MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần phải có chính sách đồng bộ

29-09-2014 - 12:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Nguyễn Đức Hưởng, tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu cần có chính sách đồng bộ của Chính phủ, có giải pháp của các cấp các ngành…

Tái cơ cấu NH đang tiến dần đến đích

Trước hết phải khẳng định rằng, Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 không đặt vấn đề xử lý tất cả mọi tồn tại, yếu kém trong giai đoạn này mà xác định mục tiêu là: “Tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động NH”.

Xuyên suốt mục tiêu trên, hơn 2 năm qua hệ thống NH triển khai chủ động, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, đến nay đã đạt được một số kết quả tích cực bước đầu quan trọng tạo nền tảng cho việc đẩy nhanh, vững chắc cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn tiếp theo. An toàn của hệ thống TCTD được bảo đảm, nguy cơ gây đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi, khả năng chi trả của các TCTD được cải thiện, tài sản của Nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn, chi trả đầy đủ, kịp thời, kể cả ở một số NHTMCP yếu kém phải cơ cấu lại. Đồng thời, người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách cơ cấu lại các TCTD của Đảng và Nhà nước.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tuy việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, nhưng hệ thống NH vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ NH cho nền kinh tế trong quá trình cơ cấu lại. Với những kết quả tái cơ cấu NH khá tích cực trong 2 năm qua đã góp phần đưa 11 NH của Việt Nam được lọt vào danh sách 1.000 NH thế giới năm 2014 do Tạp chí The Banker mới công bố. Trong xếp hạng NH khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các NH Việt Nam chiếm đa số trong top 10.

Những kết quả đạt được ban đầu về cơ cấu lại các TCTD đã góp phần hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ, ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo cơ sở để đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn tiếp theo. Tuy ngành NH tiếp tục đặt quyết tâm về đích theo đúng lộ trình tái cơ cấu, nhưng thời gian tới quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD sẽ đối mặt với không ít khó khăn.

Có một thực tế mà ai cũng nhận thấy rõ đó là hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN còn nhiều khó khăn, thị trường bất động sản phục hồi chậm... sẽ ảnh hưởng không ít tới quá trình tái cơ cấu các TCTD, đặc biệt là việc huy động vốn, thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của NH. Một áp lực không hề nhỏ nữa là trong quá trình cơ cấu lại, các TCTD vừa bảo đảm mục tiêu chấn chỉnh, củng cố, xử lý tồn tại, yếu kém vừa phải tiếp tục tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Như vậy, nguồn lực của TCTD chắc chắn bị phân tán và có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu đã đề ra. Những bất cập trong khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, sự thiếu đồng bộ, đồng thời thực thi pháp luật có nơi, có lúc chưa được nghiêm, chưa bảo vệ quyền của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD...

Những vấn đề liên quan đến pháp lý trên cũng là một trong những rào cản lớn đối với các NĐT trong nước và nước ngoài tham gia thúc đẩy quá trình tái cơ cấu về đích đúng lộ trình. Một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng, đó là DN chưa chủ động tái cơ cấu hoạt động, tăng cường năng lực tài chính, quản trị, khắc phục khó khăn để trả nợ NH do còn tồn tại tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước và kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường. Nhiều trường hợp khách hàng vay chây ỳ, trốn tránh trách nhiệm trả nợ, không hợp tác với NH trong việc xử lý nợ.

Hóa giải những thách thức

Dù đối mặt với nhiều rào cản nhưng điều đó không có nghĩa là không có những giải pháp hóa giải khó khăn thách thức đó. Từ những kinh nghiệm tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu trong thời gian qua, nếu chỉ triển khai bằng các giải pháp đơn phương của NH thì không thể có hiệu quả nhanh như mong muốn. Vì hoạt động tín dụng NH như lăng kính phản ánh hoạt động kinh tế, hậu quả nợ xấu ngoài những nguyên nhân chủ quan của cán bộ tín dụng NH còn có nguyên nhân khách quan do sự đổ bể của các DN, cá nhân mà nguyên nhân sâu xa chính là sự yếu kém của nền kinh tế chịu sự điều tiết của quy luật thị trường…

Chính vì vậy, tái cơ cấu NH và xử lý nợ xấu cần có chính sách đồng bộ của Chính phủ, có giải pháp của các cấp các ngành… Bên cạnh việc xử lý nợ xấu kiên quyết thì cái gốc là tìm đầu ra cho sản phẩm và cần thiết có những gói kích cầu, những cú hích đột phá về cơ chế kinh tế tạo hiệu ứng dây chuyền cho các ngành nghề và công ăn việc làm cho người lao động…

Ở Việt Nam, lĩnh vực NH có tính nhạy cảm rất cao, vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng với NHNN để ổn định tâm lý người gửi tiền, nhà đầu tư, góp phần ổn định môi trường kinh tế - xã hội và đảm bảo an toàn hệ thống NH.

Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, kịp thời giữa các cơ quan chức năng trong việc truyền thông, hoạch định, thực thi chính sách và xử lý vi phạm pháp luật, bao gồm cả việc hỗ trợ NH thu giữ, xử lý tài sản, điều tra, xét xử và thi hành án để thu hồi vốn cho NH cũng rất cần thiết. Để tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh, đầu tư, mua bán, xử lý nợ và tài sản bảo đảm, thời gian tới khung pháp lý tiếp tục hoàn thiện, hệ thống cơ chế, chính sách theo hướng minh bạch, công khai; từng bước áp dụng cơ chế phá sản TCTD với các quy định rõ ràng, minh bạch và thủ tục đơn giản hơn để giảm bớt chi phí cho Nhà nước cũng như xã hội.

Một vấn đề rất quan trọng và đang là lực cản đối với các TCTD cần được gỡ bỏ đó là hạn chế hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự. Về nguyên tắc, những vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm nhưng cần ưu tiên áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, thu hồi tối đa tiền, tài sản cho Nhà nước, nhân dân và NH.

Để đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, một trong những điểm mấu chốt là cần sớm xử lý có hiệu quả vấn đề nợ xấu. Rõ ràng, nợ xấu không chỉ là vấn đề của ngành NH mà còn là khó khăn cần tháo gỡ của DN và của cả nền kinh tế. Do đó, Nhà nước cũng cần dành một số tiền nhất định để hỗ trợ, tạo động lực cho việc xử lý nợ xấu, qua đó sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.


TS Nguyễn Đức Hưởng

Phó chủ tịch thường trực HĐQT LienVietPostBank

hangnt

Theo thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên