MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Huệ “taxi” khiến hai chi nhánh ngân hàng điêu đứng như thế nào?

25-10-2013 - 21:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Để dễ dàng chiếm đoạt hơn 64 tỷ đồng và 600 chỉ vàng, đối tượng khoác áo đại gia thành lập doanh nghiệp và làm quen với cán bộ ngân hàng (NH) thực hiện hàng loạt phi vụ lừa đảo.

Áo đại gia che mắt thiên hạ

Viện kiểm sát nhân dân TP.Cần Thơ vừa ra cáo trạng truy tố Trần Thị Bạch Huệ (SN 1979), chủ Doanh nghiệp tư nhân dịch vụ thương mại du lịch Thúy Nga, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Năm đối tượng khác cũng đang chờ phán quyết của pháp luật.

Khi Huệ xộ khám, người dân TP.Cần Thơ hết sức ngạc nhiên bởi đối tượng được xem là đại gia ở đất này. Cuối năm 2007, Huệ làm nhiều doanh nghiệp (DN) phải lác mắt khi khai trương dịch vụ Green Taxi tại khách sạn 4 sao ở TP.Cần Thơ. Theo Huệ, đây là mô hình taxi tiên phong ở Tây Đô với phương châm khách hàng là thượng đế.

Nhiều khách tham dự đã dành cho Huệ những lời khen hết sức ấn tượng. Lúc đó Huệ thường lui tới các nhà hàng sang trọng để chứng tỏ “đẳng cấp” của mình. Thời hoàng kim, Huệ “taxi” làm quen với những người kinh doanh có máu mặt ở Tây Đô để mở rộng giao thiệp và sẵn sàng tặng đối tác hàng loạt phiếu taxi miễn phí trong buổi đầu gặp gỡ đồng thời nghĩ cách kết thân với cán bộ NH và đầu tư địa ốc. Khi Green Taxi của Huệ lâm cảnh khó khăn thì nữ giám đốc trở thành người nhà của cán bộ NH. Trong đó, hai nơi thân tín nhất là NH thương mại cổ phần Việt Á (VietAbank) và NH thương mại cổ phần Phương Tây - Sở giao dịch Cần Thơ (WesternBank Cần Thơ).

Phi vụ đầu tiên Huệ nhắm tới là lợi dụng sự quen biết với khách hàng để “bỏ con tép bắt con tôm”. Tháng 9-2009, vợ chồng anh Lý Hội vay của Huệ 220 triệu đồng, lãi suất 4%/tháng. Biết vợ chồng anh có mảnh đất 1.500m2, qua những lần ăn sáng tán gẫu với nhau, Huệ đề nghị anh Hội đảm bảo số nợ vay bằng hợp đồng (HĐ) chuyển nhượng đất có thời hạn cho Nguyễn Hoàng Kha, người Huệ thuê đứng tên. Tin lời, ngày 4-9-2009, vợ chồng anh Hội đến Phòng công chứng số 1 ký kết HĐ chuyển nhượng giá 300 triệu đồng. Huệ cam kết trong sáu tháng anh Hội có quyền mua lại đất; nếu hai tháng không đóng lãi, Huệ sẽ sang tên cho người khác.

Lừa cả ngân hàng

Hợp đồng được ký, cùng ngày Huệ tìm gặp Nguyễn Minh Bảo - Giám đốc Phòng giao dịch Phú An VietABank - vay 800 triệu từ HĐ chuyển nhượng đất với vợ chồng anh Hội. Sau đó, Huệ tranh thủ kết thân với giám đốc NH và mượn lại HĐ đã thế chấp cùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) để làm thủ tục sang tên. Bảo làm theo lời Huệ. Sau đó Huệ tìm đến Phòng công chứng 24H chuyển nhượng cho cha ruột là Trần Cang Trực để thế chấp vay WesternBank Cần Thơ 550 triệu đồng. Chỉ bằng thủ thuật trên, Huệ đã chiếm đoạt của hai chi nhánh NH gần 1,2 tỷ đồng.

Khi điều tra hành vi phạm tội của Huệ, trinh sát vô cùng ngạc nhiên trước thái độ tắc trách của cán bộ NH. Cụ thể, tài sản chưa công chứng HĐ thế chấp, chưa đăng ký giao dịch đảm bảo và sang tên nhưng đều được giải ngân cho vay, tạo điều kiện để Huệ chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. 

Ngày 9-10-2010, Huệ nhận chuyển nhượng hơn 7.500m2 đất của ông Nguyễn Văn Nam (TP.Cần Thơ) bằng hình thức ký ủy quyền cho em ruột là Trần Thị Kim Luyến. Sau đó, thị chỉ đạo Luyến lần lượt ký HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho năm người khác với tổng giá trị thể hiện 1 tỷ đồng. Các HĐ này được đưa vào thế chấp tại Phòng giao dịch Phú An VietABank để đổi lấy năm hồ sơ thế chấp trước đó, vay 3,8 tỷ. Ngày 22-2-2011, Huệ gặp Bảo mượn tài sản đã thế chấp để sang tên nhưng thực ra là đưa cho vợ chồng Luyến đến Phòng công chứng số 2 Cần Thơ ký chuyển nhượng cho ông Trần Văn Mãi (Q. Ninh Kiều) với giá 2 tỷ đồng. Phi vụ trên Huệ chiếm đoạt của VietABank 3,8 tỷ và ông Mãi 2 tỷ.

Chiếm đoạt tiền tỷ dễ như trở bàn tay, Huệ tiếp tục chuyển nhượng gần 9.800m2 đất của ông Nguyễn Hùng Hưng (TP.Cần Thơ) ủy quyền cho chồng cũ là Nguyễn Duy Tạo đứng ra ký HĐ chuyển nhượng hình thức cho 10 người Huệ thuê đứng tên với tổng giá trị thể hiện 1 tỷ đồng. Tiếp đó, Huệ thuê số này đứng tên vay tiếp của VietABank 8 tỷ dưới hình thức thế chấp bằng tài sản hình thành từ vốn vay. Giải ngân xong, Huệ nhận lại tài sản, làm thủ tục xin cấp GCNQSDĐ nhưng không giao lại cho NH mà tiếp tục chuyển sang đất thổ cư, phân thành 14 nền rồi vừa trực tiếp vừa thông qua môi giới là Công ty TNHH Hoàng Kim bán cho 11 người. Tổng cộng, Huệ chiếm đoạt của VietABank 8 tỷ và 11 người dân gần 1,5 tỷ. 

Một phi vụ khác, Công ty TNHH Hoàng Kim còn sập bẫy Huệ hơn 3,8 tỷ. Ngoài ra, Huệ còn vay 600 chỉ vàng SJC tại Phòng giao dịch Phú An VietABank rồi chiếm đoạt và làm giả bốn giấy đăng ký xe ôtô, mang đi cầm.

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, tổng số tiền Huệ “taxi” lừa đảo, chiếm đoạt của các bị hại hơn 64 tỷ đồng và 600 chỉ vàng; trong đó, VietABank vướng gần 46 tỷ và 600 chỉ vàng. Cùng bị truy tố với Huệ còn có Luyến và bốn cán bộ NH vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tín dụng.

Theo Đăng Khoa

hangnt

Công an TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên