MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kiện ngân hàng, doanh nghiệp thua đau (?)

24-09-2013 - 10:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Đó là vụ Công ty TNHH Phương Đông kiện yêu cầu Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bắc Giang trả lại nhà xưởng, bồi thường thiệt hại đối với hành vi phát mại tài sản.

 Căn nguyên vụ kiện

Công ty TNHH Phương Đông (CTPĐ) hoạt động từ cuối năm 1993, chuyên sản xuất - kinh doanh hàng mộc dân dụng, mỹ nghệ, hàng giả da công nghiệp... 

Năm 1995, do nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất, CTPĐ (đại diện là ông Khổng Trọng Sinh - Giám đốc) đã vay của Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Bắc Giang (sau đây gọi tắt là ngân hàng) 400,667 triệu đồng (4 khế ước), lần vay cuối cùng ngày 24/6/1996 là 80 triệu đồng bằng bảo lãnh của Trung tâm Tư vấn doanh nghiệp tỉnh. 

Số tiền vay còn lại được CTPĐ thế chấp bằng một ngôi nhà 3 tầng (địa chỉ 156 đường Nguyễn Văn Cừ) có diện tích 482m2, là trụ sở làm việc và nhà xưởng của công ty.

Do đến hạn chưa trả được nợ, ngày 12/4/1999, Ngân hàng khởi kiện CTPĐ ra tòa, yêu cầu CTPĐ phải thanh toán cả gốc lẫn lãi 802,877 triệu đồng. Trong quá trình thụ lý, tòa nhận được khiếu nại của Quỹ bảo lãnh tín dụng thuộc Viện Fes (CHLB Đức) - đơn vị tài trợ cho Trung tâm Tư vấn doanh nghiệp tỉnh. Đại diện Viện Fes cho rằng, việc Fes phải chịu khoản lãi suất theo yêu cầu của ngân hàng đối với khoản bão lãnh 80 triệu đồng cho CTPĐ vay là trái với quy định.

Ngày 21/8/2000, TAND thị xã Bắc Giang đã bàn giao cho Tòa dân sự - TAND tỉnh Bắc Giang xét xử do có liên quan đến “yếu tố nước ngoài”. Do chưa triệu tập được vị đại diện đến từ CHLB Đức, ngày 20/9/2001, TAND tỉnh Bắc Giang đã ra quyết định tạm đình chỉ vụ án.

Nhưng, tháng 3/2002, ngân hàng đã tự ý tổ chức bán đấu giá “tài sản trên đất” mà CTPĐ đã thế chấp với giá 345 triệu đồng.

Sau khi bị ngân hàng siết nợ trong lúc chưa có phán quyết cuối cùng của tòa, đại diện CTPĐ đã kiện ngân hàng, yêu cầu trả lại nhà xưởng, bồi thường uy tín, danh dự... Tổng toàn bộ thiệt hại mà ngân hàng phải đền bù, theo tính toán của CTPĐ là trên 20 tỷ đồng.

Lý lẽ của ngân hàng

Đại diện ngân hàng, ông Nguyễn Hồng Thái - Phó giám đốc - cho biết: Việc ngân hàng phát mại tài sản thế chấp của ông Sinh là đúng quy định của pháp luật. Bởi ba khế ước cho vay đều đứng tên ông Sinh và người thừa kế là vợ ông - bà Nguyễn Thị Huấn. Đây là hồ sơ cho vay cá nhân, hộ gia đình, chứ không phải dành cho doanh nghiệp. Khi các cá nhân không trả được nợ, ngân hàng buộc phải thu hồi nợ.

Tuy nhiên, hầu hết các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền khi đề cập đến vụ việc đều dùng cụm từ “khoản vay của CTPĐ”, kể cả trong các công văn của ngân hàng. Đặc biệt, phần xác nhận của người vay có đóng dấu đỏ của CTPĐ và chữ ký của ông Sinh, phía bìa ngoài của khế ước cũng ghi rõ địa chỉ người vay là CTPĐ. Trong phần mục đích vay vốn ghi rõ: mua gỗ, khung nhôm, hàng giả da công nghiệp... Nhưng, phần thông tin về tên người vay vốn lại là ông Sinh và người thừa kế. Vì sao có chuyện “đầu Ngô, mình Sở” như vậy?

Trước câu hỏi “Vì sao trong khế ước vay vốn, theo phía ngân hàng là dành cho hộ gia đình mà lại có đóng dấu đỏ của CTPĐ?”, ông Thái bỏ lửng: “Tôi là người được ủy quyền, tiếp nhận bàn giao xử lý vụ việc, chứ tôi không là người trực tiếp cho ông Sinh vay vốn”.

Hơn nữa, việc phát mại tài sản của ngân hàng trái với quy định tại phần B, mục III, điểm 2 Thông tư 03/2001/TTLT/NHNN-BTP-BCA-BTC-TCĐC hướng dẫn việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng. Theo đó, các tổ chức tín dụng khi đang khởi kiện vụ việc ra tòa thì không được phép tự tiện siết nợ mà phải tuân thủ quy định của pháp luật dân sự.

Tại phiên phúc thẩm, HĐXX tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không chấp nhận bất cứ yêu cầu và đề xuất gì của nguyên đơn. Ông Sinh bức xúc, bày tỏ thái độ không đồng tình với kết quả phiên phúc thẩm và cho biết sẽ tiếp tục kiện ngân hàng.

Theo Hoàng Hằng

khanhnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên