MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đơn vị được bán vàng lãi lớn

10-10-2011 - 07:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Giải pháp cho phép bán vàng ra thị trường để kéo giá trong nước sát giá thế giới của NHNN cuối tuần qua đã khiến người mua vàng lỗ nặng trong khi các đơn vị được "chọn mặt bán vàng" thu lợi nhuận khổng lồ.

Thu lời hàng trăm tỉ đồng

Theo quy định, các NH không được phép bán lượng vàng huy động ra thị trường. Đó là lý do, dù tồn cả trăm tấn vàng trong hệ thống NH nhưng từ đầu năm tới nay, ngân sách vẫn phải xuất hàng tỉ USD nhập vàng bình ổn thị trường. Khi giải pháp "cấp quota nhập vàng - giá giảm" đã mau chóng hết tác dụng, giá vàng trong nước vẫn bỏ xa giá vàng thế giới tới 3 - 4 triệu đồng/lượng.

Cuối tuần qua, NHNN đã quyết định dùng thêm một biện pháp được coi là "kháng sinh liều cao" khi cho phép 5 NH thương mại và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC (5+1) bán vàng ra thị trường để kéo giá vàng trong nước sát với giá thế giới. Đồng thời, cho phép các đơn vị này, mở tài khoản đầu tư vàng nước ngoài để cân bằng trạng thái.

Được phép mua vàng thế giới giá thấp, bán trong nước giá cao, các đơn vị được "chọn mặt bán vàng" này đã bỏ túi một khoản lợi nhuận cực lớn. Cụ thể, chỉ tính riêng phiên đầu tiên được phép bán vàng ngày 6.10, với 6 tấn vàng (tương đương 160.000 lượng) mà các đơn vị này đã tung ra thị trường, độ chênh giữa vàng trong nước và thế giới phiên này từ 1,3 - 1,5 triệu đồng/lượng, số lời mà 6 đơn vị này thu về khoảng 200 tỉ đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng với lợi nhuận cao như thế rất dễ dẫn đến tình trạng các đơn vị này sẽ cùng bắt tay duy trì một khoảng cách nhất định giữa giá vàng trong nước và giá thế giới để tiếp tục thu lợi.

Theo ông Lê Đạt Chí - Tổ trưởng bộ môn tài chính, ĐH Kinh tế TP.HCM, cách làm này chỉ làm lợi cho nhóm 5+1. Họ đứng giữa và hưởng lợi trọn gói. Hiện một số NH trả lãi suất huy động vàng là 1,5%/năm. Sắp tới NHNN quy định trần lãi suất huy động vàng có thể là 0,5% sẽ càng tạo điều kiện cho các đơn vị này kiếm lời cao.

Trong khi các đơn vị được phép bán vàng lãi khủng như nói trên thì những người mua vàng, chỉ sau 2 phiên áp dụng giải pháp này đã lỗ trên 1 triệu đồng/lượng. Nếu giá vàng tuần này sẽ tiếp tục giảm như dự báo, mức lỗ còn nặng hơn.

Thiếu công bằng

TS Lê Thẩm Dương - Trưởng khoa Quản trị kinh doanh, ĐH Ngân hàng TP.HCM cho rằng, "giải pháp 5+1" của NHNN "nhìn" thì không sai nhưng chỉ là một biện pháp tình thế, không thể duy trì lâu dài. Bởi giải pháp "2 bình thông nhau" (cho mở vàng tài khoản) - giải pháp được đánh giá là hữu hiệu nhất để đưa giá vàng trong nước tiệm cận giá thế giới mà chỉ "thông" qua vài đơn vị nói trên thì chẳng khác nào một bên là bình lớn, một bên là ống nhỏ. Hoặc sẽ thông chậm, hoặc sẽ lại tắc nghẽn nên khó giải quyết được vấn đề.

Theo TS Dương, nếu dùng giải pháp này, nên công bố những tiêu chuẩn, những điều kiện công khai, đơn vị nào đáp ứng được các tiêu chuẩn, các điều kiện đó thì được phép tham gia. Với những đơn vị nhỏ, không đủ chuẩn, cũng cần có cơ chế cho họ tham gia thông qua các đơn vị đạt chuẩn hay quỹ đầu tư... chứ không thể tạo "cơ chế riêng" cho một nhóm như nói trên.

Cùng quan điểm này, TS Hoàng Công Gia Khánh - Trưởng khoa Ngân hàng, ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM nhận xét, việc chỉ cho vài đơn vị được giao dịch vàng tài khoản và bán vàng trong nước sẽ tạo sự thiếu công bằng cho các đơn vị còn lại. Vì vậy, nên ban hành các điều kiện chuẩn mực để tạo sự công bằng trên thị trường.

Quan trọng hơn, nếu sử dụng giải pháp này phải quy định một tỷ lệ lợi nhuận phù hợp cho các đơn vị được phép tham gia. Bởi mục đích chính của giải pháp này là kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới chứ không phải để các đơn vị kiếm lời khủng

"Lấy giá vàng thế giới cộng với lợi nhuận biên hợp lý rồi quy ra trần giá bán của các đơn vị. Như vậy mới hy vọng kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới. Các đơn vị tham gia ngoài việc tăng giá trị về uy tín, thương hiệu vẫn được bảo đảm bằng một khoản lợi nhuận thực", TS Khánh nói.

Ông Lê Đạt Chí cho rằng không loại trừ trường hợp, nhóm 5+1 này sau khi bán mạnh vàng ra thu lợi nhuận lợi như nói trên. Đến khi giá vàng trong nước xuống thấp hơn giá thế giới, họ lại âm thầm mua vào và bán ra khi giá tăng rồi lại mua vàng thế giới qua tài khoản... Với việc "độc quyền" kinh doanh chênh lệch giá, các đơn vị này sẽ luôn có lãi. Chỉ có Nhà nước và người mua vàng là phải chịu hậu quả.

Cẩn trọng tác dụng ngược

Sau 2 phiên giảm liên tục và đi ngược chiều với giá thế giới, câu hỏi lớn nhất của thị trường vàng tuần này là, liệu giải pháp "xả vàng kéo giá" của NHNN có tiếp tục có tác dụng trong tuần này? TS Lê Thẩm Dương cho rằng, nếu hôm nay, giá vàng thế giới tăng mạnh thì người dân sẽ bất chấp sự sai biệt giữa giá trong nước và giá thế giới để tiếp tục lao vào mua vàng. Bởi chỉ trông cậy vào 6 đơn vị này sẽ chưa đủ cơ sở để chứng minh giá trong nước sẽ sát với giá thế giới. Cung không đủ, vàng nhập không kịp sẽ dẫn đến tác dụng ngược. Còn ông Lê Đạt Chí thì cho rằng, về tâm lý và do mới thực hiện, giải pháp này sẽ giúp thị trường vàng có trật tự nhưng vì đây là biện pháp tình thế nên theo thời gian sẽ bị bóp méo và những vấn đề của thị trường vàng, chưa thể giải quyết.

Vẫn áp lực lên tỷ giá

Theo ông Lê Đạt Chí, ưu điểm của giải pháp này là khi mua vàng ở nước ngoài qua tài khoản, các đơn vị chỉ phải ký quỹ một phần chứ không phải trả tiền toàn bộ nên áp lực tỷ giá không lớn như khi nhập vàng vật chất. Tuy nhiên, do mức biến động vàng khá cao nên trên nhiều sàn vàng quốc tế đã nâng tỷ lệ ký quỹ lên khá cao (sàn Comex, nâng tỷ lệ ký quỹ (margin) đối với vàng thêm 21,5%; sàn Thượng Hải từ 12% lên 13% giá trị hợp đồng...). Nếu tình trạng mua vàng "cất dưới gầm giường" vẫn kéo dài thì chắc chắn đến lúc phải nhập vàng vật chất, áp lực lên tỷ giá là điều có thể báo trước.


Theo Nguyên Hằng

Thanh niên


tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên