MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất ngân hàng vượt trần tràn lan

18-07-2011 - 07:52 AM | Tài chính - ngân hàng

NH nào cũng vi phạm công khai, nhưng số vụ việc bị NHNN xử lý lại rất hiếm hoi. Nếu NHNN đọc báo cáo của các NH thì đương nhiên sẽ vẫn không thấy vi phạm.

Dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quy định trần lãi suất huy động ở các ngân hàng không quá 14%/năm và liên tục có văn bản chỉ đạo, nhắc nhở các ngân hàng thực hiện, thế nhưng, khi phóng viên Báo SGGP trong vai khách hàng đi gởi tiền thì hầu như ngân hàng nào cũng vi phạm, vượt trần lãi suất. Vi phạm cứ công khai, tràn lan, nhưng chẳng hiểu vì sao cán bộ Ngân hàng Nhà nước không “thâm nhập thực tế” để kiểm tra xử lý?

“Chạy” chỉ tiêu?!

Trước thực trạng một số ngân hàng huy động vốn với lãi suất trên 20%/năm khiến dư luận xôn xao rằng, một số ngân hàng sắp mất tính thanh khoản, có khả năng buộc phải mua bán hoặc sáp nhập với nhau.

Khi khách hàng thắc mắc vì sao ngân hàng huy động lãi suất cao như vậy, liệu “có vấn đề” gì không, một nhân viên giải thích: do kết sổ 6 tháng đầu năm nhưng chi nhánh không đạt chỉ tiêu nên giám đốc chi nhánh phải bỏ tiền túi bù lãi suất để huy động vốn cho đạt chỉ tiêu. Vì nếu không đạt chỉ tiêu, không những giám đốc không được thưởng mà còn có nguy cơ bị… mất chức nữa.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, sở dĩ dám huy động lãi suất cao là do chi nhánh đó đã “móc” được doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn với lãi suất cao hơn thế. Chỉ cần tìm được đầu ra cao hơn thì ngân hàng sẵn sàng huy động đầu vào cao tương ứng, ngân hàng đứng giữa kiểu gì cũng hưởng lãi suất chênh lệch…

Không biết lời giải thích trên có đúng hay không nhưng rõ ràng, từ đầu tháng 7 đến nay các ngân hàng đồng loạt giảm nhẹ lãi suất chỉ còn ở mức từ 17%/năm cho số tiền gởi 100 - 300 triệu đồng; 17,5% cho số tiền gởi từ 300- 500 triệu đồng; 18% - 18,5% cho số tiền gởi từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng và lãi suất 19% cho số tiền gởi trên 1 tỷ đồng.

Vượt trần đủ kiểu

Mới hơn một tuần trước, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gởi công văn yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm việc huy động vốn với lãi suất không quá 14%/năm và phải báo cáo tình hình thực hiện lãi suất cho NHNN. Không biết các ngân hàng sẽ báo cáo con “số đẹp” thế nào, nhưng để kiểm tra thực tế, phóng viên Báo SGGP đã thực hiện nhiều cuộc giao dịch tiền gởi thực tế thì hầu hết đều vi phạm.

Mặc dù biểu lãi suất công khai tại ngân hàng T. ghi rõ, lãi suất huy động 14%/năm nhưng khi chúng tôi thực hiện xong việc rút tiền từ tài khoản cá nhân và hỏi nhân viên ở đây trả lãi bao nhiêu để gởi luôn, nhân viên nói chị là khách quen, để em… hỏi sếp xem thế nào. Một lúc sau cô nhân viên quay ra trả lời sẽ trả 16%. Tôi nói, “bên ngân hàng V. trả 17%, bên này trả thấp quá, thôi tôi mang qua đó gởi…”, thế là cô nhân viên chấp nhận mức lãi suất 17%.

Tuy thỏa thuận thế, nhưng trong sổ tiết kiệm cô trao tôi chỉ ghi 14%/năm và cô nói số tiền chênh lệch lãi suất còn lại, cuối tháng ngân hàng sẽ chuyển vào tài khoản cá nhân của tôi. Và quả thật, cuối tháng, tài khoản của tôi được cộng thêm số tiền lãi suất chênh lệch.

Cũng trả lãi lách luật nhưng một vài ngân hàng khác thực hiện bằng hợp đồng ủy thác đầu tư với lãi suất cao hơn. Có ngân hàng thực hiện hợp đồng vay vốn với nội dung vay với lãi suất 14% và kèm theo điều kiện nếu ngân hàng trả lãi chậm sẽ bị phạt bằng 3%/năm hoặc 4%, 5% - tùy theo thỏa thuận và tùy theo số tiền gởi nhiều hay ít. Và đương nhiên, ngân hàng vi phạm trả lãi chậm một ngày và tự nguyện chịu phạt.

Ở ngân hàng A. mặc dù tháng trước chúng tôi được trả lãi đến 19%/năm (cho số tiền gởi 500 triệu đồng) nhưng tháng này thông báo giảm lãi suất chỉ còn 17,5%/năm và cách trả lãi cũng rất lạ. trong sổ tiết kiệm cũng ghi lãi 14%/năm, phần chênh lệch lãi suất còn lại được quy ra thành tiền và chúng tôi phải ký với ngân hàng bản “chênh lệch tỷ giá chuyển đổi vàng” để hợp thức hóa chứng từ thanh toán, trong khi chúng tôi giao dịch bằng tiền, không liên quan gì đến vàng. Và đương nhiên, những giấy tờ chênh chệnh tỷ giá chuyển đổi vàng này đều do ngân hàng giữ hết, không giao cho chúng tôi bản nào, vì vậy chúng tôi không có bằng chứng cho việc vượt trần lãi suất, trong khi phần chênh lệch lãi suất vượt trần ngân hàng vẫn chi trả đủ cho chúng tôi.

Qua kiểm tra thực tế thì ngân hàng nào cũng vi phạm công khai, thế nhưng, số vụ việc bị NHNN xử lý lại rất hiếm hoi. Nếu lần này, NHNN tiếp tục đọc báo cáo của các ngân hàng thì đương nhiên sẽ không thấy vi phạm, mặc dù vi phạm cứ tràn lan trong mắt người dân.

Như vậy, niềm tin về sự nghiêm minh của pháp luật sẽ bị giảm sút.

Theo Hàn Ni

Sài Gòn giải phóng


kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên