỡ.

Muốn phòng bệnh gan trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta cũng nên lưu ý không được thường xuyên thức khuya, không uống thuốc tùy tiện, không sử dụng rượu bia quá nhiều.

Sau 45 tuổi là thời kỳ nâng cao sinh mệnh, BẢO VỆ 4 nơi, tuổi thọ không rủ cũng tới - Ảnh 2.

Bảo vệ bộ não của bạn

Hiện nay, rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng dân số già. Trở ngại lớn nhất đe dọa sức khỏe người lớn tuổi chính là bệnh Alzheimer. Theo kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở 2019, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2019 là 73,6 tuổi. Tỷ lệ sa sút trí tuệ thống kê được khoảng 5% dân số trên 60 tuổi và tăng dần theo tuổi.

Sau khi khởi phát bệnh, quá trình thoái hóa gây ra chết tế bào thần kinh ngày càng nghiêm trọng. Điều này dẫn tới chất lượng cuộc sống của hầu hết bệnh nhân đều không cao.

Mọi người chỉ có thể phòng bệnh hơn chữa bệnh, bảo vệ cho bộ não bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày.

Đặc biệt là những người lớn tuổi muốn nâng cao sinh mệnh, cần chú ý thực hiện những điều sau:

Tăng cường vận động thể chất có thể làm chậm quá trình suy giảm nhận thức một cách hiệu quả;

Bỏ hút thuốc và uống rượu cũng là một cách quan trọng để ngăn ngừa bệnh Alzheimer;

Trong chế độ ăn uống, nên chú trọng duy trì lượng dinh dưỡng cân bằng;

Những người thừa cân hoặc béo phì nếu tiến hành giảm cân hiệu quả thì có thể phòng bệnh Alzheimer tốt hơn;

Ngoài ra, cần ngăn chặn sự gia tăng đường huyết, huyết áp, lipid máu, can thiệp càng sớm thì nguy cơ mắc bệnh Alzheimer càng thấp.

*Theo Sohu

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên