MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng để cơ hội gặp lực cản từ thách thức

03-07-2013 - 13:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc tận dụng các tác động tích cực của việc gia nhập WTO chỉ có được khi “sức khỏe” nội tại của các ngân hàng thương mại trong nước đủ để cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.

Cú hích cho tăng trưởng

Nhìn lại 6 năm gia nhập WTO, PGS - TS Nguyễn Thị Mùi - Giám đốc Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực VietinBank đánh giá, gia nhập WTO tạo cơ hội cho các NHTM trong nước tiếp cận vốn quốc tế, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại về quản lý và hoạt động ngân hàng dễ dàng, hiệu quả hơn.

Mặt khác, việc gia nhập WTO với những cam kết tự do hoá về mặt tài chính cũng tạo động lực cho các NHTM Việt Nam thực hiện cải tổ toàn diện về mặt tổ chức, năng lực tài chính, khả năng quản trị và ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ và cải thiện tính minh bạch trong hoạt động.

Việc tăng vốn điều lệ đã góp phần củng cố năng lực tài chính, đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của các NHTM trong nước. Khả năng sinh lời của các NHTM thể hiện qua chỉ tiêu ROA, ROE đều được cải thiện, đa phần ROE trên 10% và ROA trên 1%.

Tính đến tháng 3/2013, đã có 11 ngân hàng trong đó có 2 NHTM Nhà nước lớn thực hiện chào bán thành công cổ phần cho đối tác nước ngoài đều là các ngân hàng lớn trong khu vực và trên thế giới.

Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Hà Huy Tuấn cũng cho rằng, gia nhập WTO là cú hích cho sự vươn lên mạnh mẽ của các NHTM, nhất là NHTMCP. Mặc dù, khối NHTM Nhà nước vẫn giữ vị trí chi phối, song vào năm 2010, lần đầu tiên NHTMCP vượt khối Nhà nước về tổng tài sản. “Sự trỗi dậy của khối này trước áp lực cạnh tranh và vận hội mới là những minh chứng tích cực cho phát triển hệ thống ngân hàng sau khi gia nhập WTO”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Song đi sâu vào quá trình phát triển này cho thấy những khó khăn bất cập chưa có tiền lệ đã nảy sinh. TS. Hà Huy Tuấn phân tích: tâm lý hưng phấn và những đánh giá tích cực về triển vọng nền kinh tế đã khiến tổng cầu qua tín dụng, đầu tư và tiêu dùng tăng mạnh, kéo theo đó là áp lực tăng giá tài sản tài chính và bất động sản… Cũng từ đấy sự mất cân đối nội tại của nền kinh tế bộc lộ ngày càng rõ nét.

Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra vào năm 2008 đã tác động mạnh đến kinh tế vĩ mô nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng. Các cơn sốt nóng – lạnh về nhà đất, chứng khoán… là những minh chứng rõ nét về sự méo mó của thị trường trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư, lãng phí nguồn lực.

Trong khi đó hệ thống tài chính còn nhiều bất cập và tư duy chiến lược phát triển chưa hợp lý vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng, do quy mô thị trường vốn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.

Chính vì vậy, để đáp ứng tăng trưởng kinh tế, tín dụng ngân hàng tăng trưởng nóng trong một thời gian dài trong khi quản lý giám sát ngân hàng chưa bắt kịp với những vận động nhanh chóng của thị trường tất yếu gây ra những mất cân đối về thanh khoản và tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

Không những vậy, theo TS. Nguyễn Thị Mùi, những bất ổn của hệ thống ngân hàng nội sẽ là cơ hội tốt cho khối ngân hàng ngoại đẩy mạnh tăng trưởng cả về lượng và chất ở tất cả các phân khúc thị trường.

Vì thế không ít ý kiến cho rằng, nền kinh tế nói chung, hệ thống ngân hàng nói riêng chưa tận dụng tối đa các cơ hội là thành viên WTO mang lại.

Cách nào tận dụng cơ hội WTO?

Có thể nói, bức tranh hệ thống ngân hàng ở Việt Nam sau gia nhập WTO đã có những chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức mà các NHTM phải đối mặt như: quy mô về vốn vẫn còn nhỏ bé, kênh sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn, chất lượng phục vụ, khả năng quản trị còn yếu.

Trong khi đó, các ngân hàng nước ngoài và các định chế tài chính phi ngân hàng tham gia ngày càng sâu rộng vào thị trường ngân hàng bán lẻ của Việt Nam. “Và với một thị trường được đánh giá là nhiều tiềm năng, các tổ chức này sẽ cạnh tranh thị trường mạnh hơn với ngân hàng về các hoạt động huy động vốn cũng như đầu tư”, TS. Đỗ Thị Thủy - Ủy viên HĐQT VietinBank nhận định.

Do vậy, các NHTM trong nước sẽ đối mặt với nguy cơ mất dần lợi thế về dịch vụ ngân hàng bán lẻ từ mạng lưới các kênh phân phối và cơ sở khách hàng đã có sẵn. Tuy nhiên, theo TS. Hà Huy Tuấn, trong thời gian tới các ngân hàng nước ngoài có thể chỉ tập trung vào các khách hàng lớn, tức là thị trường bán buôn. Đối với thị trường bán lẻ, có khả năng họ sẽ không quan tâm nhiều, do bài toán lợi ích khi chi phí bỏ ra không mang lại hiệu quả tương xứng. Nguyên nhân là do mức sống và thói quen tiêu dùng của người dân đối với các dịch vụ “ngoại” còn hạn chế. Do vậy, thị trường khách hàng tầm trung và tầm thấp sẽ là mục tiêu tốt cho các ngân hàng nội.

Song, việc tận dụng các tác động tích cực của việc gia nhập WTO chỉ có được, khi “sức khỏe” nội tại của các NHTM trong nước đủ để cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài. Điều này đòi hỏi các NHTM phải tiếp tục tăng vốn để đảm bảo mức vốn tự có theo tiêu chuẩn Basel II thông qua việc phát hành cổ phần bổ sung và nguồn vốn từ Chính phủ. Các ngân hàng nội cũng nên cân nhắc phương án tái cơ cấu và sáp nhập để tăng cường năng lực hoạt động trong bối cảnh cạnh tranh mới là đề xuất của nhiều chuyên gia hiện nay.

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, nên xem xét việc liên thông thể chế tài chính, ngân hàng, bất động sản, vì thực tế thời gian qua có nhiều người đầu tư bất động sản nhưng không có vốn và năng lực, toàn “tay không bắt giặc”, nên đến khi khó khăn thì để lại hậu quả lớn. Do đó, nếu thể chế cũng như hoạt động của hệ thống ngân hàng không được cải thiện, có thể chưa giải quyết xong cục nợ xấu này sẽ có thêm một cục nợ xấu khác.

Bà Mùi cũng cho rằng, cần nhanh chóng rà soát các cơ chế chính sách tác động đến nền kinh tế và hoạt động ngân hàng. Cụ thể: khung pháp lý về thành lập ngân hàng theo hướng tốt nhất ngay từ khi thành lập; sửa đổi, bổ sung Luật Phá sản, cho phép ngân hàng tịch biên tài sản nếu DN cố tình chây ỳ trả nợ…

Sau 6 năm tham gia vào “sân chơi toàn cầu” với luật chơi khắt khe hơn và nhiều đối thủ mạnh hơn, để có thể tiếp tục khẳng định chỗ đứng tại sân chơi này thì việc đổi mới mạnh mẽ hệ thống ngân hàng phải được coi là yêu cầu cấp bách.

Theo Huyền Thanh

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên