MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi ngân hàng bị “tước quyền” khởi kiện

12-06-2013 - 14:47 PM | Tài chính - ngân hàng

Đến hạn trả nợ, DN bỏ trốn khỏi nơi cư trú, che giấu địa chỉ cư trú. Ngân hàng khởi kiện, nhưng tòa không thụ lý vụ án vì không xác định địa chỉ người bị kiện.

Nếu việc áp dụng pháp luật tiếp tục được thừa nhận, áp dụng rộng rãi, ngân hàng sẽ phải “ngậm bồ hòn” với đống nợ xấu ngày càng gia tăng dù khoản vay đã có tài sản bảo đảm.

Chuyện của MB

Theo phản ánh của NHTMCP Quân đội (MB), ngày 31/5/2011, đơn vị này có cho một DN vay hơn 100 tỷ đồng để phục vụ sản xuất kinh doanh. Để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ, khách hàng đã thế chấp cho MB các tài sản gồm: 3 quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, 2 xe ô tô, 68 thiết bị máy móc và hàng tồn kho, hàng tồn kho luân chuyển là hạt nhựa công nghiệp và khoản phải thu.

Đến tháng 10/2012, khách hàng phát sinh nợ quá hạn, ngân hàng đã nhiều lần thông báo yêu cầu khách trả nợ nhưng khách hàng không có thiện chí trả nợ. Tháng 11/2012, người đại diện theo pháp luật của DN đã bỏ đi khỏi nơi cư trú, theo xác minh thông tin MB được biết đối tượng này đã đi sang nước ngoài (Canada).

MB đã tiến hành thủ tục khởi kiện khách hàng nhằm thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ. Tuy nhiên, khi MB và một số nguyên đơn dân sự khác khởi kiện thì được Tòa án hướng dẫn và giải thích đối với trường hợp bị đơn đã bỏ đi khỏi nơi cư trú trước khi Tòa án thụ lý vụ việc thì Tòa án ra quyết định "đình chỉ giải quyết vụ án" theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 168 Bộ luật Tố tụng dân sự. Đồng thời, trả lại đơn khởi kiện cho ngân hàng với lý do chưa có đủ điều kiện khởi kiện vì một trong các điều kiện là nguyên đơn phải cung cấp được địa chỉ của bị đơn.

Bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng giám đốc MB cho biết, phía MB và các nguyên đơn khác đã giải thích với Tòa án theo quy định tại tiểu mục 8.6 mục 8 Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các quy định trong phần thứ hai.

Theo đó, thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm của Bộ luật Tố tụng dân sự có quy định: "Đối với trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện có ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện, cho Tòa án, nhằm mục đích giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện, thì được coi là trường hợp người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ. Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết vụ án theo thủ tục chung". Tuy nhiên, căn cứ này không được Tòa án chấp nhận.

Không thụ lý là trái luật?

Về việc xác định địa chỉ người bị kiện, theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự, đơn khởi kiện bắt buộc phải có tên, địa chỉ của người bị kiện. Quá trình áp dụng này vào thực tiễn đã phát sinh một số cách hiểu không thống nhất, gây khó khăn cho TCTD trong việc thu hồi nợ.

Cụ thể, trong quá trình cấp tín dụng, TCTD tiến hành thẩm định khách hàng thận trọng, ghi nhận đầy đủ thông tin về địa chỉ thường trú trên sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân của khách hàng vào các hợp đồng tín dụng. TCTD cũng quy định khách hàng phải cung cấp địa chỉ mới của khách hàng ngay khi có sự thay đổi.

Đặc biệt, TCTD và khách hàng còn ký kết các hợp đồng thế chấp, cầm cố tài sản để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng. Việc thế chấp, cầm cố này được thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký, công chứng theo đúng quy định.

Tuy nhiên, khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ, TCTD khởi kiện khách hàng để thu hồi nợ thì một số Tòa án đã từ chối giải quyết như không thụ lý đơn khởi kiện, ra quyết định đình chỉ vụ án với lý do địa chỉ trên Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm không phải là địa chỉ hiện tại của khách hàng, mặc dù địa chỉ này được xác định theo hộ khẩu, chứng minh nhân dân khách hàng cung cấp và theo kết quả thẩm định của TCTD.

Để được tiếp tục giải quyết, Tòa án yêu cầu TCTD thực hiện các biện pháp tìm kiếm địa chỉ mới của khách hàng. Tuy nhiên, do khách hàng cố tình lẩn trốn nên không thông báo địa chỉ mới của khách hàng cho Tòa án. Do đó, TCTD không thể thực hiện được quyền khởi kiện. Đồng thời, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của khách hàng với TCTD cũng bị vô hiệu hóa; quá trình thu hồi nợ không thể thực hiện được mặc dù khoản nợ có tài sản bảo đảm.

Theo các ngân hàng, việc hiểu và áp dụng pháp luật của một số Tòa án như trên là chưa phù hợp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của TCTD. Bởi theo quy định tại tiểu mục 8.6 mục 8 phần I Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã quy định rất rõ ràng, trong trường hợp người khởi kiện ghi đầy đủ cụ thể và đúng địa chỉ của người bị kiện, nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho người khởi kiện nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì được coi là trường hợp người bị kiện cố tình giấu địa chỉ. Tòa án tiến hành thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.

Trong trường hợp này, địa chỉ khách hàng ghi trên đơn khởi kiện cũng là địa chỉ trên các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm là địa chỉ được lấy từ sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và theo cung cấp của khách hàng. Đây là cơ sở phản ánh chính xác nhất thông tin về khách hàng. TCTD cũng chỉ có thể cung cấp thông tin về địa chỉ của khách hàng cho Tòa án theo nguồn này.

Hơn nữa, theo quy định tại Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm được ký giữa TCTD với khách hàng thì khách hàng cam kết địa chỉ ghi trong các hợp đồng này là địa chỉ hợp pháp hiện nay của khách hàng. TCTD sẽ tiến hành gửi văn bản, thông báo để yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ trả nợ dựa trên địa chỉ này. Việc khách hàng cố tình thay đổi địa chỉ mới nhưng không thông báo cho TCTD dẫn đến TCTD không thể yêu cầu khách hàng thực hiện được nghĩa vụ hoàn toàn có thể được xem là hành vi cố tình giấu địa chỉ nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với TCTD.

Như vậy, khi khách hàng cố tình thay đổi, giấu địa chỉ mới nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ với TCTD, Tòa án phải thụ lý vụ án theo thủ tục chung. Khi đó, địa chỉ trên các Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm được ký giữa TCTD với khách hàng phải được xem là địa chỉ hiện tại của khách hàng. Việc TCTD sử dụng địa chỉ này trên đơn khởi kiện là hoàn toàn phù hợp, đáp ứng điều kiện khởi kiện quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 164 Bộ luật Tố tụng dân sự.

Vô hiệu hóa nghĩa vụ trả nợ sẽ là tiền lệ xấu

Việc một số Tòa án buộc TCTD phải cung cấp địa chỉ hiện tại của khách hàng ngay cả khi khách hàng cố tình giấu địa chỉ đã tước đi quyền khởi kiện, quyền được xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ của TCTD. Nếu việc áp dụng pháp luật trên được thừa nhận, áp dụng rộng rãi sẽ dẫn đến hệ quả là khi nghĩa vụ trả nợ đến hạn, khách hàng sẽ cố tình thay đổi địa chỉ, giấu địa chỉ hiện tại để TCTD không thể yêu cầu Tòa án thụ lý, làm vô hiệu hóa toàn bộ các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách hàng ngay cả khi các biện pháp bảo đảm này được thực hiện đầy đủ các thủ tục công chứng, đăng ký theo quy định của pháp luật, từ đó trốn tránh thực hiện nghĩa vụ với TCTD.

Bà Trần Thị Hồng Hạnh-Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam

Theo Dương Công Chiến

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên