MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng trước áp lực cổ tức

15-11-2013 - 18:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Một chuyên gia ngân hàng làm việc lâu năm tại nước ngoài tỏ ra băn khoăn về việc các nhà đầu tư trong nước vẫn còn tâm lý kỳ vọng cao về cổ tức.

Miếng bánh lợi nhuận ngày càng nhỏ

Năm 2013 được nhận định là năm kinh doanh không thuận lợi của các ngân hàng, lợi nhuận giảm mạnh do thu nhập từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm tới 80% tổng nguồn thu của ngân hàng đang gặp nhiều khó khăn…

Dù thời gian qua, các ngân hàng cũng nỗ lực hỗ trợ miễn giảm lãi vay, cơ cấu kỳ hạn trả nợ… để tạo điều kiện cho DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng, thực tế, do khả năng tiêu thụ hàng hóa của DN còn hạn chế nên hàng tồn kho tăng cao, năng lực tài chính của DN theo đó cũng giảm sút. Và tất nhiên, số lượng DN đáp ứng được các điều kiện vay vốn ngân hàng ngày càng ít.

Một số DN có nhu cầu vay vốn nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn như tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án, báo cáo tài chính của DN không rõ ràng, minh bạch... đã ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng của DN. Do đó, các ngân hàng khó có thể kỳ vọng tăng nguồn thu từ tín dụng. Đó là chưa kể, DN không mở rộng sản xuất kinh doanh thì ngay cả nhu cầu sử dụng các dịch vụ ngân hàng cũng sẽ giảm đi. Vì thế, chắc chắn lợi nhuận của các ngân hàng sẽ giảm so với năm 2012.

Mặt khác, do nợ xấu vẫn chưa cải thiện nhiều nên các ngân hàng vẫn phải tăng trích lập dự phòng rủi ro đồng nghĩa với việc lãi ròng giảm. Một số lãnh đạo ngân hàng cho rằng, tuy xác định phải tích cực hơn phát triển sản phẩm dịch vụ mới, mở rộng tín dụng để tăng lợi nhuận, đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông… nhưng trong bối cảnh DN gặp khó khăn như hiện nay khó có thể kỳ vọng được lợi nhuận ở mức cao. Nên thời điểm này các ngân cần sự chia sẻ của các cổ đông về kỳ vọng cổ tức.

Một số chuyên gia ngân hàng còn khuyến nghị: các ngân hàng chỉ nên dành một phần ít lợi nhuận chia cổ tức cho cổ đông còn lại tái cơ cấu, tăng năng lực tài chính củng cố phát triển bền vững trong thời gian tới. Nếu ngân hàng vẫn cố chạy theo con số cổ tức cao, tức là tự làm khó mình.

Cổ tức sẽ ra sao?!

Quyền Tổng giám đốc SCB Võ Tấn Hoàng Văn cũng bày tỏ quan điểm rõ ràng về vấn đề chia cổ tức. “Quan điểm của tôi khi ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu là không chia cổ tức. Dù có “ép” thì ngân hàng cũng “bó tay”. Ta cứ hình dung một cơ thể mệt mỏi, ốm yếu rất cần được tẩm bổ để khỏe mạnh hơn, giờ lại yêu cầu phải đi “hiến máu” thì chịu sao nổi. Nhưng rất may SCB được cổ đông chia sẻ”, ông Văn chia sẻ.

Chị Thu Trang – cổ đông của Eximbank cho biết: trong thời điểm cả nền kinh tế khó khăn, không phải chỉ riêng các ngân hàng, thì mình cũng không thể đòi hỏi cổ tức nhiều từ ngân hàng. “Nếu không phải chia cổ tức, ngân hàng có thể dùng vốn đó tái đầu tư, vượt qua khó khăn hiện nay. Còn giả dụ nếu ngân hàng chấp nhận chi hàng nghìn tỷ đồng cho chia cổ tức thì phải đi huy động ở ngoài thị trường và trả lãi vay, chi phí hoạt động chắc chắn tăng lên. Lúc đó, chi phí tăng, đương nhiên lợi nhuận của ngân hàng giảm và dĩ nhiên cổ tức cũng không thể cao được”, chị Trang phân tích.

Song, cũng có một bộ phận cổ đông mong muốn cả năm ít nhiều khoản đầu tư của mình sinh lời. Cô Ngô Bảo – cán bộ hưu trí chia sẻ: dù không được như mọi năm, nhưng ít ra chúng tôi cũng muốn nhận được tương đương một khoản tiền bằng số lãi nếu gửi tiết kiệm.

Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, các TCTD phải xác định lại năng lực tài chính của mình để cân đối đưa ra mức cổ tức cho phù hợp. “Cần xác định với cổ đông là thời điểm này có cổ tức là tốt rồi chứ không thể mong được ở mức cao. Còn nếu TCTD nào vẫn chia cổ tức nhiều thì phải xem xét lại”, ông Hùng nhấn mạnh. Ngoài một phần nhỏ chia cho cổ tức, theo gợi ý của ông Hùng, lợi nhuận còn lại cần tập trung vào tái cấu trúc, trích lập dự phòng rủi ro xử lý nợ xấu. Phần nợ xấu nào không thể tự xử lý được các ngân hàng bán lại cho VAMC.

Một chuyên gia ngân hàng làm việc lâu năm tại nước ngoài tỏ ra băn khoăn về việc các nhà đầu tư trong nước vẫn còn tâm lý kỳ vọng cao về cổ tức. Trên thế giới ngay cả ngân hàng lớn như CitiBank, khi kinh tế khủng hoảng họ không chia cổ tức. Thậm chí họ còn yêu cầu cổ đông bổ sung vốn để ngân hàng hoạt động ổn định lâu dài. Theo vị này, với nhà đầu tư chuyên nghiệp không mong chờ cổ tức cao mà hy vọng ngân hàng hoạt động tốt tạo giá trị nội tại phần thặng dư về sau này.

Về vấn đề này, ông Võ Tấn Hoàng Văn cho rằng, cổ đông cũng cần thay đổi tư duy chia sẻ về cổ tức. Nhất là trong thời kỳ khó khăn, một miếng khi đói bằng một gói khi no. “Nhà đầu tư nước ngoài có kinh nghiệm đến xứ sở xa lạ đầu tư mà họ vẫn kiên nhẫn được tại sao mình lại không làm được việc đó trên chính đất nước mình”, ông Văn đặt vấn đề.

Dù vẫn biết ngân hàng phải chịu sức ép khá nhiều, nhưng theo TS. Trương Văn Phước các ngân hàng Việt Nam hiểu rằng họ phải làm gì để tự cứu mình. “Sẽ không có ngân sách từ tiền đóng thuế của người dân đi làm từ thiện giúp những anh cho vay bậy để chia ra cổ tức cao đẩy giá cổ phiếu tăng nhanh. Chính họ chứ không ai khác khi mà trong nhà mình gạo thóc đã hết thì tự phải bươn chải trồng luống rau, khoai để mà ăn, tồn tại chứ không phải trông chờ những người làm thiện nguyện”, ông Phước nhận định.


Theo Hà Thành

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên