MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sếp Nhựa An Phát: "Đừng lo lắng về chứng quyền, chúng tôi đã đàm phán được với trái chủ"

Theo lãnh đạo Nhựa An Phát, rủi ro từ pha loãng cổ phiếu do chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu là rất thấp. Ban lãnh đạo công ty đảm bảo EPS trong ba năm tới không dưới 1.700 đồng.

Trong đại hội đồng cổ đông AAA ngày 19/3/2016, Hội đồng quản trị AAA đã trình Đại hội đồng cổ đông và được chấp thuận Phương án phát hành 400.000 cổ phiếu thưởng và 2.000.000 cổ phiếu ưu đãi có giá 13.000 đồng/ cổ phiếu cho các cán bộ, nhân viên có nhiều thành tích đóng góp cho sự phát triển của AAA.

Hội đồng quản trị AAA đã xin phép và dự kiến thực hiện hoàn tất phát hành vào 5/5/2016. Tuy nhiên, các cán bộ, nhân viên của AAA đã có đơn đề nghị gửi tới Ban lãnh đạo xin được tự hạn chế chuyển nhượng số cổ phiếu này trong vòng 1 năm tới.

Đối với vấn đề được nhiều cổ đông của An Phát quan tâm là cuối năm 2015, công ty đã phát hành 300.000 trái phiếu (tổng mệnh giá 300 tỷ đồng) kèm chứng quyền. Nhà đầu tư nắm giữ số chứng quyền này được quyền mua tối đa 30 triệu cổ phiếu với giá phát hành không quá 11.500 đồng/cổ phiếu.

Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT của Nhựa An Phát - đã giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư.

Ông có thể chia sẻ kế hoạch cụ thể về việc thực hiện quyền mua tương ứng với chứng quyền như thế nào?

Theo thoả thuận của đợt phát hành trái phiếu kèm chứng quyền này, vào tháng 12/2016 nhà đầu tư có quyền chuyển đổi toàn bộ sang cổ phiếu. Tuy nhiên HĐQT công ty đã làm việc với các nhà đầu tư và thống nhất rằng họ sẽ không chuyển đổi 245.000 quyền mua trước tháng 6/2018, số còn lại là 55.000 quyền mua sẽ được tuỳ chọn thời điểm chuyển đổi sau tháng 12/2016.

Việc nhà đầu tư cam kết không chuyển đổi 245.000 quyền mua này trước tháng 6/2018 là một điều kiện rất thuận lợi, thể hiện được sự tin tưởng của các nhà đầu tư với ban lãnh đạo công ty, đồng thời cũng tránh làm pha loãng số cổ phiếu hiện tại.

Hiện VIB Hải Dương là nhà đầu tư trái phiếu, còn chứng quyền họ đã chuyển nhượng đi. Cho nên 2 giao dịch chuyển đổi chứng quyền và hoàn trả trái phiếu là 2 giao dịch tách biệt.

Tổng lượng cổ phiếu sẽ phát hành để thực hiện chứng quyền tương đương 60% lượng cổ phiếu đang lưu hành vậy có gây ra rủi ro pha loãng cổ phiếu?

Về việc pha loãng cổ phiếu, chúng tôi đã tính toán rất kỹ sau khi đã bàn bạc với các nhà đầu tư nắm giữ quyền chuyển đổi trái phiếu sang cổ phiếu. Cụ thể, AAA cố gắng duy trì trong ít nhất 3 năm tới, EPS không thấp hơn 2.000 đồng dựa trên cách tính như sau:

Giả định cuối năm nay các nhà đầu tư chuyển đổi 55.000 quyền, vốn công ty tăng lên khoảng 575 tỷ. Số cổ phiếu này sẽ niêm yết bắt đầu từ tháng 1/2017 nên vốn của AAA cho đến cuối năm 2016 vẫn là 520 tỷ. Lợi nhuận hợp nhất dự kiến năm 2016 khoảng 104 tỷ thì EPS năm 2016 là 2.000 đồng.

Sang năm 2017 khi nhà máy 6 và 7 lần lượt đi vào hoạt động, doanh thu dự kiến khoảng 2.900 tỷ, lợi nhuận dự kiến khoảng 170 tỷ, vốn công ty vẫn là 580 tỷ thì EPS năm 2017 là 2.900 đồng, năm 2018 sau chuyển đổi vốn công ty là 820 tỷ, doanh thu dự kiến khoảng 3.500 tỷ, lợi nhuận khoảng 210 tỷ thì EPS vẫn là khoảng 2.500 đồng. Chúng tôi tin là như vậy sẽ hoàn toàn tránh được rủi ro pha loãng cổ phiếu cho các nhà đầu tư và hoàn toàn đảm bảo lợi ích của các cổ đông.

A.D

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên