MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ đọng XDCB làm kẹt dòng vốn ngân hàng

28-11-2013 - 13:04 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Nguyễn Trí Dũng-Quản đốc quốc gia Dự án ”Chính sách kinh tế vĩ mô”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, nợ đọng XDCB đang làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu, làm kẹt dòng tín dụng tại các ngân hàng.

Ông Nguyễn Trí Dũng - Quản đốc quốc gia Dự án ”Chính sách kinh tế vĩ mô”, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, nợ đọng XDCB đang làm trầm trọng thêm tình trạng nợ xấu, làm kẹt dòng tín dụng tại các ngân hàng.

Ủy ban đánh giá thế nào về nợ đọng XDCB và khối nợ đọng đó có tính là nợ xấu hay không. Bởi nhiều ý kiến cho rằng khối nợ đọng này là một trong những nguyên nhân chính làm kẹt dòng vốn tín dụng?

Đúng là một trong những tình trạng khiến nợ xấu tín dụng trầm trọng thêm là do nợ đọng XDCB.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2013 dẫn nguồn Bộ Tài chính đã chỉ ra đến tháng 12/2012, nợ đọng XDCB khoảng 90.000 tỷ đồng, bằng khoảng hơn 30% tổng số nợ xấu của các NHTM. Con số gần đây do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu tại phiên chất vấn trước Quốc hội chỉ còn khoảng 43 nghìn tỷ. Tuy nhiên, đây vẫn là con số không nhỏ. Nợ xấu cao, các ngân hàng đã phải trích dự phòng rủi ro cao hơn, chuẩn cho vay cũng trở nên ngặt nghèo hơn để tránh rủi ro, lãi suất cho vay cũng khó có thể giảm sâu, và theo đó, cung vốn ra nền kinh tế bị hạn chế.

Thưa ông, vấn đề giải quyết nợ đọng XDCB đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hướng giải quyết. Nhưng, đã gần 1 năm nợ này vẫn chưa được xử lý, vì sao?

Việc giải quyết nợ đọng XDCB có lẽ sẽ là nút mở quan trọng mà Nhà nước có thể chủ động để làm cho dòng vốn lưu thông. Theo Bộ Tài chính gốc rễ của nợ đọng XDCB là đầu tư dàn trải, nên hàng loạt công trình bị đình hoãn, giãn tiến độ. Nhiều dự án dù đã hoàn thành, nhưng vốn không được cấp nên vẫn phải nợ nhà thầu. Nhưng việc giải quyết số nợ đọng này không đơn giản, khi nguồn thu ngân sách trung ương cũng như địa phương đang giảm sút mạnh do suy thoái kinh tế.

Và hệ lụy của việc chậm xử lý khối nợ đọng này, liệu nó có làm xấu hơn tình hình hiện nay?

Với tình trạng nợ xấu cao, lại thêm sức hấp thụ tín dụng của nền kinh tế yếu, khiến dòng tiền bị kẹt trong hệ thống ngân hàng không được đưa vào khu vực sản xuất và tiêu dùng.

Dòng tiền kẹt này đang được ngân hàng sử dụng để mua trái phiếu Chính phủ (TPCP) hay tín phiếu NHNN. Việc tăng mua trái phiếu của các NHTM vừa góp phần tăng vốn đầu tư và cũng làm tăng quy mô thị trường trái phiếu. Tổng khối lượng TPCP, TPCP bảo lãnh và tín phiếu phát hành trong năm 2012 là khoảng 200.000 tỷ đồng (tương đương gần 10 tỷ USD), đặc biệt là TPCP phát hành lên đến 115.000 tỷ đồng (tăng gần 85% so với năm 2011).

Bên cạnh mặt tích cực thì quy mô thị trường trái phiếu tăng cũng nhiều khả năng dẫn đến rủi ro xấu là các dòng vốn đang được phân bổ thiếu hiệu quả, thay vì đưa vào khu vực tư nhân qua vay tín dụng sản xuất thì đang dần chuyển hướng nhiều hơn vào khu vực công thông qua TPCP.

Cần lưu ý là trong những năm tới, khối lượng phát hành trái phiếu sẽ còn lớn hơn nữa khi mà Quốc hội đã đồng ý việc phát hành bổ sung thêm 170.000 tỷ đồng vốn TPCP bổ sung giai đoạn 2014-2016 và lượng vốn này không bao gồm 75.000 tỷ đồng đã có trong kế hoạch 2012-2015. Điều này ngoài việc làm tăng nợ công, còn dẫn đến hiện tượng đầu tư công “lấn át” đầu tư tư nhân, phân bổ nguồn lực tiếp tục kém hiệu quả, khi các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, chất lượng và năng suất của các khoản đầu tư tư nhân là cao hơn nhiều so với đầu tư công.

Thưa ông, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu của hệ thống ngân hàng là điểm nghẽn. Nhưng ở thời điểm hiện nay, điều đáng lo nhất là nợ xấu nền kinh tế?

Trong Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2013 với chủ đề “Thách thức còn ở phía trước” chúng tôi vừa công bố đã chỉ ra rằng, trong 2 năm qua, số DN thu hẹp sản xuất, đóng cửa tăng mạnh, số DN thua lỗ gia tăng, tỷ lệ lợi nhuận DN có xu hướng giảm. Hệ quả là DN không trả được nợ đúng hạn gây ra nợ xấu lớn trong hệ thống tín dụng và nợ dắt dây trong nền kinh tế chưa có lối thoát.

Hiện tượng nợ không chỉ dừng ở DN nợ lẫn nhau, ở chiều nợ thuế nhà nước mà còn theo cả chiều ngược lại là Nhà nước nợ DN ở khối nợ đọng XDCB. Như vậy, nền kinh tế đã hình thành một vòng xoáy nợ đọng lẫn nhau giữa các khu vực kinh tế và tình hình ngày càng có xu hướng xấu hơn. Đặc biệt là khu vực DNNN đang bị coi là nguyên nhân quan trọng gây ra nợ xấu và những mất cân đối lớn về cơ cấu kinh tế hiện nay.

Trong bối cảnh nợ công của Việt Nam ở mức cao, thâm hụt ngân sách tăng cao trở lại trong vài năm tới thì khả năng hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để giải quyết nợ đọng XDCB, giảm nợ của khu vực DNNN là vô cùng khó khăn. Vì vậy, không ít các chuyên gia kinh tế đã bày tỏ những lo ngại về tình trạng nợ xấu của nền kinh tế và cũng đáng quan ngại khi ít nhìn thấy khả năng sớm giải quyết tình trạng này.

Ông có thể cho biết trong Báo cáo trên, vai trò của chính sách tiền tệ được nhìn nhận như thế nào?

Trong số các chính sách vĩ mô thì chính sách tiền tệ được coi là có ảnh hưởng mạnh tới các quyết định đầu tư của DN. Việc điều chỉnh nới lỏng hay thu hẹp chính sách tiền tệ nếu được thực hiện theo những quy tắc nhất định thì các DN đương nhiên sẽ nhìn đó như là những căn cứ để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của mình. Thế nhưng các chỉ số như tăng trưởng cung tiền, tỷ giá, mối quan hệ giữa tăng trưởng và lạm phát đều biến động mạnh, chưa theo quy tắc trong những năm vừa qua.

Chính sách tiền tệ chưa theo quy tắc một phần xuất phát từ tính độc lập của chính sách tiền tệ chưa được đảm bảo và còn bị chi phối, đặc biệt là ở góc độ thể chế. Vừa qua, việc ra đời Nghị định 156/2013/NĐ - CP (Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của NHNN Việt Nam) cũng đã có một số điểm mới, tuy nhiên vẫn còn nhiều việc phải làm để chính sách tiền tệ thoát ly khỏi những áp lực về đòi hỏi tăng trưởng bằng mọi giá.

Cảm ơn ông!

Theo Tri Nhân

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên