MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sẽ lập trung tâm nghiên cứu hạt nhân cách TP HCM 80km

Trung tâm này rộng khoảng 100ha.

Sẽ lập trung tâm nghiên cứu hạt nhân cách TP HCM 80km- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai ký ban hành quyết định phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân tại xã Hàng Gòn, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Long Khánh cách TP HCM khoảng 80km.

Theo đó, việc xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân nhằm tăng cường tiềm lực, nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân quốc gia, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học chuyên ngành trình độ cao, có khả năng tiếp thu và làm chủ công nghệ hạt nhân tiên tiến, mở rộng và đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trung tâm được xây dựng với lò phản ứng nghiên cứu, hệ thống công nghệ, các phòng thí nghiệm và các thiết bị liên quan đến nghiên cứu, ứng dụng, các hạng mục công trình phụ trợ để vận hành và khai thác lò phản ứng.

Sẽ lập trung tâm nghiên cứu hạt nhân cách TP HCM 80km- Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ.

Đồng thời đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật phục vụ cho hoạt động ứng dụng khoa học hạt nhân, phát triển các ngành kinh tế trọng điểm, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, khoáng sản và các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Trung tâm được đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Lò phản ứng nghiên cứu có công suất 10MWt, các phòng thí nghiệm và các thiết bị liên quan.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân xây dựng có tổng diện tích gần 100ha, chủ đầu tư là Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.

Việt Nam có lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt

Hiện nay, Việt Nam có Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt). Nơi này được thành lập trên cơ sở tiếp quản Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt, Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) được thành lập theo Quyết định số 64/CP ngày 26/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ.

Do nhu cầu phát triển của ngành, trên cơ sở Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt), Nghị định số 59-CP ngày 23/02/1979 của Hội đồng Chính phủ đã thành lập Viện Nghiên cứu hạt nhân (có trụ sở chính tại Hà Nội) trong đó có Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Nghị định 87-HĐBT ngày 11/6/1984 của Hội đồng Bộ trưởng đã đổi tên Viện Nghiên cứu hạt nhân thành Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia và Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thành Viện Nghiên cứu hạt nhân hiện nay.

Tháng 3/2019, kỷ niệm 35 năm ngày khánh thành Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cũng là thời điểm Viện Nghiên cứu hạt nhân vừa tròn 40 năm hình thành và phát triển nếu lấy dấu mốc từ ngày mang tên Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Viện Nghiên cứu hạt nhân là tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, thực hiện chức năng quản lý, vận hành và khai thác Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt;

Sẽ lập trung tâm nghiên cứu hạt nhân cách TP HCM 80km- Ảnh 3.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.

Đồng thời, thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước; sản xuất, kinh doanh, cung cấp sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử và liên quan; xuất nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ cho các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Thủ tướng đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Việc thành lập ban chỉ đạo để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo và phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành, liên quan đến công việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân, tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bộ Công Thương mới đây đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân việc xem xét, tiếp tục giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Cùng với đó là việc cho phép EVN chỉ định tư vấn để rà soát, điều chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, bao gồm cả đề xuất các cơ chế đặc thù thực hiện dự án, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.

Kiến nghị khác của Bộ Công Thương là báo cáo cấp thẩm quyền cho chủ trương tái đàm phán, ký kết điều chỉnh Hiệp định, thỏa thuận với các quốc gia, đối tác thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2.

Trước đó, tại báo cáo triển khai kế hoạch năm 2025, EVN cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao tập đoàn tiếp tục đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo Dy Khoa

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM