MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm gì để phòng ngừa và ngăn chặn vi phạm trong hoạt động ngân hàng?

04-07-2013 - 06:09 AM | Tài chính - ngân hàng

Thực tế công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng (NH) cho thấy, trong các vụ việc được phát hiện, phanh phui, cán bộ NH chiếm gần 70%.

Số còn lại là “ngoại xâm” thông đồng, câu kết cùng “nội xâm” trong nội bộ NH để phạm tội.

Sai phạm của cán bộ NH xảy ra thời gian qua đã gióng lên hồi chuông báo động về tình trạng kiểm soát vốn đem cho vay, công tác quản lý cán bộ của các NH. Để phòng ngừa và ngăn chặn vi phạm trong các quy định cho vay của tổ chức tín dụng cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt mà yếu tố tiên quyết vẫn là vấn đề con người…

Giải pháp tiên quyết là phải làm sạch nội bộ

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, các nguyên nhân dẫn đến việc thẩm định tài sản không đúng với giá trị thực bao gồm cả chủ quan từ phía doanh nghiệp (DN) và ngân hàng (NH), cũng như khách quan là do cơ chế. Bởi vậy, các giải pháp cũng phải bắt đầu từ chính các nguyên nhân. Phía các cán bộ tín dụng phải khảo sát, kiểm tra chặt chẽ hơn về nơi làm việc cũng như thông tin tài sản đảm bảo của DN. Đặc biệt, khi cho vay DN, phải xem xét đến cả thái độ cũng như tính thiện chí của DN. Nếu thấy “có vấn đề” là phải tìm hiểu kỹ hơn.

TS Lê Thẩm Dương nêu quan điểm, trong quá trình tái cơ cấu ngành NH, muốn gỡ nợ xấu việc đầu tiên là phải nâng cao, siết chặt vấn đề quản trị NH. Đặc biệt, phải nâng cao chất lượng tín dụng, mà con người - những cán bộ tín dụng là trọng tâm.

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu ý kiến: Nhiều năm trước khi các NH đẩy mạnh tín dụng thì tín dụng thu hút nhất, “ngon” nhất là bất động sản, vì tài sản thế chấp nằm ngay ở đó, không chạy đi đâu được, giá trị lại được định lượng rõ ràng, được chính thị trường kiểm chứng.

Trong thời kỳ thị trường hưng thịnh, nhà nhà, người người đua nhau đầu cơ BĐS, thì phía NH cũng cố tình đẩy giá trị quá lên so với thực tế. Việc này sẽ giúp đôi bên cùng có lợi: DN vay được tiền, NH cho vay được nhiều tiền, khoan nói đến việc móc ngoặc, thông đồng, mà nhân viên tín dụng cũng được hưởng hoa hồng nhiều hơn. Thậm chí, trong thời kỳ đó, việc thẩm định của NH có giá trị tới mức không cần biết mức độ chính xác của các bản thẩm định đến đâu, chỉ cần có đóng dấu thẩm định của NH là DN đã có thể dùng nó để giao dịch trên thị trường BĐS. Và đương nhiên thiệt hại cuối cùng là nợ xấu như cục máu đông kéo lùi cả nền kinh tế.

Bịt lỗ hổng pháp lý và “khóa” điểm yếu từ khâu kiểm soát nội bộ. Với chức năng của lực lượng Công an, Đại tá Nguyễn Minh Tiến, Trưởng phòng Hướng dẫn và Điều tra án xâm phạm sở hữu, Cục CSĐT tội phạm về TTQLKT và chức vụ (C46), Bộ Công an cho rằng yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa vi phạm trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng. Không ai khác, chính các tổ chức tín dụng phải kiên quyết thanh loại các cán bộ yếu kém về phẩm chất đạo đức. 

NHNN cần rà soát lại tất cả các quy trình, quy chế trong hoạt động của NHTM... nhằm bịt các kẽ hở để cán bộ NH không thể lợi dụng lừa đảo, tham ô chiếm đoạt tiền NH. Các NH phải tăng cường công tác kiểm tra thường xuyên, đột xuất, xử lý nghiêm các sai phạm, rút kinh nghiệm và nếu có dấu hiệu hình sự phải chuyển cho cơ quan điều tra để truy cứu trách nhiệm. Ở góc độ vĩ mô phải tiến hành lộ trình tái cấu trúc hệ thống NH, loại bỏ những NH yếu kém...

Bộ luật Hình sự hiện hành chỉ có 1 điều quy định xử lý vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, trong khi đó, rất nhiều các hoạt động nghiệp vụ khác như đầu tư, chuyển tiền thanh toán, bảo lãnh… xảy ra vi phạm nhưng thiếu hoặc chưa đủ chế tài điều chỉnh, gây nên khoảng trống pháp lý lớn. Chính vì vậy, trong khi làm việc với chúng tôi, một số điều tra viên của Cục C46 - Bộ Công an cho rằng, để ngăn chặn những nguy cơ rủi ro từ thị trường tài chính hiện nay, bên cạnh việc siết chặt các hoạt động quản lý thì bổ sung sửa đổi các quy định về tội phạm lĩnh vực đầu tư, chuyển tiền, bảo lãnh, thanh toán trong hoạt động các tổ chức tín dụng, cụ thể hơn trong Bộ luật Hình sự đối với một số tội phạm về thuế, tài chính - kế toán để thuận tiện cho việc xử lý.

Hiện nay, mỗi NH thương mại có từ vài chục đến cả ngàn chi nhánh, phòng giao dịch khắp cả nước. Để cạnh tranh, thu lợi cao nhất, thời gian qua nhiều NH đã ồ ạt mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch. Có những NH chỉ thành lập chi nhánh, phòng giao dịch xong, giao con dấu và một số vốn nhất định để người đứng đầu chi nhánh, phòng giao dịch tự thân vận động. Hằng tháng phải kiếm cho đủ lợi nhuận chi trả tiền thuê nhà, nhân viên và có lãi nộp về hội sở. Thực trạng được giao quyền “khủng” không khác gì được trao “thượng phương bảo kiếm” cùng với áp lực hoạt động phải có lãi đã khiến người đứng đầu chi nhánh, phòng giao dịch bỏ qua quy chế hoặc bất chấp vi phạm để đạt mục đích.

Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Vũ Hồng Nam, Trưởng phòng PC46, Công an TP Hồ Chí Minh kiến nghị: “Cần khóa điểm yếu từ khâu kiểm soát nội bộ, kiên quyết không để có tình trạng các DN sân sau của NH và của cán bộ NH. NHNN cần chủ động rà soát cơ chế, chính sách để giảm thiểu tối đa việc lách cơ chế, không thể để cho tình trạng vợ, chồng, con cùng làm việc trong một NH”.

Sau hàng loạt vụ sai phạm nghiêm trọng như vậy, nhưng vấn đề kiểm soát nội bộ của các NH để phát hiện sai phạm tỏ ra khá yếu. Trong số các vụ việc trên chỉ có 1 vụ được Thanh tra chuyên ngành NH phát hiện và 1 vụ được phát hiện qua việc kiểm toán. Còn lại đều được phát hiện qua đơn tố cáo hoặc từ việc điều tra, điều tra mở rộng các vụ án khác.

Ngay với NH NN&PTNT, dù số lượng chi nhánh, phòng giao dịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên lớn như vậy (có khoảng 42 ngàn cán bộ nhân viên ở 158 chi nhánh cấp 1 và cấp 2 cùng 2.324 phòng giao dịch trên toàn quốc) nhưng Ban kiểm soát của HĐQT chỉ có 3 người, Ban kiểm soát nội bộ có khoảng 27 người. Thực tế thời gian qua cho thấy, NH nào thực hiện kiểm soát tốt quy chế tài chính nội bộ, sai phạm ít xảy ra. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là để ngăn chặn sai phạm về quản lý tiền tệ trong NH trước hết thuộc về chính các NH.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh, Cục trưởng C46 - Bộ Công an:Xử lý nghiêm minh các vụ việc vi phạm, công tác điều tra phải tiến hành thận trọng, chính xác không để ảnh hưởng xấu đến an ninh tiền tệ. Ngành NH cần kiện toàn và tăng cường năng lực tổ chức bộ máy cơ quan quản lý nhà nước về NH. Tăng cường công tác thanh, kiểm tra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục; rà soát lại đội ngũ cán bộ chủ chốt của các NHTM, thực hiện luân chuyển để phòng ngừa sai phạm. Xây dựng quy chế phối hợp đấu tranh, phòng ngừa các hành vi phạm tội trong lĩnh vực tín dụng, NH giữa NHNN với Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác…


Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN: Phải có thể chế, cơ chế rõ ràng, minh bạch, ràng buộc chặt chẽ như các quy định về hàng, về kho bãi, điều kiện bảo lãnh, điều kiện quản lý hàng thế chấp. Nhưng quan trọng nhất là phải có khả năng thực thi các quy định này, để khi xảy ra vấn đề thì có thể xử lý được. Mặt khác, cán bộ của NH cũng như cán bộ DN phải có trách nhiệm trong công việc, nâng cao năng lực nghiệp vụ và ý thức pháp luật của chính bản thân mình. Đồng thời phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa NH và DN, có sự giám sát của cơ quan thanh tra, kiểm tra.



Theo M.Hà - L.Thúy - X.Mai - Đ.Thắng

hangnt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên